Hàng vạn người 'sập bẫy' chiêu trò PR, seeding bẩn của phim Việt

Khi loạt phim Tết gần đây ra mắt, khán giả thấy tràn ngập các bình luận khen phim 'xuất sắc' trên mạng xã hội nhưng khi bỏ tiền mua vé, họ biết đã 'bị lừa'.

Tin vào một bài review trên TikTok, chị Mai Phan (32 tuổi, quận Gò Vấp) đã tức tốc mua vé xem Đèn âm hồn của đạo diễn Hoàng Nam. Sự hồ hởi của chị bị dập tắt khi xem phim ngoài rạp. Sau 15 phút, chị quyết định bỏ về, không theo dõi tiếp vì “phim gây thất vọng với kịch bản vụng về, dễ đoán, kỹ xão giả trân và diễn xuất thảm họa”.

“Ai trả lại cho tôi 130 nghìn tiền vé và cả thời gian lặn lội ra rạp coi phim đây. Từ giờ, tôi không ra rạp xem phim Việt nữa. Tôi cảm thấy mình đang là nạn nhân của chiêu trò PR phim. Khi chất lượng phim trái ngược những bài PR, review trên mạng”, chị bức xúc.

Giống Mai Phan, hàng vạn khách hàng đã “sập bẫy” chiêu trò truyền thông của phim Việt. Hastag #noikhongvoitruyenthongban… đã xuất hiện trên các nền tảng mạng xã hội những ngày qua.

Trong khi các “nạn nhân” bức xúc, thất vọng, đăng bài phản ứng liêp tiếp trên mạng xã hội, các nhà làm phim, nhà phát hành và đội ngũ phía sau, thở phào nhẹ nhõm vì doanh thu tăng vọt. Thậm chí, đạo diễn, nhà sản xuất còn liên tiếp khoe những cột mốc doanh thu trăm tỷ, vài trăm tỷ.

Giới làm phim đổ tiền tỷ cho truyền thông

Nhìn từ bên ngoài, điện ảnh Việt hào nhoáng và lắm hấp lực. Đặc biệt là số lượng doanh thu những phim có thành tích trên 300 tỷ đồng ngày càng lên theo từng năm cùng sự xuất hiện của các đạo diễn nghìn tỷ như Lý Hải, Trấn Thành. Song trên thực tế, không phải ai cũng may mắn khi dấn sân vào bộ môn này. Vào năm 2024, Tri Thức - Znews từng có tuyến bài phản ánh sự khắc nghiệt của thị trường điện ảnh Việt và loạt đạo diễn đổ nợ, bán nhà sau khi phim thua lỗ. Thống kê cho thấy số lượng phim thất bại ngoài phòng vé chiếm tỷ trọng 70% trong biểu đồ điện ảnh.

Áp lực để chiếm lấy “miếng bánh” doanh thu càng lúc càng khắc nghiệt hơn. Điều này khiến cho nhà làm phim, đơn vị sản xuất, phát hành buộc phải tìm mọi cách để có kết quả doanh thu tốt nhất cho dự án. Bởi doanh thu phim gắn liền với sinh mệnh của cả ê-kíp và quyết định cơ hội tái đầu tư dự án tiếp theo.

Bộ ba phim Bộ tứ báo thủ, Nụ hôn bạc tỷ và Đèn âm hồn đều có doanh thu tốt trong mùa Tết năm nay. Ảnh: ĐPCC.

Bộ ba phim Bộ tứ báo thủ, Nụ hôn bạc tỷ và Đèn âm hồn đều có doanh thu tốt trong mùa Tết năm nay. Ảnh: ĐPCC.

Bên cạnh nâng mức đầu tư phim, các đạo diễn, nhà sản xuất cũng mạnh tay hơn trong việc chi số tiền lớn để PR, marketing. Thậm chí, không ít đơn vị bất chấp chiêu trò truyền thông, seeding bẩn chỉ với một mục tiêu duy nhất là thúc đẩy con số doanh thu.

Đạo diễn N.H (xin giấu tên) chia sẻ với Tri Thức - Znews, thị trường điện ảnh Việt hiện tại thực sự là một “chiến trường" và cuộc chạy đua khốc liệt về truyền thông. Thậm chí có những dự án chi phí cho truyền thông, marketing còn vượt mức đầu tư phim.

