Hàng triệu gia đình có con đi học chuẩn bị đón tin vui vào tháng 2/2024

Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ tháng 2/2024, các chính sách dưới đây sẽ bắt đầu có hiệu lực, hàng triệu gia đình có con đi học sẽ mừng thầm nếu biết thông tin này.

Chính sách giáo dục từ tháng 2/2024 có gì mới?

Chính sách giáo dục mới quy định không đào tạo từ xa ngành sư phạm, sức khỏe

Theo thông tư 28 của Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có hiệu lực từ ngày 12/2, quy định về đào tạo từ xa với bậc đại học.

Theo chính sách giáo dục mới, hình thức đào tạo từ xa là hình thức đào tạo có 50% tổng khối lượng của chương trình đào tạo trở lên được thực hiện theo một hoặc kết hợp giữa phương thức đào tạo từ xa mạng máy tính và viễn thông, thư tín, phát thanh - truyền hình.

Bên cạnh đó, căn cứ vào chương trình đào tạo chính quy, các trường sẽ xây dựng khung chương trình đào tạo từ xa cho phù hợp với hình thức về phương pháp dạy - học, thời lượng dạy - học, học liệu, đánh giá kết quả học tập, trong đó yêu cầu sử dụng chủ yếu phương thức mạng máy tính và viễn thông

Ngoài ra, theo chính sách giáo dục mới cũng quy định, không thực hiện đào tạo từ xa các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề và nhóm ngành đào tạo sư phạm.

Các trường đào tạo từ xa phải có đủ cơ sở vật chất dạy học

Theo chính sách giáo dục hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định các trường học phải có đủ phòng kỹ thuật và thiết bị dạy học từ xa. Cụ thể: có hệ thống quản lý tuyển sinh, đào tạo và cấp văn bằng; có thư viện và thư viện điện tử với đầy đủ giáo trình, tài liệu; có đủ học liệu chính và bổ trợ cho hai năm đầu của chương trình.

Bên cạnh đó, bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đưa ra quy định đình chỉ hoạt động đào tạo từ xa - điều trước đây chưa nêu cụ thể. Theo đó, nếu không đáp ứng được một trong các yêu cầu tối thiểu ở trên, các trường sẽ bị đình chỉ đào tạo từ xa từ 6 tháng đến một năm.

Các trường đào tạo từ xa phải có đủ cơ sở vật chất dạy học (Ảnh: TL)

Các trường đào tạo từ xa phải có đủ cơ sở vật chất dạy học (Ảnh: TL)

Ngoài ra, đối với các ngành được cấp phép đào tạo từ xa chỉ được tuyển sinh tối thiểu là 3 tháng chính quy. So với quy chế cũ ban hành từ năm 2017, các trường được đào tạo từ xa với tất cả ngành đã được phép đào tạo chính quy. Điều này cho thấy quy định mới chặt chẽ hơn.

Từ năm 1993, các chương trình đào tạo từ xa đã được thực hiện ở Việt Nam. Theo đó, các trường được phép đào tạo đầu tiên có thể kể đến như: Đại học Mở Hà Nội và TP.HCM. Trước thông tư mới ban hành, Bộ Giáo dục và Đào tạo từng ban hành quy chế đào tạo từ xa vào năm 2003 và 2017 với các quy định ngày càng chặt chẽ, cụ thể hơn, đặc biệt về các điều kiện tối thiểu để đảm bảo chất lượng.

Chính sách giáo dục mới quy định không ghi xếp loại trên bằng tốt nghiệp THCS

Theo thông tư số 31 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ ngày 15/2, quy chế xét tốt nghiệp trung học cơ sở (THCS) sẽ có hiệu lực.

Theo chính sách giáo dục, điều kiện xét tốt nghiệp trung học cơ sở có nhiều điểm mới như: Học sinh THCS nghỉ quá 45 buổi vẫn được tốt nghiệp. Trước đây, để tốt nghiệp THCS thì học sinh không được nghỉ học quá 45 buổi học ở năm học lớp 9 (nghỉ một lần hoặc nhiều lần cộng lại).

Bên cạnh đó, điểm mới quan trọng nhất trong Thông tư 31 là bỏ xếp loại trên tốt nghiệp THCS. Trước đây, kết quả tốt nghiệp của học sinh được xếp loại giỏi, khá, trung bình căn cứ vào hạnh kiểm và học lực.

Theo thông tư mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép địa phương, nhà trường tổ chức xét tốt nghiệp THCS 2 lần/năm (trước đây, các trường chỉ xét tốt nghiệp 1 lần trong năm). Lần xét công nhận tốt nghiệp thứ nhất được thực hiện ngay sau khi kết thúc năm học. Lần xét công nhận tốt nghiệp thứ hai (nếu có) được thực hiện trước khai giảng năm học mới.

