Hàng trăm tỷ tiền nợ 'gặp khó' vì Covid-19, ngân hàng tháo gỡ ra sao?
Theo các ngân hàng, đến nay, số lượng khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 khá lớn, dư nợ tín dụng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh tại một số ngân hàng lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng.
Để hỗ trợ khách hàng, mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư số 01/2020/TT-NHNN, yêu cầu các ngân hàng thương mại cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19.
Tích cực giảm lãi, cơ cấu lại thời hạn trả nợ
Đến nay, nhiều ngân hàng đã có những động thái cụ thể hỗ trợ những khách hàng chịu ảnh hưởng của dịch. Ông Từ Tiến Phát – Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Á Châu (ACB) cho biết từ ngày 18/3, ACB đã tiếp nhận các yêu cầu khách hàng. Thống kê sơ bộ thì ngân hàng đã tiếp nhận 392 yêu cầu khách hàng với tổng dư nợ hơn 4.000 tỷ đồng.
Về cho vay mới, trước đó vào tháng 1, ACB đã công bố gói cho vay 25.000 tỷ đồng, lãi suất thấp hơn từ 1-2%/năm. Đến cuối tháng 2 thì ACB đã giải ngân 21.900 khách hàng với hơn 20.000 tỷ đồng, cam kết sẽ mở rộng gói này sau khi sử dụng hết.
Còn nhóm khách hàng ảnh hưởng nặng nề và trực tiếp bởi dịch bệnh này thì ACB cung cấp thêm gói tín dụng 5.000 tỷ đồng, cho vay để khách hàng khôi phục hoạt động kinh doanh sau dịch bệnh, thời hạn 12 tháng, sau 12 tháng khách hàng mới thực hiện thanh toán.
Còn theo Tổng Giám đốc Ngân hàng Tiên Phong (TPBank) Nguyễn Hưng, trong danh mục khách hàng phân tích của ngân hàng này, có khoảng 20% bị ảnh hưởng nặng; 40% ảnh hưởng tương đối; 40% ít bị ảnh hưởng…
Lãnh đạo TPBank cho biết, dự kiến trong tháng 3, ngân hàng xem xét giãn nợ khoảng 200 khách hàng với dư nợ 1.500 tỷ đồng trên tổng số dư nợ của khách hàng bị ảnh hưởng khoảng 20-30 nghìn tỷ đồng. Đến nay, TPBank chưa gặp vướng mắc gì khi thực hiện Thông tư 01, tuy nhiên vì lượng hồ sơ các đơn vị đưa lên xem xét, đánh giá cơ cấu nợ vẫn phải làm theo trình tự quy định tại Thông tư 22 nên ngân hàng gặp khó trong bố trí nguồn lực để triển khai.
Trong khi đó, Ngân hàng Quân đội (MB) cho biết vướng mắc chủ yếu khi thực hiện Thông tư 01 là về tiêu chí đánh giá. “Một khách hàng không phải yếu tố chỉ chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 mà có thể còn nhiều yếu tố khác. Bây giờ nếu tập trung đánh giá lại toàn bộ khách hàng sẽ mất nhiều thời gian, nên chúng tôi thống nhất trong toàn hệ thống, chỉ đánh giá tiêu chí liên quan đến ảnh hưởng thu nhập, doanh thu sau Covid-19, và nó cũng là phần trọng yếu nhất của khách hàng trong nguồn thu của họ” - Phó Tổng Giám đốc MB, bà Phạm Thị Trung Hà cho hay.
Cũng theo lãnh đạo MB, tại khu vực miền Trung, ngân hàng xác định khách hàng giảm sút khoảng 70-80% doanh thu. “Chúng tôi đã xây dựng danh sách bước đầu, khoảng 1.000 tỷ đồng nợ được giảm lãi suất khoảng 1% so với lãi suất họ đang được áp dụng. Vấn đề cho vay mới, ngày 14/2/2020, ngân hàng đã đưa ra gói cho khách hàng vừa và nhỏ 10.000 tỷ đồng và hiện nay chúng tôi đang giải ngân dần” – bà Phạm Thị Trung Hà thông tin.
Tháo gỡ cho doanh nghiệp cũng là giải quyết khó khăn cho ngân hàng
Theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, tình hình dịch bệnh chưa biết thời điểm nào kết thúc, mức độ tác động của dịch bệnh đối với nền kinh tế tăng lên theo cấp số nhân, khiến nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động.
“Phía trước còn rất nhiều việc phải bàn và nghiên cứu, từng bước định hình xem sự hỗ trợ của Nhà nước, ngân sách đối với nền kinh tế cũng như sự hỗ trợ ngành ngân hàng đối với doanh nghiệp, người dân mức độ thể nào để đảm bảo mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Điều này cũng chính là giải quyết khó khăn cho ngành ngân hàng” – ông Đào Minh Tú nói.
Thời gian qua, các ngân hàng thương mại đã tập trung hoãn, giãn, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giảm lãi, giảm phí cho các doanh nghiệp, tiếp tục cho vay mới tạo điều kiện cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Bên cạnh đó, NHNN điều chỉnh lãi suất điều hành để phát tín hiệu rõ ràng, mạnh mẽ sẵn sàng hỗ trợ tổ chức tín dụng trong trường hợp cần tiếp cận vốn.
Qua đó, Phó Thống đốc yêu cầu các ngân hàng thương mại quán triệt tinh thần chia sẻ, đồng hành với ngân hàng.
“Năm nay, các ngân hàng thương mại trên tinh thần giảm lãi, sẵn sàng chia sẻ lợi nhuận với doanh nghiệp; tập trung đánh giá thiệt hại, khó khăn của doanh nghiệp, khách hàng vay vốn, đánh giá khó khăn của mình trong hiện tại, ngắn hạn và trung hạn. Chú trọng lĩnh vực nóng, lĩnh vực ưu tiên đến xuất khẩu, sản xuất, lưu thông đặc biệt là những đối tượng liên quan đến hàng hóa thiết yếu hiện nay” – Phó Thống đốc chỉ đạo.