Hàng vết lõm song song bí ẩn
Tọa lạc giữa các đụn cát tại một khu vực hẻo lánh ở vùng bờ biển đông bắc Qatar, Al Jassasiya là di chỉ nghệ thuật trên đá lớn nhất tại quốc gia Trung Đông này.
Một số hình vẽ giống như bò sát đang tắm nắng. Số khác khiến người ta liên tưởng tới trò ô ăn quan. Một số thì đến cả các chuyên gia cũng không thể hiểu ý nghĩa.
Từ nhiều thế kỷ trước, cư dân vùng bờ biển Qatar đã sử dụng thềm đá vôi làm “khung tranh” để vẽ nên những tác phẩm nghệ thuật trên đá - từ những hình ảnh trừu tượng tới những sự vật được họ quan sát từ môi trường xung quanh, theo CNN.
Các nhà khảo cổ học tìm thấy khoảng 900 “tác phẩm” tại Al Jassasiya. Phần nhiều trong số chúng là các vết đục lõm được sắp xếp theo một số hình thù nhất định - từ mũi tên, bông hoa đến những hình thù phức tạp hơn như con thuyền.
“Dù nghệ thuật trên đá là điều không hiếm gặp trên bán đảo Arab, một số bức chạm khắc tại Al Jassasiya rất độc đáo và không thể được tìm thấy ở một nơi nào khác”, ông Ferhan Sakal, lãnh đạo bộ phận khai quật khảo cổ và quản lý di tích của Bảo tàng Quốc gia Qatar, nói.
“Các bức chạm khắc thể hiện sự sáng tạo và kỹ năng quan sát đạt đến trình độ cao của những người nghệ sĩ sáng tác ra tác phẩm”, ông Sakal nói thêm. “Và cả suy nghĩ trừu tượng - khi họ không thể ngắm con thuyền từ trên cao”.
Những hình vẽ bí ẩn
Trên toàn bộ đất nước Qatar có tổng cộng 12 di chỉ khảo cổ nghệ thuật trên đá, hầu hết nằm ở khu vực ven biển.
Nằm cách thủ đô Doha khoảng một tiếng di chuyển, Al Jassasiya được phát hiện năm 1957. Hơn 15 năm sau đó, một nhóm nhà khảo cổ Đan Mạch tới đây nghiên cứu và hệ thống hóa một cách công phu từng bức vẽ trên đá.
Trong toàn bộ các hình thù được phát hiện, hơn một phần ba là các vết đục lõm có hình thù và kích thước khác nhau, tạo thành các hình dáng riêng biệt. Một trong những hình nổi bật nhất là hai hàng có bảy vết lõm song song. Một số người cho rằng đây là “sàn đấu” của một trò chơi tương tự ô ăn quan.
Tuy nhiên, giả định này bị một số người khác nghi ngờ. Họ chỉ ra một số vết lõm tại Al Jassasiya quá bé và không thể chứa đủ các viên đá, trong khi một số vết nằm ở sườn dốc - nơi không thích hợp để chơi.
Một số giả định khác có thể kể đến như đây là nơi để bói toán, để phân loại và lưu trữ ngọc trai, hay để tính toán thời gian và thủy triều.
“Khó có thể trả lời”, ông Sakal nhận định về mục đích các bức tranh đá được tạo ra. “Chúng tôi không có gợi ý trực tiếp nào về các mẫu hình thù tại Al Jassasiya. Theo quan điểm của tôi, chúng có thể có ý nghĩa và công năng về mặt nghi lễ”.
Chuyên gia này cũng cho rằng khó có thể xác định chính xác thời gian hình thành của các bức tranh đá.
“Các giả định về niên đại tương đối khác nhau, từ thời đồ đá mới tới thời kỳ Hồi giáo”, ông nói. “Cá nhân tôi cho rằng không phải các bức họa đều được tạo ra cùng một thời điểm”.
Một nghiên cứu trước đây trên 9 bức họa cho thấy chúng chỉ vài trăm tuổi. Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng nhận định cần thêm nghiên cứu để có thể xác định chính xác.
Cánh cửa nhìn về quá khứ
Tuy chưa thể xác định chính xác ý nghĩa và niên đại, giới khoa học tương đối nhất trí rằng những bức họa đáng chú ý nhất tại Al Jassasiya là hình những con thuyền. Chúng cho biết thông tin về loại thuyền được người xưa sử dụng để đánh cá và mò ngọc trai.
Khi nhìn từ trên cao, đa số bức tranh thuyền trên đá có dạng hình con cá với đuôi nhọn và mái chèo xếp thành hàng, được trang bị một vật dụng kim loại sắc nhọn. Nhiều điểm chi tiết cũng được thể hiện - như nơi gắn cột buồm và ván ngồi cho người chèo thuyền.
Trong một số bức tranh, mỏ neo cũng được thể hiện. Có hai loại mỏ neo xuất hiện: Kiểu truyền thống của người Arab (làm bằng đá, hình tam giác và có hai lỗ) và kiểu châu Âu (bằng kim loại, bắt đầu được sử dụng ở khu vực khoảng 700 năm trước).
Hình ảnh nhiều con thuyền cũng được xác định là thuyền tham gia hoạt động khai thác ngọc trai. Các chuyên gia chỉ ra tỷ lệ tranh vẽ thuyền tại Al Jassasiya cao hơn hẳn các di chỉ ven biển khác tại Qatar.
“Thuyền có vai trò quan trọng trong tín ngưỡng của người cổ đại. Họ coi đây là cách thức đi từ thế giới này sang thế giới tiếp sau”, hai tác giả Frances Gillespie và Faisal Abdulla Al-Naimi viết trong cuốn sách “Ẩn giấu trong cát: Khám phá quá khứ của Qatar”.
“Người Babylon và người Ai Cập cổ đại đều tin rằng người chết đi tới thế giới bên kia bằng thuyền. Thần thoại Hy Lạp nhắc đến người lái đò Charon chở linh hồn người chết qua sông Styx tới địa ngục”, hai tác giả viết. “Những bức chạm khắc hình thuyền thể hiện ký ức dân gian từ thời tiền sử”.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/hang-vet-lom-song-song-bi-an-post1421327.html