Hãng xe chuyển dịch sản xuất trước khi hàng rào thuế quan của Mỹ áp lên ô tô Trung Quốc

Các hãng xe lớn có động thái điều tiết sản xuất tại các thị trường trọng tâm nhằm thích ứng với hàng rào thuế quan mới của Mỹ áp lên các mẫu xe Trung Quốc.

Ô tô “made in China” vấp hàng rào thuế

Ngày 9/6, Volvo thông báo sẽ chuyển sản xuất hai mẫu xe EX30 và EX90 từ Trung Quốc sang Bỉ để đón đầu áp lực tăng thuế quan của EU.

Tin tức này xuất hiện chỉ vài ngày sau khi Volvo bắt đầu sản xuất EX90 tại Mỹ, trước khi thuế suất mới mà Chính phủ Mỹ áp dụng mức 100% lên xe điện Trung Quốc có hiệu lực.

Thị trường EU dự kiến sẽ áp thuế lên xe điện do Trung Quốc sản xuất tới 30% hoặc cao hơn. Ủy ban châu Âu có thể thông báo cho Trung Quốc về kế hoạch thuế quan sớm nhất là trong tuần này.

Các hãng xe khác của Mỹ và châu Âu đang sản xuất tại Trung Quốc cũng đang cân nhắc bài toán sản xuất ở đâu, khi hàng rào thuế quan được “dựng lên” khắp nơi với xe Trung Quốc.

Công nhân lắp ráp xe Volvo EX30 tại nhà máy ở Thành Đô (Trung Quốc). Ảnh: Volvo.

Công nhân lắp ráp xe Volvo EX30 tại nhà máy ở Thành Đô (Trung Quốc). Ảnh: Volvo.

Không chỉ với xe điện, các bộ phận chủ chốt của xe như pin, do các hãng cung ứng pin hàng đầu Trung Quốc như CATL, Gotion High Tech cũng bị đe dọa áp những mức thuế suất rất cao.

Cụ thể, ngày 14/5, Chính phủ Mỹ loan báo kế hoạch tăng gấp ba lần mức thuế đối với pin xe điện và các bộ phận pin của Trung Quốc, từ 8% lên 25%.

Thậm chí, than chì, nam châm vĩnh cửu được sử dụng trong động cơ EV và các vật liệu trong xe điện khác sẽ bị tăng thêm 25% thuế.

Lý do, “hàm lượng Trung Quốc” là khái niệm mà các nhà sản xuất ô tô và chuỗi cung ứng e dè, vì tỷ trọng của hàm lượng này ngày một tăng trong ô tô.

Bảo hộ thuế quan ngày một gắt gao

Theo dữ liệu gần đây nhất của chính phủ Mỹ, các nhà sản xuất ô tô Mỹ đã xuất khẩu 155.337 xe trị giá 6,3 tỷ USD sang Trung Quốc vào năm 2021.

Trong cùng năm đó, Trung Quốc chỉ xuất khẩu 64.067 xe sang Hoa Kỳ, trị giá 1,45 tỷ USD.

Thuế trả đũa của Trung Quốc nhắm vào xe Mỹ có thể gây tổn hại cho công nhân nhà máy lắp ráp BMW ở bang Nam Carolina, nơi xuất khoảng 25.000 xe tới Trung Quốc mỗi năm, hoặc Mercedes-Benz có nhà máy ở bang Alabama chuyên sản xuất xe SUV điện bán sang Trung Quốc.

Bất chấp thuế quan, những chuyến tàu chở ô tô Trung Quốc vẫn liên tục rời cảng đi Mỹ và EU. Ảnh: BYD.

Bất chấp thuế quan, những chuyến tàu chở ô tô Trung Quốc vẫn liên tục rời cảng đi Mỹ và EU. Ảnh: BYD.

Một số nhà phân tích cho biết, cuộc chiến thương mại về công nghệ sạch giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc cũng có thể làm tăng chi phí của xe điện, pin và phần cứng xe điện khác, khiến giá xe điện nói chung ở mức cao.

Xe điện mang nhãn hiệu Mỹ, chẳng hạn như Mustang Mach-E hoặc Tesla, vẫn có hàm lượng Trung Quốc từ 30 - 51%, theo dữ liệu của Bộ Giao thông vận tải Mỹ.

Tại Đông Nam Á, thành trì của các hãng xe Nhật Bản nhưng họ liên tục điều tiết sản xuất, thậm chí đóng cửa bớt nhà máy ở Thái Lan để củng cố sản xuất tại quê hương.

Subaru và Suzuki mới đây thông báo dừng sản xuất ở Thái Lan để tập trung cho sản xuất và xuất khẩu từ Nhật Bản.

Các động thái điều tiết sản xuất toàn cầu cho thấy chính sách bảo hộ bằng thuế quan đối với ô tô ngày càng gắt gao, do xe điện “có hàm lượng Trung Quốc” gây sức ép mạnh mẽ lên các hãng xe toàn cầu.

Lam Anh

Nguồn Xe Giao Thông: https://xe.baogiaothong.vn/hang-xe-chuyen-dich-san-xuat-truoc-khi-hang-rao-thue-quan-cua-my-ap-len-o-to-trung-quoc-192240610222617645.htm