Hàng trăm người bị ngộ độc sau khi thưởng thức món lươn nướng nổi tiếng
Theo thông tin ban đầu, nguyên nhân gây ra vụ ngộ độc được xác định là do vi khuẩn Staphylococcus aureus (tụ cầu vàng) có trong các phần lươn nướng bán tại nhà hàng.
Mới đây, một vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng đã xảy ra tại Nhật Bản, khiến hàng trăm người bị ảnh hưởng. Cụ thể, khoảng 150 người đã phải nhập viện và đáng tiếc, một cụ bà 90 tuổi đã qua đời sau khi ăn món lươn nướng tại nhà hàng Nihonbashi Unagi Isesada, một thương hiệu lươn nổi tiếng ở Yokohama.
Trung tâm y tế công cộng Yokohama cho biết hoạt động tại nhà hàng này, vốn có chi nhánh ở Tokyo, đã bị đình chỉ vào ngày 29/7.
Các quan chức y tế lần đầu tiên nhận được báo cáo về hai trường hợp có triệu chứng nôn nhẹ và tiêu chảy vào sáng ngày 25/7. Qua điều tra, các cơ quan chức năng phát hiện nhiều người bị bệnh sau khi ăn cơm hộp hoặc các món ăn có chứa lươn từ cửa hàng này.
Kết quả xét nghiệm cho thấy Staphylococcus aureus (tụ cầu vàng), một loại vi khuẩn thường lây nhiễm qua da, đã được tìm thấy trong mẫu phân tích của 5 bệnh nhân.
Ít nhất 147 người, bao gồm cả trẻ em dưới 10 tuổi và người cao tuổi trên 90 tuổi, đã báo cáo các triệu chứng buồn nôn và tiêu chảy.
Mặc dù hầu hết các trường hợp đều có triệu chứng nhẹ, ít nhất hai người đã phải nhập viện và đáng tiếc, một phụ nữ 90 tuổi đã qua đời tại bệnh viện sau khi ăn cơm hộp lươn từ Isesada. Tuy nhiên, các quan chức y tế cho biết cái chết của bà không liên quan trực tiếp đến ngộ độc thực phẩm mà do các bệnh nền sẵn có.
Lươn, hay unagi trong tiếng Nhật vốn là một món ăn truyền thống được người Nhật rất yêu thích, đặc biệt là vào mùa hè.
Isesada đã bán được 1.761 phần bento và kabayaki (lươn nướng sốt teriyaki) vào ngày 24 và 25/7. Đáng lo ngại, ít nhất 450 phần trong số đó bị phát hiện ghi sai hạn sử dụng và thiếu thông tin về các chất gây dị ứng.
Ngay trong ngày 26/7, quán ăn đã khuyến cáo khách hàng không nên sử dụng các phần unagi mua từ cửa hàng dưới tầng hầm Keikyu.
Tại cuộc họp báo chung vào ngày 29/7, đại diện từ Keikyu và Isesada đã gửi lời xin lỗi chân thành về sự cố ngộ độc thực phẩm này và cam kết sẽ tiến hành điều tra làm rõ nguyên nhân.
Bên cạnh đó, nhà hàng thành lập từ năm 1946 cũng thừa nhận sai sót khi phát hiện 5 nhân viên không tuân thủ quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, cụ thể là không đeo găng tay khi chế biến và trình bày các phần lươn.