Hàng Việt chất lượng cao, thân thiện với môi trường 'lên ngôi'
Một cơ sở kinh doanh tại TP Tuy Hòa thường xuyên sử dụng hộp quà tặng từ giấy. Ảnh: VÕ PHÊ
Thời gian gần đây, người dân dần chuyển hướng sang sử dụng các sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước, thân thiện môi trường, đạt các tiêu chí chất lượng, công nghệ. Lựa chọn này góp phần phát triển bền vững thị trường trong nước, tổ chức hiệu quả hệ thống phân phối hàng hóa trên địa bàn.
Lựa chọn ưu tiên của nhiều người
Xu hướng tiêu dùng hiện nay tập trung nhiều vào hàng Việt Nam chất lượng cao, thân thiện với môi trường. Người tiêu dùng cũng đòi hỏi cao hơn về chất lượng, sự thông minh, tiện dụng của sản phẩm. Bằng chứng là trên thị trường xuất hiện ngày càng nhiều thực phẩm hữu cơ, VietGAP hay các sản phẩm bao bì, ly, ống hút, rổ… được làm từ nguyên liệu thiên nhiên để thay thế đồ nhựa dùng một lần, khó phân hủy.
Bà Trần Thị Bích Hoang, Phó Giám đốc Siêu thị Co.opmart Tuy Hòa cho biết: Khoảng 80% hàng hóa tại siêu thị là hàng Việt Nam chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn về sản phẩm được sản xuất tại các doanh nghiệp quy mô lớn. Nhiều sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, VietGAP như gạo, rau củ quả và các sản phẩm thân thiện môi trường khác như túi, bao cuộn thực phẩm, đồ dùng gia đình làm từ giấy, bã mía, mo cau…, tuy chưa thống kê cụ thể nhưng được bán ra với số lượng không nhỏ.
Nắm bắt nhu cầu của người dân, Siêu thị V’Mart (TP Tuy Hòa) cũng sử dụng các loại giỏ đựng quà tặng, trái cây, giấy gói bằng chất liệu tự hủy. Bà Phạm Thị Hằng Vy, chủ siêu thị này cho biết: Ngoài đồ dùng tự hủy, chúng tôi còn cung cấp hơn 40% thực phẩm tươi sống được trồng, sản xuất theo hướng hữu cơ, VietGAP… Số còn lại là hàng chất lượng cao, được kiểm định thường xuyên và đạt tiêu chuẩn về hàng hóa.
Theo các siêu thị, điểm bán, sử dụng sản phẩm xanh, thân thiện môi trường, chất lượng cao đã dần trở thành xu thế tiêu dùng mới, dự báo sẽ tăng trưởng mạnh trong thời gian tới. Ông Đỗ Ngọc Dũng (phường 3, TP Tuy Hòa) cho biết, các sản phẩm có chất lượng tốt thường truy xuất được nguồn gốc, thành phần và có thể giảm tác hại đến sức khỏe. Từ yếu tố đó, nhiều người dân sẵn sàng chi tiền thêm để mua sản phẩm hàng Việt chất lượng cao, thân thiện môi trường và các doanh nghiệp sẽ dần chuyển sang sản xuất những mặt hàng này để phục vụ người dùng.
Tăng cường tuyên truyền
Theo Sở Công Thương, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 do Chính phủ ban hành năm 2021 đã khẳng định tiêu dùng bền vững là một trong những mục tiêu cần thực hiện. Các ngành chức năng, địa phương cũng khuyến khích doanh nghiệp, cơ sở sản xuất các sản phẩm tự hủy, tái sử dụng, thân thiện với môi trường, nhằm hướng tới phát triển bền vững và tăng trưởng kinh tế xanh. Vấn đề là các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong nước, trong tỉnh cần có bước chuyển đổi tích cực, hướng đến mục tiêu “sản xuất xanh, sản xuất sạch” và “tiêu dùng bền vững”.
Bà Lê Thị Hằng, chủ một cơ sở bán quà tặng, đặc sản (phường 7, TP Tuy Hòa) nói: Những năm qua, cơ sở đa phần sử dụng các sản phẩm sản xuất bằng giấy, sợi, cói… tự hủy để gói quà tặng cho khách. Dù chi phí các loại sản phẩm này cao hơn so với sản phẩm nhựa nhưng cửa hàng không tính thêm tiền. Cửa hàng cũng liên tục làm mới sản phẩm để phục vụ nhu cầu người tiêu dùng.
Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Hồ Hồng Nam cho biết: Trong triển khai thực hiện đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” năm 2023, Ban Chỉ đạo tỉnh tập trung tuyên truyền, giới thiệu những sản phẩm thương hiệu Việt chất lượng, sản phẩm công nghiệp chủ lực, sản phẩm xanh, thân thiện môi trường. Thời gian tới, các ngành chức năng tiếp tục hỗ trợ các đơn vị thiết lập những chuỗi giá trị cung ứng hàng hóa thông suốt, tạo mối liên kết chặt chẽ từ người sản xuất đến người tiêu dùng. Có như vậy, sản phẩm có chất lượng, an toàn với môi trường sống mới phát triển bền vững, tạo hiệu quả cho hệ thống phân phối hàng hóa.
Theo kết quả cuộc khảo sát người tiêu dùng bình chọn hàng Việt Nam chất lượng cao 2023 do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao thực hiện từ tháng 9/2022 đến nay, các tỉnh, thành phố đã ghi nhận hơn 61.000 lượt bình chọn của người tiêu dùng thể hiện việc chú trọng vào yếu tố chất lượng, giá cả, an toàn sử dụng, nguồn gốc xuất xứ. Người tiêu dùng cũng ngày càng nhận thức rõ ràng đối với sản phẩm mình mua.