Hàng trăm tiểu thương chợ Vinh gặp khó do giá thuê ki-ốt cao

Từ cuối năm 2024, sau khi hết hạn miễn thuế cho thuê ki-ốt kinh doanh tại chợ Vinh, UBND thành phố Vinh đã có văn bản thông báo về việc thu tiền thuê ki-ốt.

Chợ Vinh được xây dựng từ năm 2003 tổng giá trị đầu tư gần 200 tỷ đồng, trong đó các tiểu thương đóng góp khoảng 170 tỷ đồng.

Chợ Vinh được xây dựng từ năm 2003 tổng giá trị đầu tư gần 200 tỷ đồng, trong đó các tiểu thương đóng góp khoảng 170 tỷ đồng.

Tuy nhiên, hàng trăm hộ tiểu thương không đồng tình đã làm đơn kiến nghị vì cho rằng, hiện nay việc kinh doanh buôn bán tại chợ Vinh rất ế ẩm. Đặc biệt, chợ Vinh không còn là chợ đầu mối mà trở thành chợ loại 1, trong khi một số chợ loại 1 trên địa bàn mức giá thuê ki-ốt lại thấp hơn.

Tiểu thương gặp khó

Chợ Vinh là khu chợ truyền thống lớn nhất tại tỉnh Nghệ An với tổng số hộ đăng ký buôn bán tại chợ là gần 3.000 tiểu thương, từng được xem là chợ đầu mối trong tỉnh, thậm chí còn là chợ đầu mối hàng hóa phục vụ một số tỉnh lân cận. Từng biết đến với một khu chợ sầm uất bậc nhất Nghệ An. Tuy nhiên, từ sau dịch COVID-19, việc mua bán oniline trở thành thói quen của nhiều người dân, khu chợ cũng vì thế trở nên ảm đạm, ế ẩm, thu nhập của tiểu thương giảm mạnh.

Là tiểu thương đã hơn 30 năm kinh doanh buôn bán ở chợ Vinh, kinh tế gia đình chị Bùi Thị Nụ chủ yếu phụ thuộc vào thu nhập từ việc buôn bán kinh doanh. Từ cuối năm 2024, chị cùng nhiều tiểu thương đều lo lắng bởi mức giá thuê ki-ốt phải đóng quá cao, trong khi việc kinh doanh buôn bán gặp nhiều khó khăn, hàng hóa ế ẩm.

“Với giá thuê hiện khoảng 19 triệu đồng cho một lô góc là rất cao, bởi những hộ mặt đường hiện giá thuê cũng chỉ mới 10 triệu đồng/100m2/tháng. Trong khi những tiện ích khác như bãi giữ xe cũng không có. Tiểu thương mong muốn các cơ quan cấp trên xem xét, hiểu rõ sự khó khăn của tiểu thương kinh doanh tại chợ Vinh, từ đó giảm giá tiền thuê diện tích mặt bằng cho tiểu thương về với mức giá thuê mặt bằng tại chợ Ga Vinh, cùng là chợ loại 1” chị Nụ chia sẻ.

Theo bảng giá quy định tại Quyết định 73/2016/QĐ-UBND của UBND tỉnh Nghệ An, mức thu tại chợ Vinh đối với lô góc loại 1 mỗi tháng sẽ được tính là 190.000 đồng/m2, loại 2 là 166.000 đồng/m2, loại 3 là 142.000 đồng/m2; quầy thường mức giá loại 1 là 130.000 đồng/m2, loại 2 là 118.500 đồng/m2.... Trong khi đó, cũng là chợ loại 1 nhưng mức thu theo quy định ở chợ Ga Vinh lại thấp hơn nhiều. Đơn cử, gian hàng đình chính đường Phan Bội Châu giá thu theo tháng là 126.000 đồng/m2; loại 2 là 103.000 đồng/m2, loại 3 là 96.000 đồng/m2.

Hài hòa lợi ích

Sau dịch COVID-19 hoạt động buôn bán ở chợ Vinh trở nên ảm đạm.

Sau dịch COVID-19 hoạt động buôn bán ở chợ Vinh trở nên ảm đạm.

Liên quan đến nội dung kiến nghị của các tiểu thương, ông Hoàng Minh Thọ, Phó Phòng Tài chính - Kế hoạch, UBND thành phố Vinh cho biết, sau khi nhận được kiến nghị của các tiểu thương chợ Vinh, UBND thành phố đã có báo cáo gửi UBND tỉnh Nghệ An về việc hạ mức giá thuê mặt bằng ở chợ cho tiểu thương giúp giảm bớt các khó khăn.

Hiện nay, UBND thành phố Vinh cũng đang phối hợp với Sở Công Thương, cùng Ban Quản lý chợ Vinh xây dựng phương án giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại các chợ trên địa bàn theo thực tế kinh doanh thay thế cho quy định tại Quyết định 73/2016/QĐ-UBND trình cơ quan có thẩm quyền theo hướng giảm 20% đến 21% giá các ki-ốt cố định loại góc và ki-ốt loại thường trong đình chợ Vinh.

Ngoài ra, để đảm bảo quyền lợi cho các hộ tiểu thương, trước khi trình UBND tỉnh ban hành mức giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ mới, UBND thành phố sẽ phối hợp với Sở Công Thương gửi và niêm yết giá mới để các hộ tiểu thương đóng góp ý kiến, để thống nhất mức giá.

Ông Phan Đức Thịnh, Phó Trưởng phòng Phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương tỉnh Nghệ An cho biết, đơn vị đã phối hợp với các địa phương tiến hành rà soát 12 chợ trên toàn tỉnh; trong đó, có 3 chợ hạng 1, 4 chợ hạng 2 và 5 chợ hạng 3 để tham mưu UBND tỉnh quyết định lựa chọn và yêu cầu lập phương án giá. Giá thuê sẽ được dựa trên Nghị định 85/2024/NĐ-CP ngày 10/7/2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều về Luật giá. Sau khi tổng hợp đầy đủ, Sở sẽ tiến hành thẩm định phương án giá và lấy ý kiến của các đơn vị liên quan, tiểu thương để trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt đảm bảo hài hòa lợi ích hợp pháp giữa Nhà nước, Ban quản lý chợ và tiểu thương.

Các ki-ốt trong chợ Vinh (Nghệ An) vắng khách.

Các ki-ốt trong chợ Vinh (Nghệ An) vắng khách.

“Dự kiến giữa tháng 6/2025 Sở Công Thương tỉnh sẽ hoàn thành các nội dung liên quan để trình UBND tỉnh xem xét quyết định mức giá mới. Hiện nay, khi chưa có quyết định mức giá mới, vẫn thực hiện mức giá cũ theo Quyết định số 73/2016/QĐ-UBND”, ông Phan Đức Thịnh nhấn mạnh.

Được biết, đình chợ Vinh là công trình đầu tư mà Nhà nước và nhân dân cùng thực hiện từ năm 2003 với tổng giá trị đầu tư gần 200 tỷ đồng; trong đó, các tiểu thương đống góp khoảng 170 tỷ đồng. Theo thỏa thuận, hơn 1.200 hộ kinh doanh trong đình chợ được miễn phí mặt bằng 15 năm kể từ ngày đình chợ được đưa vào hoạt động.

Bài và ảnh: Văn Tý (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/hang-tram-tieu-thuong-cho-vinh-gap-kho-do-gia-thue-kiot-cao-20250513171918682.htm