Hàng Trung Quốc bị kẹt cứng ở cảng Ấn Độ sau làn sóng tẩy chay
Hàng nghìn tấn hàng hóa từ Trung Quốc mắc kẹt ở biên giới Ấn - Trung vì hải quan Ấn Độ tạm hoãn thông quan hàng hóa sau vụ đụng độ căng thẳng tại biên giới hai nước.
Theo South China Morning Post, cơ quan hải quan tại cảng Chenai - một trong những cảng hàng hóa lớn nhất Ấn Độ - đã tạm hoãn thông quan các lô hàng hóa có xuất xứ từ Trung Quốc. Quyết định này đã làm ách tắc hàng nghìn tấn hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc tại cửa biên giới.
Động thái được đưa ra sau vụ đụng độ chết người tại biên giới Trung - Ấn hồi giữa tháng. Hải quan tại cảng Chenai cho biết các lô hàng hóa Trung Quốc sẽ chỉ được thông quan sau khi được kiểm tra bổ sung hàng hóa.
Phía Trung Quốc cho rằng việc các lô hàng "kẹt cứng" tại cảng Chenai, bao gồm các sản phẩm linh kiện, phân bón, dầu mỏ và xe hơi,... sẽ làm chuỗi cung ứng bị gián đoạn.
Làn sóng tẩy chay các sản phẩm xuất xứ từ Trung Quốc của người dân Ấn Độ đã kéo dài vài tuần qua. Người dân Ấn Độ đập phá đồ dùng nguồn gốc Trung Quốc, chia sẻ thông điệp tẩy chay sản phẩm "Made in China". Trung Quốc là nguồn cung hàng hóa lớn nhất của Ấn Độ trong nhiều năm qua.
Trong những lô hàng bị kẹt tại biên giới có container linh kiện sản xuất ôtô của hãng xe Ford. Phát ngôn viên của hãng cho biết đã làm việc với hải quan Ấn Độ để xử lý vụ việc. "Chúng tôi đang làm việc với cơ quan hải quan và cung cấp tài liệu và thông tin cần thiết theo yêu cầu của họ", đại diện Ford nói.
Các lô hàng hóa nhập khẩu vào Ấn Độ thông thường chỉ bị kiểm tra ngẫu nhiên. Tuy nhiên, giám đốc một công ty dược phẩm Trung Quốc có hàng hóa kẹt ở cảng Chenai cho biết hàng hóa của họ sẽ chỉ được thông quan sau khi được kiểm tra từng kiện một.
Trước đó, Hiệp hội Môi giới Hải quan Chennai cho biết họ vừa nhận được bản hướng dẫn nội bộ từ cơ quan hải quan về việc tạm ngưng thông quan và giữ lại các lô hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Đầu tháng 6, chính phủ Ấn Độ đã thay đổi quy định mua hàng và truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Theo đó các công ty buộc phải kê khai xuất xứ hàng hóa để thúc đẩy tiêu dùng hàng hóa nội địa và giảm nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc.
Phía Bắc Kinh yêu cầu Ấn Độ trả lời vì hàng hóa xuất khẩu bị kiểm duyệt hoàn toàn và trì hoãn thông quan. Các công ty Trung Quốc có hàng hóa kẹt ở biên giới đang gặp nhiều khó khăn, nhất là khi vừa mở cửa lại nền kinh tế.
Website mua sắm trực tuyến của chính phủ Ấn Độ cũng khuyến khích tiêu dùng nội địa và yêu cầu người bán đăng ký nguồn gốc sản phẩm. Các sản phẩm phải đáp ứng tỉ lệ tối thiểu 50% nguồn gốc nội địa, hoặc sẽ bị xóa khỏi website.