Hàng vạn du khách tham gia Lễ hội đền Bảo Hà năm 2019

Sáng 17/8 (17/7 Âm lịch), UBND huyện Bảo Yên đã tổ chức Lễ hội đền Bảo Hà năm 2019.

Quang cảnh lễ khai mạc.

Quang cảnh lễ khai mạc.

Dự lễ hội có đại điện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh, cùng hàng vạn du khách thập phương về tham quan, chiêm bái và tham gia Lễ hội đền Bảo Hà năm 2019.

Bí thư Huyện ủy Bảo Yên Dương Đức Huy đánh trống khai hội.

Bí thư Huyện ủy Bảo Yên Dương Đức Huy đánh trống khai hội.

Lễ hội năm nay được tổ chức với quy mô cấp huyện gồm 2 phần: Phần lễ và phần hội với chuỗi các hoạt động đặc sắc như lễ tế, lễ cầu an, thả đèn hoa đăng; lễ tế dân gian, chương trình nghệ thuật…

Đặc biệt trong buổi sáng 17/7 Âm lịch, hàng vạn du khách thập phương đã tham gia rước kiệu gắn với hoạt động của các nghệ nhân thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, rước các biểu tượng văn hóa, đạo cụ thờ Mẫu từ đền Cô Tân An (Văn Bàn) đến đền Bảo Hà (Bảo Yên), lễ dâng hương và Khai mạc Lễ hội đền Bảo Hà năm 2019 cùng màn biểu diễn nghệ thuật đặc sắc của các nghệ sĩ không chuyên thuộc các xã trên địa bàn huyện Bảo Yên…

Đọc chúc thư tại lễ hội.

Đọc chúc thư tại lễ hội.

Đền Bảo Hà thờ “Thần vệ quốc - Hoàng Bảy” được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia tháng 11/1997, tọa lạc dưới chân đồi Cấm, bên tả ngạn sông Hồng, thuộc địa phận xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên.

Tương truyền, vào cuối thời Lê (niên hiệu Cảnh Hưng 1740 – 1786) khắp vùng đất thuộc phủ Quy Hóa, nhất là châu Thủy Vỹ và châu Văn Bàn luôn bị giặc vùng Vân Nam (Trung Quốc) tràn sang cướp phá. Triều đình nhà Lê đã cử danh tướng họ Nguyễn lên trấn thủ vùng biên ải, tiến dọc sông Hồng đánh đuổi quân giặc, giải phóng châu Văn Bàn và củng cố, xây dựng vùng đất Bảo Hà thành căn cứ lớn. Tại đây, danh tướng họ Nguyễn đã tập hợp các thổ ty, tù trưởng, chiêu nạp quân sỹ, ngày đêm luyện tập kiếm võ. Sau đó, ông đã thống lĩnh đội quân thủy, bộ tiến lên Lào Cai, đánh đuổi quân giặc. Trong một trận đánh không cân sức, danh tướng Hoàng Bảy đã anh dũng hy sinh. Thi thể ông bị giặc thả xuống sông Hồng và trôi đến Bảo Hà, nhân dân trong vùng đưa lên chôn cất và lập đền thờ.

Để ghi nhớ công lao của ông, vua Minh Mạng, vua Thiệu Trị (triều Nguyễn) đã tặng ông danh hiệu "Trấn an hiển liệt" và đền thờ ông được các vua triều Nguyễn cấp sắc phong là "Thần vệ quốc". Ông trở thành nhân vật huyền thoại có một không hai trong lịch sử trấn ải vùng Tây Bắc Tổ quốc, được các thế hệ con cháu ngưỡng vọng, thờ phụng, ngày giỗ chính là 17/7 Âm lịch và hiện thân trong các lễ hội xuống đồng vào ngày Thìn tháng Giêng hằng năm của đồng bào các dân tộc nơi đây.

Các đội thi kéo co.

Các đội thi kéo co.

Sau phần lễ là phần hội với nhiều trò chơi dân gian truyền thống, như kéo co, đẩy gậy… thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia.

Một số hình ảnh tại Lễ hội đền Bảo Hà năm 2019:

Lễ cầu an.

Lễ cầu an.

Chương trình nghệ thuật chào mừng.

Chương trình nghệ thuật chào mừng.

Lễ rước kiệu gắn với hoạt động của các nghệ nhân thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, rước các biểu tượng văn hóa…

Lễ rước kiệu gắn với hoạt động của các nghệ nhân thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, rước các biểu tượng văn hóa…

Biểu diễn võ cổ truyền tại lễ hội.

Biểu diễn võ cổ truyền tại lễ hội.

Thi đẩy gậy và nhảy bao bố.

Trưng bày sản phẩm nông nghiệp huyện Bảo Yên tại lễ hội.

Trưng bày sản phẩm nông nghiệp huyện Bảo Yên tại lễ hội.

Nhóm Phóng viên Kinh tế - Xã hội

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/van-hoa-van-nghe/hang-van-du-khach-tham-gia-le-hoi-den-bao-ha-nam-2019-z8n20190817151256695.htm