Hàng trăm tàu hàng mắc kẹt vì giao tranh Nga - Ukraine
Hàng nghìn thuyền viên trên hàng trăm con tàu bị mắc kẹt tại các cảng của Ukraine. Giá cước vận chuyển một lần nữa tăng vọt, giáng thêm đòn vào chuỗi cung ứng vốn đang lao đao.
Theo Wall Street Journal, 5h25 chiều ngày 2/3, các thủy thủ trên một con tàu chở hàng của Bangladesh mắc cạn gần cảng Olvia của Ukraine nghe thấy tiếng nổ lớn.
Ngay sau đó, boong chỉ huy chìm trong biển lửa.
Tên lửa tấn công tàu MV Banglar Samriddhi đã khiến một thành viên thủy thủ đoàn thiệt mạng. Một số người khác bị bỏng nghiêm trọng. Đây là con tàu hàng thứ 5 bị tấn công ngoài khơi Ukraine kể từ khi Nga phát động cuộc chiến.
Cuộc chiến ở Ukraine gây gián đoạn nghiêm trọng hoạt động vận tải biển ở Biển Đen, từ đó giáng đòn lên hệ thống vận tải quốc tế và chuỗi cung ứng toàn cầu.
Hàng chục con tàu chở hàng đang mắc kẹt ở cảng Mykolaiv của Ukraine. Ước tính có khoảng 3.500 thủy thủ bị chôn chân trên khoảng 200 tàu tại các cảng của Ukraine, theo công ty theo dõi hàng hải Windward Ltd. (có trụ sở ở London).
Cú sốc nguồn cung
Ukraine chiếm 16% lượng ngô xuất khẩu toàn cầu. Nga và Ukraine cùng cung cấp khoảng 30% lúa mỳ xuất khẩu trên thế giới. Giá lúa mì toàn cầu đã tăng hơn 55% kể từ khi bắt đầu xung đột.
“Cú sốc đối với nguồn cung ngũ cốc toàn cầu là cú sốc nguồn cung lớn nhất kể từ khi OPEC cắt giảm sản lượng dầu vào những năm 1970”, ông Salvatore Mercogliano - giáo sư tại Đại học Campbell ở Bắc Carolina - nhận định. "Cú sốc sẽ dẫn tới tình trạng thiếu lương thực ở Trung Đông, châu Phi và lạm phát trên toàn thế giới", ông nói thêm.
Tồi tệ hơn, hàng nghìn thuyền viên Ukraine và Nga đang bị mắc kẹt ở các cảng biển trên khắp thế giới. Chủ tàu phải chật vật tìm thủy thủ đoàn thay thế nhằm duy trì hoạt động của chuỗi cung ứng.
Theo các nhà chức trách cảng Ukraine, tại Biển Đen và Biển Azov, 5 tàu chở dầu và hàng đã bị tấn công bằng tên lửa.
Các tàu gặp nạn bao gồm tàu chở dầu, tàu container và tàu chở hàng từ Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ, Moldova và Estonia. Những hàng hóa được vận chuyển bao gồm dầu diesel, đất sét và ngũ cốc.
Liên đoàn Công nhân Vận tải Quốc tế đã tuyên bố vùng biển ngoài khơi Ukraine là khu vực nguy hiểm và kêu gọi tăng cường bảo vệ các thủy thủ. Theo các nhóm vận động, nhiều thuyền viên mắc kẹt đang cạn kiệt nguồn thức ăn và nhiên liệu.
Vào ngày Nga phát động cuộc chiến, Ukraine đã dừng hoạt động tại tất cả cảng, chuyển hướng những tàu chở hàng đến các cảng ở Thổ Nhĩ Kỳ, Romania và Georgia.
Hải quân Nga đã chặn các tuyến đường trung chuyển dọc theo bờ biển. Giao thông bị đình trệ. Giá cước vận chuyển toàn cầu đối với tàu chở dầu đã tăng lên mức kỷ lục trong vòng một thập kỷ. Phí bảo hiểm ở những khu vực bị ảnh hưởng bởi cuộc giao tranh cũng tăng vọt tới 5%.
