Hàng trăm sắc lệnh ông Trump ký trong ngày cầm quyền đầu tiên gồm những gì?

Một số lĩnh vực mà ông Trump đã đặt bút ký văn bản trong ngày đầu tiên trở lại cương vị người đứng đầu Nhà Trắng...

Tân Tổng thống Mỹ Donald Trump ký hàng loạt sắc lệnh và văn bản khác trong ngày cầm quyền đầu tiên - Ảnh: ABC.

Tân Tổng thống Mỹ Donald Trump ký hàng loạt sắc lệnh và văn bản khác trong ngày cầm quyền đầu tiên - Ảnh: ABC.

Ngay trong ngày cầm quyền đầu tiên, tân Tổng thống Mỹ Donald Trump ký hơn 200 sắc lệnh điều hành, bản ghi nhớ và tuyên bố, theo đó đảo ngược nhiều chính sách của chính quyền người tiền nhiệm Joe Biden và bắt tay vào thực thi chủ trương “Nước Mỹ trên hết”.

Dưới đây là một số lĩnh vực mà ông Trump đã đặt bút ký văn bản trong ngày đầu tiên trở lại cương vị người đứng đầu Nhà Trắng, theo trang CBS News:

BỔ NHIỆM CÁC VỊ TRÍ TRONG NỘI CÁC

Những văn bản đầu tiên mà ông Trump đặt bút ký trong tòa nhà Quốc hội Mỹ ở Capitol Hill, nơi lễ nhậm chức của ông diễn ra trước đó, bao gồm các văn bản liên quan đến việc bổ nhiệm các vị trí trong nội các của ông, quyền lãnh đạo các bộ và cơ quan trong Chính phủ mới.

Sau đó, Thượng viện Mỹ đã phê chuẩn đề cử của ông Trump cho ghế Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, là thượng nghị sỹ Marco Rubio. Ông Rubio là nhân vật đầu tiên trong nội các của ông Trump nhận được sự phê chuẩn của Thượng viện, với 100% phiếu thuận.

ÂN XÁ CHO CÁC BỊ CÁO TRONG VỤ BẠO LOẠN 6/1/2021

Khi về đến Phòng Bầu dục tại Nhà Trắng lúc 7h tối, sắc lệnh điều hành đầu tiên mà ông Trump ký là ân xá hoàn toàn cho khoảng 1.500 người tham gia vào vụ bạo loạn ngày 6/1/2021 tại tòa nhà Quốc hội Mỹ. Ông Trump cho biết một vài trường hợp liên quan đến sự kiện này sẽ chưa nhận được sự ân xá hoàn toàn, ít nhất vào thời điểm này, và sẽ phải chờ rà soát.

SẮC LỆNH LIÊN QUAN TỚI TIKTOK

Tối ngày 20/1, ông Trump ký một sắc lệnh điều hành yêu cầu Bộ Tư pháp Mỹ tạm thời chưa thực thi trong vòng 75 ngay đối với đạo luật cấm mạng chia sẻ video ngắn TikTok tại Mỹ. Đạo luật này lẽ ra đã có hiệu lực trước đó một ngày.

Hiện chưa rõ Tổng thống có thẩm quyền gì để trì hoãn việc thực thi đạo luật có sự ủng hộ lưỡng đảng và được Quốc hội Mỹ thông qua vào năm ngoái trên cơ sở an ninh quốc gia này. Ba ngày trước khi ông Trump nhậm chức, Tòa án Tối cao Mỹ ra phán quyết ủng hộ đạo luật. Đây là đạo luật quy định TikTok ở Mỹ phải giải tán hoặc bị cấm, và cho phép Tổng thống được trì hoãn việc thực thi đạo luật trong 90 ngày nếu đến ngày 19/1 - thời điểm đạo luật có hiệu lực - có một thỏa thuận bán TikTok được tiến hành.

CÔNG CHỨC LIÊN BANG PHẢI TRỞ LẠI LÀM VIỆC TRỰC TIẾP TOÀN THỜI GIAN

Trước khi rời tòa nhà Quốc hội Mỹ, vào thời điểm 6h tối, ông Trump ký thêm các sắc lệnh yêu cầu công chức liên bang phải trở lại làm việc trực tiếp toàn thời gian ngay lập tức, đồng thời đóng băng hoạt động tuyển dụng công chức liên bang ngoại trừ nhân sự của quân đội và một số bộ phận.

Ông cũng ký một chỉ thị yêu cầu mỗi bộ và cơ quan trong Chính phủ liên bang phải giải quyết vấn đề lạm phát.

RÚT KHỎI THỎA THUẬN KHÍ HẬU PARIS VÀ TỔ CHỨC Y TẾ THẾ GIỚI (WHO)

Ký một sắc lệnh điều hành rút khỏi thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu, ông Trump nói động thái này sẽ giúp Mỹ tiết kiệm hàng nghìn tỷ USD. Ông cũng ký một sắc lệnh rút Mỹ khỏi WHO, cho rằng tổ chức này không xử lý tốt đại dịch Covid-19 và Washington phải chịu chi phí cồng kềnh khi là một thành viên của WHO.

