Hành động để không còn lao động trẻ em!

Thế giới đạt được nhiều tiến bộ trong việc giảm thiểu lao động trẻ em, nhưng cũng đang chứng kiến các xu hướng toàn cầu bị đảo ngược.

Thế giới đạt được nhiều tiến bộ trong việc giảm thiểu lao động trẻ em, nhưng cũng đang chứng kiến các xu hướng toàn cầu bị đảo ngược. (Ảnh minh họa)

Thế giới đạt được nhiều tiến bộ trong việc giảm thiểu lao động trẻ em, nhưng cũng đang chứng kiến các xu hướng toàn cầu bị đảo ngược. (Ảnh minh họa)

Ngày thế giới Chống lao động trẻ em (12/6) năm nay đánh dấu kỷ niệm 25 năm thông qua Công ước số 182 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất (1999). Đây là cơ hội để nhắc nhở tất cả các bên liên quan cải thiện việc thực hiện hai Công ước cơ bản của ILO về lao động trẻ em: Công ước số 182 và Công ước số 138 về độ tuổi tối thiểu được đi làm việc (1973).

Trong những năm gần đây, thế giới đạt được nhiều tiến bộ trong việc giảm thiểu lao động trẻ em, nhưng cũng đang chứng kiến các xu hướng toàn cầu bị đảo ngược. Với việc thông qua Mục tiêu phát triển bền vững 8.7 của Liên hợp quốc, cộng đồng quốc tế đã cam kết xóa bỏ lao động trẻ em dưới mọi hình thức vào năm 2025.

Tại Việt Nam, theo thống kê của Cục Trẻ em, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, hiện có khoảng 1 triệu trẻ em dưới 17 tuổi đang phải lao động trái pháp luật, chiếm 5,3% tổng số trẻ em trong cả nước, trong đó, hơn 500.000 trẻ em phải làm việc trong những điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Trong số lao động trẻ em chỉ có 45,2% tiếp tục đi học, 52% đã thôi học và 2,8% chưa bao giờ đi học. Đây là những con số đáng suy nghĩ đối với các nhà hoạch định chính sách và cũng là thách thức không nhỏ trong việc bảo đảm quyền trẻ em nói chung và quyền của lao động trẻ em nói riêng.

Trong những năm qua, Việt Nam đã xây dựng, hoàn thiện các quy định của pháp luật và thực hiện nhiều chính sách đồng bộ nhằm bảo vệ trẻ em và giảm thiểu lao động trẻ em. Trẻ em là nhóm đối tượng được coi trọng đặc biệt trong các chính sách an sinh xã hội nhằm tạo điều kiện cho các em tiếp cận những cơ hội tốt nhất có thể, nhất là cơ hội học tập, qua đó góp phần phòng ngừa và giảm tỷ lệ lao động trẻ em trong các ngành nghề khác nhau.

Trên cơ sở đó, nhiều chương trình, chính sách xã hội mang tính nhân văn và có ý nghĩa lâu dài đã và đang được áp dụng cho trẻ em trên phạm vi toàn quốc. Đáng chú ý, Chương trình quốc gia về phòng ngừa và giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với ba nhóm mục tiêu cốt lõi: ngăn ngừa và phát hiện các trường hợp lao động trẻ em trái pháp luật, hỗ trợ và can thiệp cho trẻ em tham gia lao động trái pháp luật và trẻ em có nguy cơ; nâng cao nhận thức về phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em. Chương trình đặt mục tiêu giảm tỷ lệ lao động trẻ em từ 5-17 tuổi xuống dưới 4,9% vào năm 2025 và 4,5% vào năm 2030.

Để không còn lao động trẻ em, bên cạnh những chính sách thiết thực từ Nhà nước, cần sự đoàn kết của cộng đồng, thực hiện các biện pháp một cách quyết liệt, nêu cao vai trò của gia đình và xã hội trong phòng ngừa lao động trẻ em.

Không chỉ là câu chuyện ở Việt Nam, lao động trẻ em là vấn đề toàn cầu, đòi hỏi tất cả các quốc gia trên thế giới chung tay đẩy lùi tình trạng này. Các nước cần thực hiện chính sách đồng bộ để hỗ trợ luật pháp quốc gia về lao động trẻ em; các tổ chức quốc tế, chính phủ, nghiệp đoàn, chủ lao động cần chung tay giải quyết tận gốc vấn đề, bảo đảm các em được hưởng đầy đủ các quyền và phát triển chính đáng.

Trong bối cảnh thời hạn thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững 8.7 đang đến gần, hơn bao giờ hết, đây là lúc thế giới phải chung sức để đẩy nhanh hành động hướng tới chấm dứt lao động trẻ em dưới mọi hình thức vì tương lai của chính các em, cũng như sự phát triển bền vững của đất nước.

Thu Trang

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/hanh-dong-de-khong-con-lao-dong-tre-em-274828.html