Hàng trăm ngàn dân Trung Quốc sập bẫy của trùm ngân hàng dỏm
Hơn 400.000 khách hàng gửi tiết kiệm tại 6 ngân hàng nông thôn ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, đang được yêu cầu gửi đơn khiếu nại đến cơ quan quản lý ngân hàng nếu họ không rút được tiền, với tổng số tiền gửi lên đến 40 tỷ tệ (6 tỷ USD).
Từ tháng 4 năm nay, khách hàng không thể rút tiền trực tuyến tại nhiều ngân hàng khác nhau, nơi họ đã gửi với mức lãi suất lên đến 9%, báo chí Trung Quốc đưa tin.
Ngày 18/6, công an thành phố Hứa Xương, tỉnh Hà Nam, thông báo đã hoàn tất cuộc điều tra sơ bộ đối với công ty cổ phần đầu tư Tân Tài Phú Hà Nam, công ty đang quản lý 13 ngân hàng địa phương và có những giao dịch tiền gửi bất hợp pháp. Công an cho biết đã bắt một nhóm người và đóng băng tài sản của họ.
Công an không cho biết Lyu Yi, ông chủ của Tân Tài Phú, có bị bắt hay không, nhưng nhấn mạnh rằng đây là vụ án nghiêm trọng. Báo chí chính thống đưa tin Lyu có thể đã trốn sang Mỹ.
Cuối tháng 4, nhiều khách hàng gửi tiền phàn nàn rằng họ không thể rút tiền từ nhiều ngân hàng nông nghiệp địa phương, bao gồm ngân hàng Yuzhou Xinminsheng, Zhecheng Huanghuai và Shangcai Huimin.
Ngày 30/4, Ủy ban quản lý ngân hàng và bảo hiểm Trung Quốc (CBRC) cho biết họ rất quan ngại về các dịch vụ ngân hàng trực tuyến trái phép mà một số ngân hàng nông nghiệp ở Hà Nam đang cung cấp. Ủy ban cho biết sẽ phối hợp với cơ quan quản lý địa phương và các bộ của chính phủ để điều tra.
Ngày 18/5, CBIRC thông báo đã cùng Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBoC) chỉ đạo chi nhánh ở Trịnh Châu giám sát chặt chẽ hoạt động ngân hàng địa phương và thúc đẩy điều tra.
Cuối tuần qua, công an thành phố Hứa Xương ra thông cáo cho biết đã bắt đầu điều tra Tân Tài Phú từ ngày 19/4 và nắm được bằng chứng sơ bộ cho thấy Lyu Yi dính dáng đến nhiều hoạt động phạm tội nghiêm trọng từ năm 2011.
Thông cáo cho biết vụ án này rất phức tạp và đã kéo dài, liên quan đến nhiều người.
Lyu có thể đã trốn sang Mỹ sau khi bị yêu cầu cung cấp thông tin phục vụ cuộc điều tra đối với Cai Esheng, cựu phó chủ tịch Ủy ban quản lý ngân hàng Trung Quốc. Cai bị bắt hồi đầu năm nay vì nghi ngờ nhận hối lộ và lạm quyền, báo Bưu điện buổi sáng Trùng Khánh đưa tin ngày 20/6.
Bản tin nói rằng Lyu, sinh năm 1974, đạt được thành công đầu tiên khi trúng thầu dự án đường cao tốc trong 30 năm ở Hà Nam vào năm 2003. Theo báo này, Lyu dùng tiền thu được từ dự án để tái đầu tư vào một số tổ chức tài chính, sau đó trở thành cổ đông của một số ngân hàng nông thôn.
Bản tin cho biết công ty Tân Tài Phú của Lyu đến nay đã đăng ký hơn 100 công ty bình phong và kiểm soát ít nhất 13 ngân hàng nông thôn. Tên của Lyu xuất hiện trong vụ án hối lộ ở Trịnh Châu từ năm 2018.
Lyu có quốc tịch của đảo Síp và tự nhận đã có bằng thạc sĩ quản trị tại ĐH Hong Kong Trung Quốc và tốt nghiệp ngành luật quốc tế tại ĐH Bắc Kinh.
Năm 2016, Lyu lập một công ty đầu tư ở đảo Síp và nhiều quỹ đầu tư ở Geneva, Luxembourg và Paris để đầu tư vào các ngành thực phẩm, khách sạn, bất động sản, y tế, chăm sóc người già, hậu cần và công nghệ cao ở châu Âu và Bắc Mỹ.
Năm 2018, Lyu quyên tiền cho một quỹ từ thiện ở Liberia và xây trường học ở một quốc gia Tây Phi. Năm ngoái, Lyu trở thành chủ tịch Peaceever TV International MediaGroup, một tổ chức truyền thông phi lợi nhuận ở New York.
Trong một diễn biến khác, ủy ban giám sát và kiểm tra kỷ luật ở Trịnh Châu cho biết họ đã bắt đầu điều tra chính thức sau khi nhiều nạn nhân của ngân hàng lừa đảo bị chuyển mã y tế thành màu đỏ trong tuần qua.
Mã đỏ nghĩa là họ không thể đến những nơi công cộng hoặc sử dụng phương tiện giao thông công cộng vì lý do chống dịch. Một người chỉ có thể di chuyển tự do nếu có mã xanh. Mã y tế của các nạn nhân bị chuyển sang màu đỏ để ngăn họ đi biểu tình phản đối các ngân hàng.
Báo chí chính thống chỉ trích một số chính quyền địa phương lạm dụng hệ thống mã y tế để ngăn người dân thực hiện quyền hợp pháp. Một số bài viết kêu gọi chính phủ trung ương áp dụng mã y tế chuẩn chung cho tất cả tỉnh thành.