Ngoài ra, ông Trump yêu cầu Chính phủ liên bang thiết lập lại quyền tự do ngôn luận và ngăn chặn sự kiểm duyệt của chính phủ trong tương lai. Trong sắc lệnh cuối cùng ký ở Tòa nhà Quốc hội Mỹ, ông Trump chấm dứt điều mà ông gọi là việc chính quyền ông Biden vũ khí hóa chính phủ để chống lại đối thủ chính trị của chính quyền trước - tức là chính quyền đầu tiên của ông Trump.

CÁC SẮC LỆNH VỀ NGƯỜI NHẬP CƯ VÀ BIÊN GIỚI

Vừa nhậm chức, ông Trump bắt đầu sử dụng quyền lực của tổng thống để siết chặt kiểm soát đối với hoạt động nhập cư, giao nhiệm vụ cho quân đội tăng cường kiểm soát biên giới, xác định các tổ chức và băng nhóm tội phạm khủng bố, ngừng tiếp nhận người xin tị nạn. Tân Tổng thống tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia ở biên giới phía Nam và ra lệnh cho Bộ Quốc phòng huy động nhiều hơn các nguồn lực quân sự ở đó, giao nhiệm vụ cho các quan chức triển khai thêm quân tới biên giới.

Ông Trump cũng chỉ đạo các cơ quan chức năng khởi động lại việc xây dựng bức tường dọc biên giới Mỹ-Mexico, một dự án lớn của Chính phủ Mỹ trị giá hàng tỷ USD mà ông đã ủng hộ trong nhiệm kỳ đầu tiên. Dự án này đã bị cựu Tổng thống Joe Biden tạm dừng nhưng sau đó đã khởi động lại việc xây dựng vào năm 2023 ở khu vực biên giới Texas - nơi có lượng lớn người vượt biên bất hợp pháp. Dưới thời chính quyền Trump 1.0, khoảng 450 dặm rào chắn đã được xây dựng dọc biên giới phía Tây Nam trong thời gian từ năm 2017 đến tháng 1/2021.

Liên quan đến người nhập cư, ông Trump yêu cầu Bộ Tư pháp Mỹ ban hành lệnh tử hình đối với người nhập cư trái phép có hành vi sát hại công nhân viên chức thực thi pháp luật hoặc phạm các tội danh khác có mức án tử hình.

QUYỀN CÔNG DÂN THEO NƠI SINH

Ông Trump cũng có động thái bãi bỏ cách diễn giải lâu nay về Tu chính án thứ 14 của Hiến pháp Mỹ, bằng cách ký lệnh yêu cầu các cơ quan liên bang từ chối cấp quyền công dân theo nơi sinh cho con của người nhập cư trái phép hoặc người có thị thực tạm thời.

Cho tới nay, Chính phủ Mỹ diễn giải Tu chính án thứ 14 của Hiến pháp nước này là trao quyền công dân cho những người sinh ra trên đất Mỹ, bất kể tình trạng nhập cư của cha mẹ họ.

CÁC SẮC LỆNH ĐIỀU HÀNH VỀ KINH TẾ

Các sắc lệnh của ông Trump về sản xuất năng lượng và nền kinh tế có nội dung theo hướng cắt giảm các quy định bị cho là quan liêu. Những sắc lệnh này bao gồm công bố tình trạng khẩn cấp quốc gia liên quan tới chi phí năng lượng đối với người tiêu dùng Mỹ và xóa mục tiêu của chính quyền tiền nhiệm về ô tô điện.

Ông còn ký một sắc lệnh tập trung vào nền kinh tế và hoạt động sản xuất năng lượng của bang Alaska. Tiểu bang với nguồn tài nguyên dồi dào này được xem là giữ một vai trò rất quan trọng đối với an ninh quốc gia Mỹ, và chính quyền mới đang tìm cách thúc đẩy hoạt động sản xuất khí hóa lỏng (LNG) tại Alaska để phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng trong nước.

CÁC SẮC LỆNH VỀ GIỚI VÀ ĐANG DẠNG

Một cam kết khác của ông Trump trong chiến dịch tranh cử được ông bắt tay vào thực thi trong ngày đầu cầm quyền là lời hứa liên quan đến “thức tỉnh” về giới và các chương trình đa dạng, bình đẳng và bao trùm (DEI).

Các sắc lệnh liên quan tới các vấn đề này yêu cầu Chính phủ liên bang công nhận 2 giới tính không thể được thay đổi là nam và nữ. Ông Trump cũng chỉ đạo Văn phòng Quản trị và ngân sách (OMB) phối hợp với các cơ quan hữu quan chấm dứt tất cả các quy định, chính sách và chương trình thúc đẩy đa dạng, bình đẳng và bao trùm.

An Huy

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/hang-tram-sac-lenh-ong-trump-ky-trong-ngay-cam-quyen-dau-tien-gom-nhung-gi.htm