Hãng xe phương Tây đua nhau giảm chi phí để ngăn chặn cuộc 'đổ bộ' xe Trung Quốc giá rẻ

Các lãnh đạo ngành công nghiệp ô tô phương Tây đang đau đầu khi xe điện giá rẻ Trung Quốc ngày càng tràn ngập thị trường châu Âu. Mối lo đó đã khiến nhiều hãng xe châu Âu quyết tâm cắt giảm chi phí sản xuất để nâng cao sức cạnh tranh, với hãng Renault của Pháp tuyên bố đặt mục tiêu cắt giảm 40% chi phí sản xuất các mẫu xe điện.

Hãng xe Renault của Pháp đặt mục tiêu cắt giảm 40% chi phí sản xuất các mẫu xe điện kể từ năm 2027. Ảnh: Bloomberg

Hãng xe Renault của Pháp đặt mục tiêu cắt giảm 40% chi phí sản xuất các mẫu xe điện kể từ năm 2027. Ảnh: Bloomberg

Tại cuộc họp báo thông báo kết quả kinh doanh quí 2 hôm 27-7, Thierry Pieton, Giám đốc tài chính của Renault, nhấn mạnh, cách tốt nhất để chống lại sự cạnh tranh về giá là Renault phải cắt giảm chi phí sản xuất và phát triển.

Renault đã có lãi ròng trở lại trong sáu tháng tính đến tháng 6, ghi nhận thu nhập ròng 2,12 tỉ euro so với khoản lỗ 1,68 tỉ euro trong nửa đầu năm 2022. Khoản lỗ này là kết quả của quyết định chấm dứt các hoạt động tại Nga sau khi chiến sự Ukraine nổ ra.

“Đây là kết quả từ những nỗ lực liên tục của chúng tôi nhằm giảm chi phí trong ba năm qua và chiến lược của chúng tôi tập trung vào giá trị kết hợp với những lợi ích từ chiến dịch ra mắt các sản phẩm mới lớn chưa từng có”, Luca de Meo, CEO của Renault, nói.

Ông cho biết, công ty đặt mục tiêu giảm 40% chi phí sản xuất xe điện kể năm 2027. Ông bày tỏ lạc quan rằng, chi phí sản xuất sẽ thấp hơn đáng kể từ nửa cuối năm nay, nhờ chi phí nguyên vật liệu giảm.

“Rõ ràng là chúng tôi đang tham gia cuộc cạnh tranh và thời gian là điều cốt yếu”, ông nói.

Trong một diễn bán khác, hôm 26-7, Renault và Nissan (Nhật Bản) thông báo họ đã hoàn tất tái cấu trúc mối quan hệ liên minh. CEO của Nissan, Makoto Uchida cho biết, thách thức ngày càng gia tăng từ các đối thủ Trung Quốc là lời cảnh tỉnh để hai bên tái khởi động mối quan hệ liên minh trong bối cảnh ngành công nghiệp ô tô đang chuyển dịch mạnh mẽ sang xe điện.

Bán xe điện với giá cả phải chăng đã trở thành ưu tiên hàng đầu của các nhà sản xuất ô tô trên toàn thế giới khi làn sóng chuyển đổi sang xe năng lược sạch vấp phải cản lực giá cả cao, phần lớn là do chi phí pin.

Các hãng xe Trung Quốc như BYD và SAIC đã đầu tư rất nhiều vào xe điện, sử dụng chi phí lao động thấp hơn và các nhà cung cấp pin trong nước để có một khởi đầu thuận lợi hơn nhiều so với các đối thủ phương Tây

Theo ước tính của hãng tư vấn Inovev, trong năm 2022, các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc chiếm 9% thị phần xe điện ở châu Âu, gần gấp đôi so với năm trước. Và tốc độ ‘phủ sóng’ xe điện Trung Quốc ở lục địa này tiếp tục tăng nhanh.

Giống như các nhà sản xuất xe điện khác, Renault cũng đối mặt với áp lực gia tăng từ đối thủ Tesla của Mỹ, vốn tung ra nhiều đợt giảm trong năm nay. Chẳng hạn, Tesla đã giảm 25% giá bán mẫu xe điện có phạm vi vận hành xa Model Y tại Mỹ, xuống còn 50.490 đô la Mỹ.

