Hàng triệu ngôi nhà không bóng người tại Nhật Bản
Hơn 10 triệu bất động sản bị bỏ hoang tại Nhật Bản trong khi dân số nước này ngày càng giảm. Nhà chức trách đang cố gắng tìm giải pháp để xử lý những căn nhà trên.
Khi Jaya Thursfield tìm thấy ngôi nhà mà anh muốn mua ở Nhật Bản cách đây vài năm, bạn bè và gia đình đã khuyên anh hãy quên nó đi.
Họ nói rằng nơi này không đáng để bỏ công sức. Căn nhà nằm giữa một rừng cỏ dại cao đến vai sau khi bị bỏ trống khoảng 7 năm trước đó. Nó là một trong hàng triệu ngôi nhà bỏ hoang được gọi là "akiya" trên khắp Nhật Bản.
Nhưng Thursfield (46 tuổi), nhà phát triển phần mềm người Australia, không nản lòng. Qua vườn cây um tùm, anh có thể thấy ngôi nhà thật đặc biệt.
Những mái ngói đen đổ xuống mái hiên hơi cong. Sảnh vào có mái ngói đầu hồi riêng. Ngôi nhà rộng hơn 250 m2 trông có nét giống một ngôi chùa Phật giáo do nó được xây dựng bởi kiến trúc sư ngôi chùa vào năm 1989.
Thursfield và người vợ gốc Nhật, Chihiro, đã chuyển đến Nhật Bản từ London vào năm 2017 cùng hai con trai nhỏ. Họ ước mơ mua một ngôi nhà có sân rộng.
Kế hoạch là mua một khu đất trống và xây nhà trên đó, nhưng đất đai ở Nhật Bản đắt đỏ và ngân sách của họ không cho phép. Vì vậy, họ chuyển sang nguồn cung ngày càng tăng khác - đó là những ngôi nhà bỏ hoang, rẻ hơn và thường đi cùng diện tích đất lớn hơn.
“Chúng tôi sẽ không bao giờ có thể mua được một ngôi nhà có chất lượng và kích thước như thế này nếu đó không phải là một akiya”, cô Thursfield cho biết.
Khi dân số Nhật Bản giảm và nhiều bất động sản không có người nhận, một bộ phận người mua mới nổi, cảm thấy bớt bị ràng buộc với các thành phố quá đông đúc, đang tìm về những ngôi nhà trống ở nông thôn, theo New York Times.
Lý do bỏ trống
Dữ liệu gần đây nhất của chính phủ, từ cuộc khảo sát Nhà ở và Đất đai năm 2018, báo cáo khoảng 8,5 triệu "akiya" trên toàn quốc - tương đương 14% tổng nguồn cung nhà ở của cả nước. Nhưng các nhà quan sát cho biết số lượng hiện tại còn nhiều hơn nữa.
Viện nghiên cứu Nomura đưa ra con số hơn 11 triệu và dự đoán rằng "akiya" có thể vượt quá 30% tổng số ngôi nhà ở Nhật Bản vào năm 2033.
Ngôi nhà của gia đình Thursfields, nằm giữa những cánh đồng ở phía nam tỉnh Ibaraki, cách trung tâm Tokyo khoảng 45 phút. Ngôi nhà đã bị bỏ hoang bởi gia đình của chủ sở hữu trước đó từ chối thừa kế.
Thursfield đã quyết định thử vận may của mình. Sau khi kiểm tra nhanh ngôi nhà với một người bạn là kiến trúc sư và không thấy vấn đề gì nghiêm trọng dù đã nhiều năm bị bỏ bê, anh mua được ngôi nhà với giá khoảng 23.000 USD.
Những ngôi nhà ở Nhật Bản thường giảm giá trị theo thời gian cho đến khi chúng trở nên vô giá trị, chỉ còn lại giá trị đất đai.
“Chúng tôi quyết định cải tạo thay thế”, Thursfield nói. “Tôi luôn là người thích thách thức, chấp nhận rủi ro và học hỏi những điều mới, vì vậy tôi tự tin rằng chúng tôi sẽ xoay xở được bằng cách nào đó”.
Kể từ khi mua nhà vào năm 2019, cặp đôi đã chi khoảng 150.000 USD để cải tạo và còn nhiều việc phải làm. Thursfield đã ghi lại dự án trên YouTube, thu hút hơn 200.000 người đăng ký.
Trong khi ngôi nhà của Thursfields bị bỏ hoang bởi người thừa kế không nhận, một số chủ nhà qua đời mà không hề nêu tên người thừa kế.
Trong trường hợp khác, những người thân được chủ sở hữu để lại tài sản, từ chối bán đất đai của gia đình vì tôn trọng giá trị tổ tiên, khiến ngôi nhà bỏ trống.
Trong bối cảnh đó, nhà quan chức Nhật Bản ở cả cấp địa phương và quốc gia đang thực hiện các bước để thay đổi.
