Hàng trăm nghìn hộ dân không được cấp sổ đỏ vì chủ đầu tư nợ tiền nhà nước

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết có nhiều doanh nghiệp huy động tiền của dân đi làm dự án khác, không nộp ngân sách khiến hàng trăm nghìn hộ dân không được cấp giấy chứng nhận nhà, đất ở…

Chiều ngày 19-6, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về dự án Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi). Góp ý tại đây, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu quy định chủ đầu tư phải đảm bảo đủ năng lực tài chính mới được cấp phép các dự án đầu tư, kinh doanh bất động sản.

Quy định này nhằm hạn chế tình trạng hàng trăm nghìn hộ dân không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, do chủ đầu tư nợ tiền nộp ngân sách nhà nước.

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc. Ảnh: QH

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc. Ảnh: QH

“Doanh nghiệp sau khi bán nhà, ứng tiền trước của dân, lấy tiền hình thành trong tương lai đi đầu tư dự án khác, không có tiền nộp ngân sách. Người dân không được nhận giấy chứng nhận, chính quyền phải đối diện với sự bất ổn do người dân khiếu nại”, ông Phớc nhấn mạnh.

Ông Phớc cũng cho hay điều này đang để lại một hậu quả rất khó giải quyết. Cụ thể tranh chấp giữa doanh nghiệp và người dân là dân sự, đưa ra tòa. Nếu có dấu hiệu lừa đảo thì chỉ bắt chủ đầu tư đi tù.

“Nhưng hàng nghìn người dân không được cấp chứng nhận thì ai giải quyết? Chủ đầu tư chưa nộp vào ngân sách thì chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính, người dân mãi mãi phải đi kiện, chính quyền phải giải quyết bất ổn này” - ông nói.

Theo đó, Bộ trưởng Tài chính đề nghị cần quy định trong luật chủ đầu tư nào nộp tiền vào ngân sách, thực hiện nghĩa vụ tài chính mới được giao đất. “Ông cha nói tiền trao cháo múc, tiền chưa trao mà cháo đã múc thì hôm sau lại phải đi đòi nợ” - ông nhấn mạnh.

ĐBQH Hoàng Văn Cường - Hà Nội. Ảnh: TP

ĐBQH Hoàng Văn Cường - Hà Nội. Ảnh: TP

Ở khía cạnh khác, ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) dẫn thực tế hiện nay bất động sản hình thành trong tương lai đã gây ra rất nhiều hệ lụy cho thị trường bởi thường được mua đi, bán lại.

Các vụ lừa đảo ở các dự án ma hầu hết đều là bất động sản hình thành trong tương lai. Dù dự án mới vẽ trên giấy, nhưng đã phân lô để bán, lúc đó có thể lừa được người mua, nếu như hình thành nhà rồi thì khó có thể lừa được.

“Trên thế giới tôi thấy chưa có nước nào bán bất động sản hình thành trong tương lai. Nếu nhà đầu tư nếu muốn huy động vốn, có thể phát hành trái phiếu công trình đó, thành lập quỹ đầu tư bất động sản; trái phiếu này sau đó có thể được chuyển đổi thành nhà ở. Tôi mong sửa luật, không nên quy định bất động sản hình thành trong tương lai; mà nhà đầu tư muốn huy động vốn có thể phát hành trái phiếu công trình có chuyển đổi. Từ đó, người muốn mua đất, nhà đều có cơ hội đầu tư và kiểm soát dự án” - ông Cường nêu quan điểm.

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, vấn đề thứ hai liên quan đến sàn giao dịch bất động sản và môi giới bất động sản. Môi giới là nghề chuyên nghiệp, có vai trò trung gian, trung thực, minh bạch thị trường bất động sản. Vì thế, Luật cần phải quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn của sàn giao dịch bất động sản, người giao dịch qua sàn sẽ không còn sợ bị lừa đảo…

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/hang-tram-nghin-ho-dan-khong-duoc-cap-so-do-vi-chu-dau-tu-no-tien-nha-nuoc-post738586.html