N.H nhớ lại ở dự án đầu tay, sau khi tìm hiểu, anh đã gõ cửa một agency để tìm hiểu về gói chi phí PR cho dự án và được báo giá tổng 10 tỷ đồng.

“Khi nghe số tiền này, tôi đã sững sờ vì làm sao có đủ số tiền đó trong một dự án đầu tay. Số tiền đầu tư cho phim của tôi còn không đến mức đấy. Hai bên không thống nhất được nên tôi đã từ bỏ, không thuê agency đó nữa. Trong phim đầu tay, tôi giao hẳn cho team marketing của nhà phát hành. Toàn bộ số tiền truyền thông cho dự án dao động khoảng 1 tỷ đồng”, người này kể.

Theo nam đạo diễn, qua tìm hiểu của anh, dự án càng lớn, mức chi phí đổ ra để truyền thông cho phim cùng "khủng". Bên cạnh team marketing sẵn có của nhà làm phim, họ còn hợp tác với đội ngũ nhà phát hành và thuê thêm agency bên ngoài để cùng nỗ lực “đẩy” dự án.

“Tùy vào tiến độ của từng dự án mà ê-kíp sẽ quyết định đổ bao nhiêu tiền. Có những dự án chất lượng phim ở mức thảm họa nhưng tung đủ chiêu trò PR, truyền thông, đặc biệt ở tuần đầu tiên, thời điểm quyết định thành bại của phim. Họ thuê angency bên ngoài và đội này thì không từ thủ đoạn nào, seeding ảo, book bài KOI để khen lố phim mình, chê đối thủ bằng mọi cách. Tất nhiên rồi, những agency chỉ quan trọng KPI, traffic mà khách hàng book thôi", N.H cho biết.

N.H nói thêm phía sau một dự án phim thành công về mặt doanh thu là nhiều chiêu trò và "mặt tối". Những gì hào nhoáng, bóng bẩy mà công chúng biết tới đều chỉ là "bề nổi". Với những đạo diễn mới bước vào thị trường điện ảnh như anh, chỉ biết làm phim, không nắm rõ "quy luật ngầm" và sớm "vỡ mộng".

Hệ lụy của truyền thông bẩn tại thị trường phim Việt

Trở lại với đầu bài viết, hàng vạn khán giả đã trở thành nạn nhân của chiêu trò PR bẩn xuất hiện tại thị trường điện ảnh. Trên các nền tảng mạng xã hội, một phong trào "đòi lại tiền vé" do chất lượng phim trái ngược những lời quảng bá, thu hút sự quan tâm của giới chuyên môn lẫn người yêu phim thời gian qua.

Không ít người đã đặt ra câu hỏi: "Chuyện gì đã xảy ra với phim Việt" mùa Tết Nguyên đán năm nay. Khi mà người xem bỏ tiền mua vé đi coi phim Bộ tứ báo thủ vì tin vào Trấn Thành cùng thương hiệu phim do anh gây dựng bao năm, rồi đổi lại thất vọng.

 Theo tìm hiểu, các nhà làm phim điện ảnh đổ hàng tỷ đồng cho PR, marketing.

Theo tìm hiểu, các nhà làm phim điện ảnh đổ hàng tỷ đồng cho PR, marketing.

Sau thất vọng đó, khán giả tiếp tục tìm đến Nụ hôn bạc tỷ của Thu Trang bởi loạt bài đăng quảng bá phim tích cực được chia sẻ trên mạng. Một lần nữa, người yêu phim lại nhận về ê chề, chán nản.

"Trót tin vào những bài review ca tụng trên TikTok mà đổi lại là thất vọng"; "Phim không đến mức thảm họa nhưng cũng không xuất sắc như PR"; "Nụ hôn bạc tỷ với Bộ tứ báo thủ thực ra cũng không hơn nhau là bao nhiêu về mặt chất lượng"; "Tôi chính thức bị đội PR của Nụ hôn bạc tỷ dắt mũi"... là loạt bình luận, bài đăng của khán giả trên mạng xã hội.

