Hàng xuất khẩu Việt Nam bị khởi xướng điều tra nhiều tại Mỹ, Ấn Độ, Indonesia
Đến hết tháng 12/2023, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam là đối tượng của 242 vụ việc điều tra liên quan đến phòng vệ thương mại, trong đó, quốc gia khởi xướng nhiều nhất là Mỹ, Ấn Độ, Indonesia, Australia, Thổ Nhĩ Kỳ...
Báo cáo thường niên Phòng vệ thương mại năm 2023 của Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) vừa công bố cho hay: tính đến hết tháng 12/2023, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam là đối tượng của 242 vụ việc điều tra liên quan đến phòng vệ thương mại.
Riêng trong năm 2023 đã phát sinh 15 vụ việc mới do nước ngoài khởi xướng với hàng hóa xuất khẩu nước ta, bên cạnh nhiều vụ việc đang trong quá trình điều tra, hoặc thuộc diện rà soát hàng năm, rà soát cuối kỳ.
Trong số các quốc gia khởi xướng điều tra với hàng hóa Việt Nam năm qua, Mỹ là quốc gia tiến hành khởi xướng điều tra nhiều nhất với 7 vụ việc, trong đó có 4 vụ điều tra chống bán phá giá (CBPG), 1 vụ việc điều tra chống trợ cấp (CTC) và 2 vụ việc điều tra phạm vi sản phẩm/chống lẩn tránh thuế PVTM (CLT).
Các mặt hàng bị điều tra đa dạng gồm các sản phẩm như nhôm đùn, dây cáp nhôm, giá để đồ bằng thép, bánh xe kéo bằng thép, máy xịt rửa áp lực cao, túi giấy, tôm...
Ngoài ra, Mỹ cũng tiến hành rà soát một số biện pháp PVTM đã áp dụng trước đó, như rà soát hành chính thuế CTC với lốp xe, rà soát hành chính thuế CBPG với mật ong nhập khẩu từ Việt Nam (trong đó có xem xét vấn đề kinh tế thị trường của Việt Nam).
Tổng thể, đến hết tháng 12/2023, Mỹ đã điều tra 59 vụ việc phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, chiếm khoảng gần 25% tổng số vụ việc nước ngoài điều tra với hàng Việt.
Ấn Độ cũng là quốc gia tiến hành tới 31 vụ việc PVTM với hàng Việt Nam. Trong năm 2023, Ấn Độ tiếp tục tiến hành các vụ việc điều tra CBPG mới với ống thép hàn không gỉ và các vụ viêc rà soát biện pháp PVTM đối với ống thép hàn không gỉ, ống đồng, hạt nhựa PVC.
Với thị trường Canada, tính đến hết tháng 6/2023, nước này đã điều tra 18 vụ việc PVTM với hàng Việt Nam. Năm 2023, nước này không điều tra mới mà chỉ tiến hành rà soát đối với một số sản phẩm đang thuộc diện áp dụng biện pháp PVTM.
Hiện, Canada đang áp dụng thuế với 7 mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam bao gồm: ống thép hàn cacbon, thép cán nguội, thép cốt bê tông, khớp nối bằng ống đồng, thép tấm chống ăn mòn, ống đúc dẫn dầu và ghế bọc đệm.
Thị trường Mexico dù mới được các doanh nghiệp Việt tăng tốc xuất khẩu từ khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực, nhưng đã phát sinh một số vụ việc Mexico khởi xướng điều tra. Theo đó, Mexico đã điều tra 3 vụ việc CBPG với Việt Nam, gồm: thép mạ (khởi xướng năm 2021), thép cuộn cán nguội (khởi xướng năm 2022) và dây hàn (khởi xướng năm 2023).
Trong số các quốc gia đối tác thành viên của ASEAN, 4 quốc gia sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại với Việt Nam, bao gồm Malaysia, Indonesia và Philippines và Thái Lan.
Trong đó, Malaysia đã điều tra 10 vụ việc phòng vệ thương mại liên quan đến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Kể từ năm 2021, Malaysia không khởi xướng điều tra vụ việc mới với Việt Nam. Hiện nay Malaysia đang áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại với 7 sản phẩm của Việt Nam, chủ yếu là các sản phẩm thép.
Dữ liệu đến hết tháng 6/2023, Indonesia đã điều tra 14 vụ việc phòng vệ thương mại liên quan đến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Philippines đã tiến hành điều tra 14 vụ việc phòng vệ thương mại liên quan đến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Thái Lan đã tiến hành điều tra 8 vụ việc liên quan đến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, bao gồm 6 vụ việc chống bán phá giá và 2 vụ việc tự vệ.
Với thị trường Đông Bắc Á, tính đến tháng 6/2023, Hàn Quốc đã điều tra và áp dụng 4 biện pháp chống bán phá giá với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam.
Thị trường Australia đã điều tra 18 vụ việc phòng vệ thương mại liên quan đến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Thổ Nhĩ Kỳ đã điều tra 26 vụ việc phòng vệ thương mại liên quan đến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Chỉ ra nguyên nhân khiến hàng hóa xuất khẩu bị khởi kiện PVTM ngày càng nhiều, Bộ Công thương cho hay, Việt Nam là nền kinh tế mở, đã và đang tham gia đàm phán, ký kết nhiều FTA quan trọng, mở ra cơ hội lớn cho xuất khẩu. Sự vươn lên của các trung tâm sản xuất hàng hóa mới nổi như Việt Nam với thế mạnh hàng hóa có giá cả phải chăng, đạt tiêu chuẩn chất lượng đã làm cho nhiều thị trường nhập khẩu, đặc biệt là một số nền kinh tế phát triển áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại với tần suất cao hơn.
Chưa hết, với sự tăng trưởng của kim ngạch xuất khẩu trong thời gian qua, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục phải đối mặt với nhiều vụ việc điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại của nước ngoài.
Thực tế, các vụ việc có xu hướng điều tra khắt khe hơn, các nước đang có xu hướng thắt chặt, đưa ra các yêu cầu cao hơn đối với chính phủ, doanh nghiệp bị điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. Tính chất các vụ việc cũng sẽ ngày càng phức tạp, khó khăn hơn trong ứng phó, xử lý.
Để hỗ trợ doanh nghiệp, Cục Phòng vệ thương mại tiếp tục sử dụng hệ thống cảnh báo sớm để đưa ra những dự báo từ sớm, từ xa, để doanh nghiệp chủ động hơn trong việc chuẩn bị nguồn lực, xây dựng kế hoạch ứng phó hiệu quả với các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài.