Hàng trăm người đợi ghép giác mạc ở TP.HCM
Tại TP.HCM có khoảng 350 người đang chờ ghép giác mạc, nhưng nguồn cung ứng mô hạn chế nên nhiều người bỏ cuộc vì chờ quá lâu.
Theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nguồn lực chăm sóc mắt toàn cầu còn hạn chế, hơn 1 tỷ người trên thế giới vẫn phải gánh chịu hậu quả của việc mất thị lực vì không được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc mắt cơ bản.
Gánh nặng kinh tế toàn cầu mỗi năm cho vấn đề mù lòa lên đến hơn 411 tỷ USD. Ước tính, nếu không có những biện pháp can thiệp hiệu quả thì đến năm 2050, số người mù lòa và suy giảm thị lực trầm trọng sẽ tăng lên 1,8 tỷ.
Khan hiếm nguồn giác mạc
Trao đổi với Tri Thức - Znews bên lề hội nghị Nhãn khoa TP.HCM mở rộng lần thứ 3, do Bệnh viện Mắt TP.HCM tổ chức, bác sĩ chuyên khoa II Lâm Minh Vinh, Trưởng khoa Giác mạc, Bệnh viện Mắt TP.HCM, cho biết đầu năm nay số lượng người chờ ghép giác mạc là 250 người, sau 6 tháng con số này tăng lên 350 người. Thực tế, số lượng sẽ cao hơn rất nhiều vì còn nhiều người bỏ cuộc do chờ đợi quá lâu.
"Từ đầu năm đến nay, bệnh viện chưa ghép ca giác mạc nào vì không có nguồn mô giác mạc. Bệnh viện chưa xác định được bao lâu nữa 350 bệnh nhân đang chờ sẽ được ghép giác mạc", bác sĩ Vinh nói.
Lý giải nguyên nhân hàng dài bệnh nhân nằm trong danh sách chờ, bác sĩ Vinh nói rằng nguồn cung ứng giác mạc đang rất khan hiếm. Tại TP.HCM và cả vùng phía Nam không có ngân hàng mắt nào hoạt động để tiếp nhận mô từ người hiến trong nước, nguồn mô viện trợ từ nước ngoài. Ngân hàng Mắt TP.HCM trực thuộc Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo đã ngưng hoạt động sau dịch Covid-19.
Một số đơn vị ở phía Bắc đã có ngân hàng mắt, nhưng chỉ tiếp nhận hiến và ghép cho những người dân trong bán kính 200-300 km, do tính chất khó bảo quản của giác mạc nên không thể di chuyển xa.
Hiện, bệnh viện đang tìm nguồn cung ứng giác mạc từ những ngân hàng mắt nước ngoài, tuy nhiên quá trình này rất khó khăn, phức tạp vì họ phải có số lượng mô dư mới đồng ý chuyển về Việt Nam. Sau nhiều nỗ lực, bệnh viện đã ký kết được với ngân hàng mắt ở Mỹ và Nepal để cung ứng mô giác mạc, nếu có dư. Tuy vậy, vào mùa cao điểm ở nước sở tại của ngân hàng cho mô giác mạc, họ sẽ từ chối viện trợ.
"Việc ký kết được với 2 ngân hàng giác mạc nước ngoài là điều rất quý giá. Tuy nhiên, thủ tục hải quan để đưa giác mạc vào Việt Nam rất khó khăn, phức tạp. Mô giác mạc có thời hạn sử dụng ngắn, nếu để lâu và không được bảo quản đúng cách sẽ hư mô, dẫn đến lãng phí", bác sĩ Vinh nhấn mạnh.
Theo bác sĩ Vinh, không phải lúc nào bệnh viện xin, phía ngân hàng cũng có sẵn mô giác mạc để cung ứng. Chúng ta phải chờ ngân hàng có mô giác mạc, rồi chờ có chuyến bay từ nước ngoài về TP.HCM, tiếp đến là làm thủ tục hải quan. Tóm lại, có nhiều yếu tố cản trở công tác ghép giác mạc.
Những bệnh nhân muốn ghép giác mạc phải chấp nhận chờ đợi lâu, hoặc có một số trường hợp qua Singapore ghép với chi phí rất cao.
Xoay xở mọi cách
Trong 10 năm, Bệnh viện Mắt TP.HCM đã ghép giác mạc cho 336 trường hợp, trong khi đó số lượng bệnh nhân cần ghép để bảo tồn và điều trị là hơn 3.000 người.
"Việc ghép giác mạc ở TP.HCM hoàn toàn bị động, phụ thuộc vào nguồn mô viện trợ từ nước ngoài", bác sĩ Vinh chia sẻ.
Để giải quyết tình trạng chờ đợi của người dân, bệnh viện đã tận dụng sự ủng hộ của các giáo sư nước ngoài, khi họ qua Việt Nam chuyển giao công nghệ sẽ mang theo một lượng giác mạc để viện trợ. Mỗi lần giáo sư nước ngoài đến Việt Nam sẽ tài trợ khoảng 25 mô giác mạc, họ qua càng nhiều lần trong năm thì số lượng nhận được càng lớn.
Về lâu dài, Bệnh viện Mắt TP.HCM đã xin ý kiến UBND TP.HCM và Sở Y tế để phối hợp với Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch thành lập Ngân hàng Mắt, trực thuộc ngân hàng mô của trường. Trong thời gian chờ cấp phép, bệnh viện cần cơ quan quản lý nhà nước tạo điều kiện để nhập mô giác mạc từ nước ngoài về.
Về kỹ thuật ghép giác mạc, bệnh viện đã chủ động được các kỹ thuật hiện đại như DSEAK, đang trong thời gian chuyển giao công nghệ kỹ thuật ghép DMEK. Đây là những kỹ thuật ghép giác mạc nội mô tiên tiến, giúp người bệnh phục hồi thị lực nhanh hơn. Nếu kỹ thuật cổ điển, bệnh nhân sẽ mất 6 tháng để hồi phục, với những kỹ thuật này bệnh nhân chỉ cần 1-2 tuần thị lực đã phục hồi.
Theo thống kê, sau 3 năm ghép giác mạc tỷ lệ mắt "sống" đối với kỹ thuật ghép xuyên là 40%, ghép DSEAK là 55% và DMEK là 100% sau 18 tháng.
Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/hang-tram-nguoi-doi-ghep-giac-mac-o-tphcm-post1483647.html