Theo dữ liệu của Windward, điều đó đồng nghĩa với việc chi phí của mỗi chuyến tàu tăng lên hàng trăm nghìn USD. Tất cả khiến chuỗi cung ứng toàn cầu càng thêm căng thẳng. Trong vòng 2 năm qua, đại dịch đã khiến hệ thống vận tải toàn cầu chao đảo, nguồn cung bị thiếu hụt.
Các nước nghèo phụ thuộc vào nhập khẩu có thể chứng kiến những cú sốc nguồn cung. Giá cả ở Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ và Syria có khả năng tăng phi mã. Ai Cập nhập khẩu 85% lúa mì từ Ukraine và Nga.
Tàu hàng mắc kẹt, thuyền viên gặp nguy hiểm
"Các thủy thủ giờ phải đối mặt với một lựa chọn khó khăn. Hoặc là ở lại, bị cạn kiệt thức ăn và có thể thiệt mạng, hoặc cố tìm đến vùng an toàn và có nguy cơ va phải một quả thủy lôi", ông Munro Anderson tại công ty an ninh hàng hải Dryad Global chia sẻ.
Thủy thủ đoàn gồm 29 thành viên của tàu chở hàng Banglar Samriddhi đã thả neo tại cảng Olvia của Ukraine vào ngày 23/2.
Kỹ sư Hasidur Rahman là trụ cột của một gia đình sống ở vùng nông thôn phía nam Bangladesh. Anh đã gọi cho các em trai của mình và thông báo: "Anh sẽ về nhà và kết hôn vào năm sau. Bọn anh không ở lại Ukraine lâu". Đó là những gì mà các thuyền viên nghe được.
Trong vòng vài giờ, các lực lượng của Nga đã tràn qua biên giới Ukraine, bao vây bờ biển và khiến tàu Banglar Samriddhi cùng hàng trăm tàu khác mắc kẹt. Từ boong tàu, các thủy thủ nghe thấy tiếng nổ, khói bắt đầu bốc lên ở phía chân trời.
Các thủy thủ giờ phải đối mặt với một lựa chọn khó khăn. Hoặc là ở lại, bị cạn kiệt thức ăn và có thể thiệt mạng, hoặc cố tìm đến vùng an toàn và có nguy cơ va phải một quả thủy lôi
Ông Munro Anderson tại công ty an ninh hàng hải Dryad Global
Chủ sở hữu của con tàu - Tổng công ty Vận tải biển Bangladesh - đã hướng dẫn thuyền trưởng Noor-e Alam đi ra vùng biển quốc tế, nhưng ông này không được chính quyền Ukraine cho phép.
Thủy thủ đoàn được thông báo rằng hàng chục quả thủy lôi đã được đặt xung quanh lối vào của cảng. "Bọn anh đang cố gắng di dời nhưng rất khó", anh Rahman nhắn tin cho em trai mình.
Giao tranh ngày càng cận kề khi các lực lượng Nga tiến từ Crimea về phía tây. Vào ngày 27/2, thủy thủ đoàn nhận được tin một tàu chở hàng của Nhật Bản ở vùng biển Ukraine đã bị trúng tên lửa. Phi hành đoàn tức tốc treo cờ Bangladesh với hy vọng được bảo vệ.
Những nỗ lực ngoại giao nhằm sơ tán phi hành đoàn được tăng tốc. Các quan chức Bangladesh ở Warsaw vận động hành lang cho người Ukraine, những tổ chức đại diện người lao động Bangladesh tại Ukraine đang chuẩn bị lái xe đến Olvia để đón các thuyền viên.
Khoảng 5h chiều ngày 2/3, anh Rahman trèo lên boong chỉ huy để bắt sóng điện thoại tốt hơn và gọi cho gia đình.
Anh Rahman tìm cách xoa dịu nỗi sợ của các anh em mình và nói rằng công việc của anh sẽ giúp gia đình thoát nghèo. “Đừng lo lắng cho anh, anh vẫn ổn", anh Rahman trấn an.
Nhưng sau đó, em trai của anh nghe thấy tiếng nổ. Đường dây bị ngắt. Một người em khác của anh sau đó hay tin tên lửa đã khiến anh Rahman thiệt mạng.