Chiến lược giảm giá đã gây ra tác động rõ ràng. Tesla và thương hiệu MG của SAIC dẫn đầu thị phần xe điện ở châu Âu trong nửa đầu năm nay, theo các nhà nghiên cứu củaJato Dynamics,

Hôm 26-7, Carlos Tavares, CEO của Tập đoàn ô tô Stellantis (Hà Lan), chủ sở hữu của các thương hiệu như Peugeot, Fiat và là nhà sản xuất ô tô lớn thứ 4 thế giới, cảnh báo cuộc cạnh tranh với các hãng xe Trung Quốc sẽ trở nên “cực kỳ khốc liệt”.

“Khả năng cạnh tranh chi phí của các hãng xe Trung Quốc tốt hơn 25% so với chúng tôi. Chúng tôi phải chiến đấu”, Tavares nói, đồng thời mô tả sự làn sóng xuất khẩu xe Trung Quốc sang châu Âu như “một cuộc xâm chiếm”.

“Chúng tôi cần sử dụng chi phí hiệu quả để đảm bảo rằng chúng tôi tiếp tục tạo ra lợi nhuận với giá bán xe phải chăng cho tầng lớp khách hàng trung lưu của chúng tôi”, ông nói tiếp.

Tavares cho rằng, các hãng phương Tây cần sử dụng “cùng một loại vũ khí” như các đối thủ Trung Quốc. Chẳng hạn, tìm nguồn cung ứng phụ tùng và linh kiện ở các nước có chi phí thấp hơn và thiết lập quan hệ đối tác với các nhà cung cấp pin.

Tavares nói: “Điều đó có nghĩa là chúng tôi tìm nguồn cung ứng cho phép chúng tôi bán những chiếc xe điện Citroën C3 với giá 25.000 euro hoặc thấp hơn nhưng vẫn có lãi”.

Đến năm 2030, Stellantis đặt mục tiêu tất cả doanh số bán ô tô mới ở châu Âu đều là xe điện và trên toàn cầu, xe chạy bằng pin chiếm hơn một nửa doanh số của tập đoàn này, so với 3% vào năm 2021.

Trong sáu tháng đầu năm 2023, lợi nhuận hoạt động của Stellantis tăng 11% lên 14,1 tỉ euro. Stellantis ghi nhận doanh số xe điện tăng 28% trong cuing kỳ.

Hôm 27-7, Volkswagen (Đức) thông báo cắt giảm mục tiêu doanh số cả năm 2023 và cam kết cải thiện vị thế tiền mặt trong nửa cuối năm bằng cách tăng giá và cắt giảm chi phí khi hãng tìm cách ứng phó sự cạnh tranh gay gắt ở Trung Quốc, thị trường hàng đầu của hãng.

Giám đốc tài chính Arno Antlitz cho biết mục tiêu doanh số của Volkswagen trong năm nay sẽ giảm từ 9-9,5 triệu xe so với 9,5 triệu đặt ra trước đó.

Antlitz nói rằng, “các chương trình cải thiện hiệu suất” ở mỗi thương hiệu của Volkswagen được thực hiện trong thời gian qua sẽ mang lại kết quả trong năm nay.

Hôm trước đó, Volkswagen cho biết sẽ đầu tư 700 triệu đô la vào hãng xe Xpeng của Trung Quốc, và hai bên sẽ hợp tác sản xuất xe điện để tung ra nhiều sản phẩm mới ở thị trường ô tô lớn nhất thế giới.

Trong cuộc họp gần đây với 2.000 quản lý cấp cao, CEO của phân khúc xe con của Volkswagen, Thomas Schäfer, đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc chi phí đang tăng mạnh và ví điều này giống như “mái nhà đang cháy”. Ông kỳ vọng các chương trình hiệu cải thiện hiệu suất sẽ giúp Volkswagen tiết kiệm 10 tỉ euro chi phí trong ba năm tới.

Theo Reuters, Financial Times

Lê Linh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/hang-xe-phuong-tay-dua-nhau-giam-chi-phi-de-ngan-chan-cuoc-do-bo-xe-trung-quoc-gia-re/