Hàng trăm triệu USD đổ về, gọi tên đại gia Việt đón nguồn tiền lớn
Mối quan hệ tin tưởng giữa Nhật và Việt Nam đang đẩy mạnh dòng vốn Nhật đổ vào các doanh nghiệp đầu ngành Việt thông qua đầu tư gián tiếp, thay vì phần lớn chỉ là đầu tư trực tiếp nước ngoài như trước kia.
CTCP Masan High-Tech Materials (MHT) và Mitsubishi Materials Corporation (MMC) vừa ký cam kết thiết lập liên minh chiến lược hướng đến mục tiêu phát triển nền tảng vật liệu vonfram công nghệ cao hàng đầu.
Theo đó, Mitsubishi Materials Corporation đăng ký mua gần 110 triệu cổ phần phổ thông phát hành mới theo phương thức chào bán riêng lẻ với tổng giá trị tiền mặt là 90 triệu USD, tương ứng 10% tổng số cổ phần của MHT.
Sau khi hoàn tất phát hành, MMC sẽ nắm giữ 10% vốn cổ phần pha loãng hoàn toàn của Masan High-Tech Materials, qua đó trở thành cổ đông lớn thứ hai của MHT. Hai bên sẽ thảo luận về việc phát triển một đơn vị kinh doanh độc lập để phát huy và tăng cường sức mạnh hiệp lực cho nền tảng vonfram chế biến cận sâu của mỗi bên.
Đây là minh chứng tiếp theo cho nguồn tiền lớn từ Nhật vào Việt Nam sau những thành công khá ấn tượng và vị thế đang lên của Việt Nam, với khả năng trở thành điểm đến quan trọng của dòng vốn FDI thế giới.
Cách đây 10 ngày, chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide tới Việt Nam đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới đầu tư quốc tế. Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Suga kể từ khi ông nhậm chức và là được coi là một chuyến đi chứa đựng tín hiệu về chính sách đối ngoại, đầu tư của Nhật.
Theo đánh giá của WB, Việt Nam là nước có lợi thế chưa từng có sau những thành công đặc biệt trong cuộc chiến chống Covid-19 và là nền kinh tế duy nhất trong top 5 các nước ASEAN-5 duy trì tăng trưởng dương trong bối cảnh dịch Covid-19.
Gần đây, dòng vốn Nhật không chỉ vào Việt Nam theo con đường FDI mà còn qua đầu tư gián tiếp trên thị trường chứng khoán. Các tập đoàn Nhật nhắm mua cổ phần của các doanh nghiệp đầu ngành tại Việt Nam.
Trong tháng 9, Công ty TNHH Tư vấn và Holdings JX Nippon Oil & Enegry Việt Nam của ông lớn Nhật Bản ENEOS Corporation đã mua xong 13 triệu cổ phiếu Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - Petrolimex (PLX) để nâng sở hữu lên 9%. Trong năm 2016, JX Nippon Oil & Energy đã rót gần 4.000 tỷ đồng để sở hữu 8% vốn Petrolimex.
Hồi tháng 3, Ngân hàng Phương Đông (OCB) của Việt Nam đã phát hành thành công 86,68 triệu cổ phiếu (chiếm 100% số lượng cổ phiếu đăng ký chào bán) cho ngân hàng Aozora Nhật Bản.
Ngay đầu năm, Sumitomo Life của Nhật đã đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng để mua thêm hơn 41 triệu cổ phần của Tập đoàn Bảo Việt (BVH), tương đương tương đương 5,91% vốn điều lệ hiện hành, nâng tỷ lệ nắm giữ cổ phần tại Bảo Việt lên 22,09%. Giao dịch được thực hiện trong một khoảng thời gian ngắn kỷ lục là 6 tháng.
Theo Nikkei Asia, các doanh nghiệp Nhật đổ vốn vào các doanh nghiệp đầu ngành Việt Nam để đón đầu các cơ hội kinh doanh. Nguồn tiền từ Nhật Bản là một trong những dòng vốn quan trọng và được dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh vào Việt Nam sau khi đã có những cú bứt phá ngoạn mục trong quá khứ.
Chuyến thăm Việt Nam của ông Suga sẽ thúc đẩy thỏa thuận đầu tư toàn cầu. Đây được xem là một tín hiệu tích cực trong bối cảnh mà theo VinaCapital các ngân hàng trung ương toàn cầu đã, đang và sẽ phát hành nguồn tiền mới với tổng giá trị lên tới 6 nghìn tỷ USD. Sự dịch chuyển của dòng tiền khổng lồ này có thể sẽ tạo ra những cú huých lớn cho một số nền kinh tế nếu các nước này tận dụng được cơ hội.
Không chỉ Nhật Bản, dòng vốn từ nhiều nước tiếp tục đổ vào Việt Nam ở nhiều lĩnh vực mà trước nay không thấy.
Trước đó, hồi giữa tháng 9/2019, theo CTCP Tài nguyên Masan - Masan Resources (MSR) của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang, Công ty TNHH Vonfram Masan (MTC) - một công ty con do MSR sở hữu 100% vốn - đã ký hợp đồng mua lại nền tảng kinh doanh vonfram của H.C. Starck GmbH (có trụ sở tại Đức).
Masan High-Tech Materials tiền thân là Masan Resources, doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực khoáng sản của Tập đoàn Masan. Công ty Cổ phần Tầm nhìn Masan sở hữu 96% cổ phần Masan High-Tech Materials. Như vậy, sau khi phát hành riêng lẻ cho đối tác Nhật Bản, tỷ lệ sở hữu của Masan tại Masan High-Tech Materials sẽ giảm còn 86,4%.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), đầu giờ sáng 27/10, chỉ số VN-Index hồi phục tăng nhẹ và hiện ở trên ngưỡng 950 điểm.
Theo SHS, VN-Index có thể sẽ rung lắc quanh ngưỡng tâm lý 950 điểm do đây là vùng giá trước khi Covid-19 diễn ra. Những nhà đầu tư đã chốt lời các vị thế ngắn hạn quanh ngưỡng 950 điểm vào tuần trước nên đứng ngoài và quan sát thị trường, có thể cân nhắc mua vào nếu VN-Index có nhịp điều chỉnh về quanh ngưỡng 930 điểm (MA20).
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 26/10, VN-Index giảm 10,46 điểm xuống 950,8 điểm; HNX-Index giảm 2,67 điểm xuống 139,03 điểm. Upcom-Index giảm 0,34 điểm xuống 63,57 điểm. Thanh khoản đạt 9,5 nghìn tỷ đồng.