Hàng trăm người di cư châu Á bị mắc kẹt, thiếu ăn nhiều tuần tại sân bay Brazil
Trong nhiều tuần, hàng trăm người di cư từ Ấn Độ, Nepal và một số nước châu Á khác đã bị mắc kẹt tại Sân bay quốc tế Sao Paulo-Guarulhos trong khi chờ nhập cảnh vào Brazil.
Một quan chức cho biết, có ít nhất 666 người di cư không có thị thực đang chờ nhập cảnh vào Brazil tại Sân bay quốc tế Sao Paulo-Guarulhos, trong khi chính phủ Brazil có kế hoạch thắt chặt các quy định nhập cảnh vào ngày 26/8 để ngăn chặn dòng người nước ngoài đến Brazil như điểm dừng chân trong hành trình đi Mỹ và Canada.
Người di cư bị giam giữ trong một khu vực hạn chế di chuyển, không được tắm rửa, khó có thể kiếm được thức ăn và nước uống, trong khi trẻ em và thanh thiếu niên phải chịu đựng cái lạnh mà không có chăn, theo vị quan chức này cho biết.
Theo Văn phòng Luật sư Công, sức khỏe của những người di cư đang ngày càng suy yếu và quyền con người của họ đang bị vi phạm. Cơ quan này cho biết điều kiện sống của những người di cư cần được cải thiện khẩn cấp, đồng thời kêu gọi các nhà chức trách tuân thủ luật pháp của Brazil dựa trên nguyên tắc nhân đạo là tiếp nhận người tị nạn và không trả họ về nước.
Người phát ngôn Văn phòng cho biết một người di cư 39 tuổi từ Ghana đã chết cách đây hai tuần mà không rõ nguyên nhân. Không rõ liệu anh tử vong khi bị giữ lại tại sân bay hay trên đường đến bệnh viện.
Bộ An ninh công cộng Brazil cho biết, bắt đầu từ ngày 26/8, du khách nước ngoài không có thị thực Brazil muốn đến một quốc gia khác phải đi thẳng đến điểm đến hoặc trở về nước mình.
Bộ này cho biết Brazil đã chứng kiến sự bùng nổ lượng du khách nước ngoài, đặc biệt là từ châu Á, hạ cánh tại nước này để quá cảnh trên đường đến Bắc Mỹ. Để vào Brazil, họ xin tị nạn với lý do bị đàn áp và đe dọa ở quốc gia của họ, nhưng phần lớn đều đi về phía bắc khi có thể.
Bộ này cho biết hiện tại, những hành khách đến Sao Paulo mà không có thị thực sẽ không được phép ở lại Brazil. Không rõ liệu các quy định mới sẽ áp dụng cho những người di cư đã có mặt tại Sân bay Sao Paulo hay chỉ áp dụng cho những người đến sau khi các quy định có hiệu lực.
Các chuyên gia về nhập cư lo ngại rằng các quy định được đề xuất sẽ đi ngược lại Công ước về người tị nạn của Liên hợp quốc năm 1951, vốn kêu gọi các quốc gia tiếp nhận những người gặp rủi ro ở nước họ, ngay cả khi họ không có giấy tờ.