Hàng xóm không biết tên dù gặp mặt nhiều năm

32 tuổi, Frank đến Manhattan được vài năm nhưng có cảm giá ngôi nhà mình tự hào mua được giống quan tài hơn tổ ấm khi mỗi ngày đi ngang qua hàng xóm thấy họ đều như gặp lần đầu.

New York, năm 2019. Mỗi khi rời khỏi thành phố, Frank đều tháo bức ảnh người cha quá cố của mình xuống và cất nó vào một chiếc tủ khóa chặt cùng những vật có giá trị khác để “bảo vệ” chúng khỏi vị khách Airbnb mà chỉ một vài tiếng nữa sẽ ngủ trên giường anh.

Đây không phải là viễn cảnh mà anh chàng 32 tuổi này đã dự tính khi chuyển đến Manhattan vài năm trước đó, với hy vọng về một sự nghiệp thành công rực rỡ trong lĩnh vực thiết kế đồ họa. Tuy nhiên, sự trỗi dậy của nội dung được cung cấp thông qua kỹ thuật số và việc cắt giảm ngân sách cho quảng cáo và truyền thông bằng báo in diễn ra sau đó đã dẫn đến làn sóng sa thải mạnh trong lĩnh vực của anh.

Vì vậy, vào năm 2018, với tâm thế có phần miễn cưỡng, anh đã tham gia vào nền kinh tế gig, tìm kiếm việc làm trên Upwork hoặc Fiverr, hoặc đôi khi thông qua truyền miệng. Cho người lạ lưu trú ở nhà mình thông qua Airbnb là cách duy nhất để anh có thể chi trả cho một chuyến du lịch. Sự bất an về công ăn việc làm và liệu anh có thể tiếp tục trả tiền thuê nhà hay không là nỗi lo lắng thường trực của anh.

Dạng bấp bênh về kinh tế này chắc hẳn là một thách thức khó khăn đối với bất kỳ ai, nhưng đối với Frank, điều khiến cuộc sống trở nên khó khăn hơn chính là sống trong thành phố này.

Lúc đầu, anh đã rất tự hào khi đặt cọc cho bất động sản đầu tiên của mình, một căn hộ studio nhỏ nằm trên tầng cao ở khu trung tâm. Nhưng chẳng bao lâu sau, việc trở về cái tổ trống rỗng của mình vào mỗi buổi tối, hoặc tệ hơn, mắc kẹt ở đó cả ngày để làm việc, anh tâm sự, thường mang lại cho anh cảm giác đây là một chiếc quan tài hơn là một tổ ấm.

Nhất là vì trong tòa nhà này không có một người nào mà anh quen đủ thân để có thể ghé vào uống một tách cà phê, chứ đừng nói đến một người mà anh có thể trút bầu tâm sự trên bàn nhậu sau khi kết thúc một ngày làm việc.

Vì mặc dù đã sống trong tòa nhà này được vài năm, tình hình không phải “chỉ đơn giản là không có người hàng xóm nào biết tên tôi”, mà là “mỗi khi tôi đi ngang qua họ trong hành lang hoặc thang máy, họ luôn cư xử như thể đây là lần đầu tiên họ nhìn thấy tôi vậy”.

 Ảnh: Antonio Sokic/Pexels.

Ảnh: Antonio Sokic/Pexels.

Đối với tôi, việc những người sống trong tòa nhà chung cư của Frank không biết tên nhau một cách đầy lạnh lùng như vậy dường như là một mô hình thu nhỏ của trai nghiệm của anh về cuộc sống ở đại đô thị nói chung. “Ở đây chẳng ai biết cười cả”, anh nói về Manhattan. Đầu cắm vào điện thoại, những chiếc fitbit theo dõi nhịp đi trên cổ tay, vẻ mặt lúc nào cũng đăm chiêu hoặc nhăn nhó, thành phố này tạo cho anh cảm giác không ngừng nghỉ, thù địch và khắc nghiệt.

Nếu không có cô nhân viên phục vụ người Sudan thân thiện tại quán cà phê gần nhà, nơi anh thỉnh thoảng mang laptop ra ngồi làm việc, anh nói với tôi rằng anh có thể sẽ không nói chuyện với bất kỳ ai trong một vài ngày.

Frank cũng nói về việc kết bạn là một chuyện khó khăn đến mức nào trong một thành phố nơi mọi người dường như đều bận rộn, vội vã, tập trung cho sự thăng tiến của bản thân đến mức dường như không có thời gian để dừng lại và trò chuyện, kết bạn mới hoặc nuôi dưỡng các mối quan hệ hiện có.

Kết quả là, anh thường xuyên dành cả buổi tối để nhắn tin cho “một cô gái nào đó trên Tinder”, không phải vì anh thực sự muốn đi gặp cô ấy - anh cảm thấy đó là một việc quá tốn sức - mà chỉ để có một ai đó để “trò chuyện”, một sự tiếp xúc nào đó với con người để giúp giảm bớt sự cô đơn mà anh đang cảm thấy

. Và mặc dù thành phố nhỏ ở miền Trung Tây nước Mỹ nơi anh sống trước đây đã khiến anh cam thấy ngột ngạt, và mặc dù New York là nơi mà anh đã cảm thấy mình “phải đến” để có cơ hội “làm nên” sự nghiệp, nhưng rõ ràng là giờ đây anh đang cảm thấy lạc lõng khi sống ở một nơi mà anh không biết gì về những người hàng xóm của mình, và một nơi mà vô số người khác đang đi ngang qua anh trên vỉa hè mỗi ngày mà không có hề nhận thức được sự tồn tại của anh.

Vì khi Frank nói về “những điều tốt đẹp ở quê nhà”, và hơn hết là khi anh hồi tưởng về quãng thời gian đảm nhiệm vai trò lãnh đạo trong câu lạc bộ thanh niên địa phương, tôi có thể thấy qua giọng nói đầy hào hứng và nhiệt huyết của anh là đối với Frank, cảm giác thuộc về một cộng đồng là thứ mà anh đã đánh mất và nhớ da diết khi chuyển đến New York sống.

Noreena Hertz/NXB Trẻ

Nguồn Znews: https://znews.vn/hang-xom-khong-biet-ten-du-gap-mat-nhieu-nam-post1454998.html