Tương tự, hàng vạn người xem lại tiếp tục là nạn nhân của Đèn âm hồn. Sau những trải nghiệm không mấy tốt đẹp, một bộ phận khán giả tuyên bố "Từ nay không ra rạp xem phim Việt nữa".

Đạo diễn Khoa Nguyễn cho hay hiện thực này khiến cho thị trường phim luôn trong tình trạng hỗn loạn. Các nhà làm phim vì áp lực tài chính đến từ nhà đầu tư, nhà sản xuất, nhà phát hành rồi dễ dàng thỏa hiệp để tạo ra các sản phẩm có giá trị chuyên môn thấp, chủ yếu đáp ứng nhu cầu thị hiếu nhất thời của người xem.

Thậm chí, họ dùng nhiều chiêu trò truyền thông để thúc đẩy doanh thu, bất chấp chất lượng bộ phim. Đối với khán giả xem phim, vấn nạn seeding ảo, chê hay khen phim cùng nội dung nhan nhản trên mạng xã hội khiến họ càng lúc càng lúng túng trong việc đưa ra quyết định mua vé xem, lâu dần sẽ dẫn đến việc mất niềm tin đối với các sản phẩm phim ảnh nước nhà.

"Điều này, quay ngược lại, tiếp tục tạo nên áp lực cho các nhà làm phim, lại phải càng nỗ lực thực hiện các giải pháp truyền thông để lôi kéo khán giả, thay vì tập trung vào các vấn đề chuyên môn của dự án. Một vòng lặp tai hại, có thể kéo lùi chất lượng của cả nền điện ảnh nội địa", đạo diễn nhìn nhận.

Nguyên nhân lớn nhất, theo đạo diễn là do nền điện ảnh Việt Nam hiện nay thiếu các nhà phê bình phim có trình độ chuyên môn và thật sự khách quan trong việc đánh giá chất lượng dự án.

"Chúng ta chưa có nhiều những nhà lý luận phê bình điện ảnh được đào tạo chính quy bài bản. Điều đó khiến cho tiếng nói của các nhà phê bình phim trong nước thường đơn lẻ và dễ dàng bị truyền thông bóp nghẹt. Bất cứ một bộ môn nghệ thuật nào, ở bất cứ quốc gia nào, muốn lớn mạnh thì ngoài chuyện có đội ngũ làm công tác chuyên môn giỏi nghề, cũng cần có một đội ngũ lý luận, phê bình nghệ thuật giỏi không kém. Điều này giúp cho các sản phẩm nghệ thuật luôn có được những lời khen - chê đúng lúc, đúng chỗ. Và sự phản biện này chính là động lực để tạo nên sự phát triển cho cả ngành", đạo diễn trao đổi.

Bàn về giải pháp, Khoa Nguyễn cho rằng nhà nước cần có nhiều chính sách trợ lực cho các nhà làm phim, giúp việc sản xuất và phát hành phim trong nước được thuận lợi hơn. Nhà làm phim có cơ hội nhận được sự hỗ trợ về nguồn vốn, cơ chế để giúp việc giới thiệu tác phẩm được hiệu quả hơn. Điều này giúp giảm áp lực về tài chính cho các nhà sản xuất, tăng cao khả năng gọi đầu tư và khả năng thu hồi vốn. Từ đó, các nhà sản xuất, đạo diễn cho thể dành được nhiều nguồn lực vào công tác chuyên môn, thay vì chạy theo thị trường để giải quyết bài toán kinh doanh.

Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác đào tạo các ngành, các lĩnh vực liên quan đến lý luận phê bình nghệ thuật nói chung và điện ảnh nói riêng. Lâu dần, thị trường điện ảnh Việt sẽ tạo ra được các kênh lý luận phê bình vừa có trình độ chuyên môn, vừa khách quan, giúp khán giả, những người thưởng thức nghệ thuật nói chung. Và khán giả nói riêng, có những kênh tham khảo đáng tin cậy, giúp họ đưa ra những quyết định lựa chọn xem phim vừa phụ hợp với thị hiếu, nhu cầu cá nhân, vừa nâng cao được trình độ thưởng thức.

An Anh

Nguồn Znews: https://znews.vn/hang-van-nguoi-sap-bay-chieu-tro-pr-seeding-ban-cua-phim-viet-post1530758.html