“Akiya được bảo trì kém có thể làm hỏng cảnh quan cũng như gây nguy hiểm đến tính mạng và tài sản của người dân nếu sụp đổ”, Kazuhiro Nagao, quan chức thành phố ở Sakata, nơi tuyết rơi dày có thể làm hỏng các công trình không được giám sát, cho biết.
“Chúng tôi đang trợ cấp một phần cho việc phá dỡ, thu thập các báo cáo của hiệp hội khu phố về akiya và cố gắng làm cho chủ sở hữu nhận thức được vấn đề bằng cách tổ chức cuộc họp”, ông nói.
Tìm giải pháp
Theo Akira Daido, cố vấn trưởng tại Bộ phận Tư vấn của Viện Nghiên cứu Nomura, mặc dù vấn đề "akiya" không ảnh hưởng trực tiếp đến doanh số bán hàng ở thị trường đô thị - nơi các tòa nhà cao tầng liên tục mọc lên, mối nguy hiểm tiềm ẩn đối với cộng đồng do những ngôi nhà trống gây ra gia tăng cùng với số lượng của chúng.
Một số người lo ngại những căn nhà bỏ hoang có thể trở thành nơi cư trú của tội phạm, bị sụp đổ vì lâu ngày không được sửa chữa và môi trường xung quanh bị ô nhiễm do không có người dọn dẹp thường xuyên, ảnh hưởng đến dân cư xung quanh.
Ông Daido chỉ ra một sửa đổi pháp lý gần đây cho phép chính quyền địa phương tăng thuế bất động sản đối với những ngôi nhà bị bỏ trống một cách hiệu quả nếu chủ sở hữu phớt lờ yêu cầu của thành phố về việc bảo trì hoặc phá dỡ chúng.
"Akiya" không chỉ được coi là mối đe dọa đối với thị trường ngoại thành và nông thôn Nhật Bản, mà còn làm dấy lên những tranh chấp gia đình về tài sản thừa kế.
Điều đó đã dẫn đến một ngành công nghiệp nhỏ gồm các chuyên gia tư vấn nhà bỏ hoang. Takamitsu Wada, giám đốc điều hành của Akiya Katsuyo, người đóng vai trò cố vấn cho những người họ hàng đang cãi vã, thường thúc giục họ hành động trước khi tài sản của họ trở nên vô nghĩa.
“Trong nhiều trường hợp, cha mẹ qua đời mà không nói rõ mong muốn của họ, hoặc họ mắc chứng mất trí nhớ và cảm thấy khó thảo luận về những điều này”, ông Wada nói. “Trong trường hợp như vậy, những đứa con có thể cảm thấy tội lỗi khi rời khỏi ngôi nhà của gia đình và thường chọn để trống”.
Các thành phố trên khắp Nhật Bản đang tổng hợp danh sách những ngôi nhà bỏ trống để bán hoặc cho thuê. Được gọi là “ngân hàng akiya”, chúng thường là những trang web đơn giản với một vài bức ảnh ấn tượng.
Tuy nhiên, Matthew Ketchum, đồng sáng lập của Akiya & Inaka - một công ty tư vấn bất động sản có trụ sở tại Tokyo - chia sẻ: “Các ngân hàng Akiya được điều hành bởi các nhân viên văn phòng thành phố, phần lớn trong số họ thường không có bất kỳ kinh nghiệm nào về bất động sản”.
“Các giải pháp hiện tại không phù hợp với nhu cầu của người mua và người bán hiện đại”, ông nói.
Công ty của ông Ketchum là một trong số những công ty đã nổi lên để tận dụng tình trạng dư thừa "akiya", ghép những ngôi nhà bỏ hoang với những người mua tò mò.
Danh sách của Akiya & Inaka bao gồm một ngôi nhà rộng 203 m2 được xây dựng vào năm 1983 ở ngoại ô Hachioji, Tokyo, với khu vườn nhỏ và phòng tiếp khách có sàn trải chiếu tatami cao. Tài sản được liệt kê ở mức khoảng 272.000 USD.
“Mọi đại lý Nhật Bản mà chúng tôi nói chuyện đều khuyên chúng tôi phá bỏ nơi này”, chủ nhân của ngôi nhà, Takahiro Okada, 85 tuổi, một nhà báo đã nghỉ hưu, cho biết.
Ông và vợ Reiko, 86 tuổi, đang cho thuê căn nhà nhưng quyết định bán sau khi người thuê của họ rời đi vào năm ngoái. “Nếu tất cả chúng ta làm như vậy, chúng ta sẽ đánh mất văn hóa Nhật Bản”, bà Okada nói.
Ông Ketchum và đối tác của ông, Parker J. Allen, cho biết họ đang nhận được số lượng yêu cầu gấp khoảng 5 lần so với khi bắt đầu vào năm 2020.
Ông Allen cho biết nhiều khách hàng đã bị thúc đẩy bởi đại dịch, điều này “chắc chắn đã thay đổi suy nghĩ của những người sống ở Nhật Bản về ý tưởng sống ở nông thôn”.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/hang-trieu-ngoi-nha-khong-bong-nguoi-tai-nhat-ban-post1422931.html