Theo chính sách giáo dục mới, bỏ xếp loại trên tốt nghiệp THCS.(Ảnh: TL)

Theo chính sách giáo dục mới, bỏ xếp loại trên tốt nghiệp THCS.(Ảnh: TL)

Các trường được tự chọn sách giáo khoa

Theo chính sách giáo dục hiện nay, việc lựa chọn sách giáo khoa trong các trường phổ thông được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành cuối năm 2023. Theo đó, bộ Giáo dục và Đào tạo quy định rõ, hội đồng lựa chọn sách của các trường do hiệu trưởng thành lập. Mỗi trường là một hội đồng. Theo đó, riêng trường phổ thông có nhiều cấp học thì mỗi cấp một hội đồng.

Như vậy, việc chọn sách giáo khoa trong các trường phổ thông sẽ quay lại cách làm của năm 2020 - năm đầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018. Còn ba năm học qua, hội đồng chọn sách do UBND tỉnh thành lập và mỗi môn ở một cấp học là một hội đồng, các trường chỉ được đóng góp ý kiến.

Theo chính sách giáo dục hiện nay, việc lựa chọn sách giáo khoa trong các trường phổ thông được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành cuối năm 2023. (Ảnh: TL)

Theo chính sách giáo dục hiện nay, việc lựa chọn sách giáo khoa trong các trường phổ thông được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành cuối năm 2023. (Ảnh: TL)

Bên cạnh đó, sách giáo khoa được đưa ra để chọn nằm trong danh mục Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phê duyệt. Hiện nay, có ba bộ sách theo chương trình mới là Kết nối tri thức với cuộc sống, Chân trời sáng tạo và Cánh Diều.

Theo bộ Giáo dục và Đào tạo, hội đồng chọn sách giáo khoa sẽ bao gồm: hiệu trưởng, hiệu phó, tổ trưởng tổ chuyên môn, đại diện giáo viên, đại diện ban phụ huynh. Số lượng thành viên là số lẻ, tối thiểu 11 người. Các trường có quy mô dưới 10 lớp thì số lượng thành viên hội đồng tối thiểu 5 người.

Bộ quy định người đã tham gia biên soạn, xuất bản, tin, phát hành sách giáo khoa và người thân của những người này; người làm ở các nhà xuất bản, các tổ chức có sách giáo khoa không được tham gia hội đồng.

Các trường, giáo viên được tự chọn sách giáo khoa từ năm học 2024 - 2025. (Ảnh: TL)

Các trường, giáo viên được tự chọn sách giáo khoa từ năm học 2024 - 2025. (Ảnh: TL)

Về quy trình, toàn bộ giáo viên của từng môn sẽ tham gia chọn sách môn học đó. Các thầy cô nghiên cứu các đầu sách, viết phiếu nhận xét, đánh giá.

Sau đó, tổ trưởng tổ chuyên môn sẽ tổ chức họp với giáo viên để thảo luận, bỏ phiếu lựa chọn một sách cho mỗi môn. Bên cạnh đó, sách được chọn phải có hơn 50% số giáo viên trở lên bỏ phiếu. Trường hợp không đạt tỷ lệ này, tổ chuyên môn phải thảo luận, phân tích và bỏ phiếu lại.

Sau lần bỏ phiếu thứ hai, nếu vẫn không có sách nào được trên một nửa số giáo viên chọn, tổ chuyên môn chọn sách có số phiếu cao nhất trong hai lần.

Từ đó, hội đồng của trường thảo luận, đề xuất danh mục với người đứng đầu nhà trường. Trường lập hồ sơ gửi về Phòng hoặc Sở Giáo dục và Đào tạo.Cuối cùng, UBND cấp tỉnh phê duyệt danh mục sách giáo khoa của các trường tại địa phương.

Với chủ trương "một chương trình, nhiều sách giáo khoa", bỏ độc quyền xuất bản, mỗi môn học hiện có nhiều đầu sách từ các đơn vị biên soạn khác nhau. Vì vậy các địa phương, trường học cần có sự lựa chọn sách phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương, điều kiện tổ chức dạy và học tại các trường.

Tuy nhiên, hiện nay, nhiều ý kiến lại cho rằng việc này sẽ dẫn đến tình trạng thiếu khách quan, minh bạch, thiếu sự tôn trọng ý kiến của giáo viên, nhà trường và phụ huynh./.

Bảo An

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/hang-trieu-gia-dinh-co-con-di-hoc-chuan-bi-don-tin-vui-vao-thang-2-2024-172240129132307696.htm