Hàng triệu công chức, viên chức sẽ được tăng lương thêm 30% | Hà Nội tin mỗi chiều
Hàng triệu công chức, viên chức sẽ được tăng lương thêm 30% từ ngày 1/7; Thủ tướng chỉ thị tổ chức Tết trồng cây phải thiết thực, hiệu quả… là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.
Hàng triệu công chức, viên chức sẽ được tăng lương thêm 30%
Cải cách tiền lương là một trong những chính sách quan trọng được triển khai trong năm 2024. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, theo phương án cải cách tiền lương, từ 1/7 tới, dự kiến tiền lương bình quân chung của cán bộ, công chức, viên chức sẽ được tăng khoảng 30% (tính cả lương cơ bản và phụ cấp). Mức lương này sẽ tiếp tục được điều chỉnh tăng thêm khoảng 7% mỗi năm, tính từ năm 2025.
Trong ba năm qua, chính phủ chưa thực hiện cải cách tiền lương nhưng đã hai lần điều chỉnh mức lương cơ sở, tăng 29,5%. Như vậy, tính tổng từ năm 2021 (thời điểm dự kiến thực hiện cải cách tiền lương theo tinh thần Nghị quyết 27 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 12) đến ngày 1/7 tới, lương của cán bộ, công chức, viên chức tăng khoảng 60%, là mức tăng đáng kể so với con số tăng bình quân mỗi năm 7% khi chưa thực hiện cải cách tiền lương.
Một điểm đáng chú ý khi thực hiện cải cách tiền lương là lương viên chức, nhất là viên chức giáo dục và y tế sẽ cao hơn so với mặt bằng chung của đội ngũ công chức và viên chức khác. Bởi cải cách chính sách tiền lương gắn với việc thực hiện nghị quyết về phát triển căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, y tế. Khi cải cách tiền lương, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Y tế đề nghị cấp có thẩm quyền quan tâm điều chỉnh hỗ trợ để đảm bảo tiền lương (bao gồm cả phụ cấp) của giáo viên, bác sĩ được tăng lên tương ứng với yêu cầu và vị trí việc làm của họ, vừa bảo đảm mặt bằng tiền lương chung của cán bộ, công chức, viên chức, vừa thể hiện ưu đãi đối với hai ngành này.
Theo thống kê của Bộ Nội vụ, từ năm 2020 đến năm 2022, gần 40.000 công chức, viên chức thôi việc hoặc chuyển sang khu vực tư. Trong số này, tỷ lệ nghỉ việc ở trung ương là 18% và địa phương là 82%, tập trung nhiều nhất ở ngành giáo dục, y tế. Việc tăng lương cơ sở lần này được kỳ vọng sẽ tạo động lực giúp người lao động trong khu vực công nâng cao tinh thần làm việc và cống hiến.
Theo Nghị quyết 27 thì tới đây, nước ta sẽ bãi bỏ các cơ chế, chính sách về tiền lương, thu nhập đặc thù. Hiện nay có hơn 134.000 cán bộ, công chức thuộc các cơ quan, đơn vị quản lý hành chính nhà nước đang được hưởng cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù (có tiền lương tăng thêm ngoài chế độ chung từ 0,66 lần đến 2,43 lần). Con số này chiếm gần 7% tổng biên chế cán bộ, công chức, viên chức của cả nước. Khi bãi bỏ các cơ chế, chính sách về tiền lương, thu nhập đặc thù thì họ sẽ hưởng tiền lương mới (kể cả phụ cấp) có thể thấp hơn so với trước khi cải cách tiền lương. Vì vậy, để đảm bảo chế độ cho đối tượng này, Bộ Nội vụ sẽ tính toán tham mưu cấp có thẩm quyền xem xét bảo lưu mức lương và thu nhập đặc thù hiện hưởng.
Bộ Nội vụ cũng đang tham mưu cho cấp có thẩm quyền để xây dựng hệ thống bảng lương gồm lương cơ bản chiếm 70% và phụ chiếm cấp 30% tổng quỹ lương. Ngoài ra, còn có thêm 10% quỹ lương cơ bản để người đứng đầu cơ quan, đơn vị dùng làm quỹ khen thưởng. Đồng thời, người đứng đầu có quyền trong việc ban hành cơ chế để sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên thuê chuyên gia, thu hút và trọng dụng những người có tài năng vào trong khu vực công. Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Bộ Tài chính để ban hành hệ thống thể chế làm căn cứ cho các bộ, ngành, địa phương có thể sử dụng nguồn ngân sách này thu hút và trọng dụng người có tài năng vào trong khu vực công.
