Hàng vạn người đi xem lễ hội Lồng Tồng ATK Định Hóa
Đến hẹn lại lên, cứ mồng 10 âm lịch hàng năm thì người dân khắp nơi đổ về xã Phú Đình, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên để dự Lễ hội Lồng Tồng ATK Định Hóa.
Cứ mồng 10 âm lịch tháng Giêng hàng năm, nhân dân 8 dân tộc anh em (Tày, Nùng, Dao, Sán Chay, Sán Dìu, Hoa, Kinh và Mông) sinh sống trên vùng chiến khu xưa: ATK Định Hóa, Thái Nguyên lại tưng bừng tổ chức Lễ hội Lồng Tồng.
Không chỉ vậy, Lễ hội này còn thu hút hàng vạn du khách khắp nơi đổ về khu vực này để chiêm ngưỡng các nghi lễ và trò chơi dân gian vào đầu năm mới.
Theo người dân địa phương, Lễ hội Lồng Tồng được coi là một lễ hội truyền thống đặc sắc của bà con vùng cao, được tổ chức sau một năm vất vả với công việc đồng áng nhằm ăn mừng thành quả lao động đã đạt được của mình.
Bên cạnh đó, đây là dịp để bà con đồng bào các dân tộc tạ ơn trời đất, thần linh, tổ tiên và cầu cho một năm mới mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, nhà nhà no ấm, hạnh phúc.
"Lồng Tồng" theo tiếng Tày - Nùng và "Lồng tông" theo tiếng Dao thì có nghĩa là "xuống đồng".
Việc tổ chức Lễ hội Lồng tồng ATK (Định Hóa) không chỉ góp phần lưu giữ, bảo tồn và phát huy những các giá trị truyền của lễ hội mà còn giới thiệu, quảng bá hình ảnh tiềm năng kinh tế, du lịch ATK Định Hóa.
Từ đó, tạo điều kiện đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch kinh tế, nâng cao thu nhập cho nhân dân vùng căn cứ địa cách mạng. Đặc biệt đây chính là dịp dể du khách thập phương hiểu thêm về thủ đô kháng chiến năm xưa.
Tại Lễ hội Lồng Tồng, các nghi lễ được cúng đầu năm mới được các thầy cúng thực hiện như: lễ tạ thần linh, trời đất đã ban cho nhân dân, thầy Tào thực hiện lễ cầu phúc của người Dao, người Tày, Nùng, Sán Chí...
Bên cạnh đó, các trò chơi dân gian cũng được khôi phục lại như: Ném còn, múa rối của dân tộc tày, cuộc thi cấy cho các làng xã, đường cày đầu xuân do thanh niên khỏe mạnh của các dân tộc thực hiện...