Hàng trăm trung tâm đào tạo, cấp GPLX hiện do Bộ GTVT quản lý sẽ đi đâu về đâu?

Tại cuộc họp của Ủy ban Quốc phòng an ninh ngày 7-9, Bộ trưởng GTVT đã đồng ý với việc Bộ Công an chủ trì sát hạch, cấp giấy phép lái xe (GPLX). Điều khiến người dân quan tâm, tới đây mô hình hoạt động tại các trung tâm đào tạo, cấp GPLX sẽ ra sao, tiếp tục ở lĩnh vực quản lý dân sự hay nhập vào và thuộc sự quản lý của Bộ Công an.

Thay đổi mới của Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ

Trong văn bản gửi Bộ Công an để hoàn thiện dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đối với vấn đề đào tạo, sát hạch, cấp GPLX, Bộ GTVT đã thống nhất với Bộ Công an xây dựng thuyết minh 2 phương án theo Nghị quyết 123/NQ-CP, đồng thời thống nhất để Bộ Công an báo cáo Quốc hội phương án 1.

Trước đó, dự thảo tờ trình Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã thuyết minh 2 phương án. Phương án 1: vấn đề đào tạo, sát hạch và cấp GPLX thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ. Phương án 2: dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi tiếp tục điều chỉnh vấn đề đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe. Theo Bộ Công an, Bộ GTVT và Bộ Tư pháp đã thống nhất để Bộ Công an báo cáo Quốc hội theo phương án 1, đảm bảo tính hợp lý, đồng bộ và thống nhất, phù hợp các chuẩn mực quốc tế.

Như vậy, việc Bộ Công an quản lý về đào tạo, sát hạch và cấp GPLX chỉ là vấn đề thời gian. Câu hỏi đặt ra ở đây, với 463 cơ sở đào tạo lái xe trong cả nước sẽ được quản lý theo mô hình dân sự như hiện tại hay hoàn toàn nhập vào và thuộc biên chế lực lượng CA?

Tại một bãi tập tự phát nằm trong khu đô thị Tây Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, anh Nguyễn Văn Bình, công tác tại một trung tâm dạy nghề, đào tạo và sát hạch lái xe có địa chỉ tại xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn, Hà Nội đang cho hai học viên của mình tập bài lùi xe vào chuồng. Anh Bình tâm sự, bản thân và nhiều giáo viên dạy lái khác rất quan tâm tới việc mô hình đào tạo, sát hạch và cấp GPLX tới đây có nhiều thay đổi không. Chẳng hạn, ngoài những người nằm trong biên chế Nhà nước có thể sẽ có hướng chuyển hướng tích cực. Nhưng anh cùng nhiều giáo viên khác, phần lớn tự mua xe góp vào trung tâm, học viên đến với anh chủ yếu qua quen biết cá nhân, làm hồ sơ rồi nhờ anh nộp cho trung tâm, sau đó vẫn do anh trực tiếp hướng dẫn. Quan hệ công việc của anh với trung tâm hết sức lỏng lẻo. Điều anh băn khoăn nhất, nếu các trung tâm trực tiếp do Bộ Công an quản lý, những giáo viên như anh sẽ làm việc ra sao? Hiện không ít trung tâm đào tạo do tư nhân thành lập, không hiểu họ sẽ được quản lý như thế nào?

Thống kê từ Bộ GTVT, cả nước hiện có 463 cơ sở đào tạo lái xe, trong đó 328 cơ sở đào tạo lái xe ôtô, môtô, 135 cơ sở đào tạo lái xe môtô và 121 trung tâm sát hạch lái xe do các cơ quan Nhà nước, tổ chức, cá nhân đầu tư, xây dựng trên cơ sở điều kiện, tiêu chuẩn quy định của Luật Đầu tư theo cơ chế xã hội hóa, hoạt động độc lập. Chỉ riêng Hà Nội đã có 13 trung tâm sát hạch và 42 cơ sở đào tạo lái xe. Hiện toàn quốc có trên 1.655 sát hạch viên, trong đó có 589 là giáo viên tại các cơ sở đào tạo được cấp thẻ sát hạch viên (không trong biên chế Nhà nước); Tổng cục Đường bộ và các Sở GTVT có 1.066 người. Các sát hạch viên đều kiêm nhiệm công việc khác, không có biên chế riêng.

Hiện chỉ có 650 cán bộ, công chức chuyên trách làm công tác quản lý việc đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe tại 64 đầu mối gồm: Vụ Quản lý phương tiện và người lái thuộc Tổng cục Đường bộ cùng 63 phòng thuộc Sở GTVT các địa phương. Trong đó, có 600 người được cấp thẻ sát hạch viên.

Tới đây, các cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch lái xe tiếp tục được xã hội hóa mạnh mẽ. Ảnh: Đức Thắng

Tới đây, các cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch lái xe tiếp tục được xã hội hóa mạnh mẽ. Ảnh: Đức Thắng

Xã hội hóa mạnh các cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch lái xe

Vậy nhân sự tới đây dự kiến sẽ được sắp xếp ra sao? Theo Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục CSGT, Bộ Công an, về tổ chức bộ máy của Bộ Công an đã được phân thành 4 cấp (Bộ, tỉnh, huyện, xã) trong đó đã bố trí cán bộ làm công tác đăng ký và quản lý phương tiện theo 3 cấp (Bộ, tỉnh, huyện) gồm 780 đầu mối. Liên quan đến cán bộ, công chức chuyên trách làm công tác quản lý việc đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, theo Đại tá Đỗ Thanh Bình sẽ không có sự xáo trộn nhiều, chỉ có 650 cán bộ, công chức chuyên trách làm công tác quản lý việc đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe tại 64 đầu mối sẽ được chuyển giao nhiệm vụ từ Bộ GTVT sang Bộ Công an.

Vậy 463 cơ sở đào tạo lái xe trong cả nước sẽ đi đâu về đâu? Trong phiên họp của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội thảo luận về Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc đã có trả lời tại phiên họp, khẳng định không có chuyện Bộ Công an sẽ mở trường đào tạo lái xe. Các cơ sở đào tạo lái xe, trung tâm sát hạch vẫn thực hiện nhiệm vụ như hiện nay và không “đi đâu”.

Các cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch lái xe tiếp tục được xã hội hóa mạnh mẽ, đảm bảo cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch được tự chủ về hoạt động, đáp ứng yêu cầu xã hội, đúng quy định pháp luật về kinh doanh dịch vụ có điều kiện. Người dân được tự do lựa chọn về đào tạo, sát hạch, được công khai, minh bạch, công bằng, tiết kiệm được thời gian học và được thụ hưởng đúng theo mức phí đã bỏ ra; được đảm bảo chính xác, đầy đủ nội dung các thông tin cá nhân liên quan đến quyền và trách nhiệm khi tham gia giao thông. Việc tổ chức thực hiện cấp, cấp đổi, cấp lại GPLX sẽ thực hiện đến CA cấp xã đảm bảo nhanh gọn, chính xác, phục vụ nhân dân ngay tại cơ sở.

Từ trả lời của Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc và đại diện Cục CSGT, Bộ Công an có thể thấy, tới đây nhân sự sau khi chuyển từ Bộ GTVT sang Bộ Công an sẽ không có xáo trộn nhiều. Các cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch lái xe tiếp tục được xã hội hóa mạnh mẽ, đảm bảo cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch được tự chủ về hoạt động, đáp ứng yêu cầu xã hội.

Gia Bảo

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/hang-tram-trung-tam-dao-tao-cap-gplx-hien-do-bo-gtvt-quan-ly-se-di-dau-ve-dau-212966.html