Thực hiện các giải pháp tăng lương, tiến đến cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo tinh thần Nghị quyết 27 của Trung ương khóa 12 được kỳ vọng là một trong những giải pháp cốt yếu để công chức, viên chức, người lao động có thể nâng cao chất lượng cuộc sống, tạo động lực để người lao động gắn bó và cống hiến nhiều hơn nữa cho sự phát triển của cơ quan, đơn vị và đất nước.
Thủ tướng chỉ thị tổ chức Tết trồng cây phải thiết thực, hiệu quả
Cách đây 55 năm, ngày 16/2/1969, vào ngày mùng 1 Tết Kỷ Dậu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thăm và chúc Tết cán bộ, nhân dân huyện Ba Vì. Đây là lần cuối cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm nông dân và trồng cây trước lúc Người đi xa. Khi trồng cây, Người kiểm tra kỹ từng thùng nước tưới cây, nhắc mọi người “trồng cây nào, sống cây ấy”.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị về tổ chức “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” và tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng. Chỉ thị nêu rõ, việc tổ chức triển khai “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” phải thiết thực, hiệu quả, không phô trương hình thức; tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các cơ chế, chính sách trong lâm nghiệp, đồng thời tăng cường huy động xã hội hóa, tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, trường học, lực lượng vũ trang và mọi tầng lớp nhân dân hưởng ứng tích cực, tham gia trồng cây, trồng rừng, chăm sóc, bảo vệ rừng.
Những năm qua, Tết trồng cây được các địa phương tổ chức ngày càng thiết thực, hiệu quả, gắn với xây dựng bộ mặt đô thị, nông thôn xanh, sạch, văn minh và hiện đại. Không chỉ trồng cây mà còn tạo dựng những con đường hoa, đường cây; cải tạo, hình thành những công viên, vườn hoa. Một số tuyến đường ở Hà Nội có hệ thống cây xanh nhiều tầng độc đáo. Thành phố đã biến không ít dải phân cách bê tông xám xịt thành không gian cây xanh xanh, sạch, đẹp, góp phần cải thiện khí hậu, giảm bụi và ô nhiễm không khí. Song, gần đây chưa có thêm tuyến đường, tuyến phố xanh nào như vậy. Vẫn còn hiện tượng cây đổ, cành gãy do không được chăm sóc, thậm chí là hành vi cố tình hủy hoại cây xanh vì mục đích riêng.
Tết trồng cây đã trở thành nét đẹp văn hóa của nước ta từ nhiều năm nay. Từng người, từng nhà cùng chung tay biến ban công nhà mình thành ban công xanh, biến con đường, góc phố nơi mình ở thành đường xanh. Mỗi người cùng chung tay trồng một cây xanh, cả Thủ đô sẽ có hàng triệu cây được trồng, cả nước sẽ có hàng tỷ cây xanh.
Việc trồng cây không chỉ bảo vệ cảnh quan môi trường và đa dạng sinh học mà còn là một ngành kinh tế quan trọng, mang lại nguồn lợi to lớn cho nước ta ở hiện tại và tương lai. Với tỷ lệ che phủ rừng trên 42% vào năm 2022, tăng khoảng 28% so với năm 1990, các nhà khoa học tính toán, rừng Việt Nam có thể hấp thụ trên 70 triệu tấn CO2. Việt Nam cũng là một trong những nước chế biến và xuất khẩu đồ gỗ hàng đầu thế giới, xuất khẩu sang hơn 140 quốc gia và vùng lãnh thổ với giá trị đạt trên 10 tỷ USD/năm. Vì vậy, trồng cây, trồng rừng có ý nghĩa quan trọng, góp phần đảm bảo thực hiện cam kết quốc tế của Việt Nam tại Hội nghị COP26 là thực hiện lộ trình đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 và đóng góp quan trọng vào nền kinh tế của đất nước.
Ngân hàng thế giới đã thỏa thuận trả hơn 41 triệu USD để mua tín chỉ carbon giảm phát thải từ rừng của 6 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ là Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế. Số tiền này được chuyển về các địa phương để chi trả cho các chủ rừng, người dân địa phương và cộng đồng quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Ông Nguyễn Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cho hay: Tiếp tục bảo vệ rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng tự nhiên để nâng cao trữ lượng carbon. Ngoài tăng năng suất gỗ, tăng lượng carbon sẽ tạo giá trị gia tăng, nâng cao sinh kế cho cộng đồng dễ bị tổn thương.
Với hơn 14 triệu ha đất có rừng, Việt Nam được đánh giá là Quốc gia đa dạng sinh học. Ước tính 57 triệu tín chỉ carbon có thể bán ra cho các tổ chức quốc tế và nếu tính theo giá 5 USD/tín chỉ, mỗi năm, Việt Nam có thể thu về hàng trăm triệu USD. Như vậy, càng có nhiều rừng thì sẽ càng có nhiều tín chỉ carbon được quy đổi và rừng sẽ trở thành tiền, là nguồn lợi bền vững cho người dân./.