Hành động để văn hóa Óc Eo vươn tầm thế giới
Di tích văn hóa Óc Eo được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt vào năm 2012. Năm 2013 Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh quyết định thành lập Ban Quản lý Di tích văn hóa Óc Eo. Hiện công tác bảo tồn di tích được thực hiện chặt chẽ bởi đội ngũ chuyên viên của ban quản lý, với sự tham gia tư vấn của các chuyên gia của Việt Nam và quốc tế, giúp các hiện vật, dấu tích của nền văn hóa Óc Eo được gìn giữ trong điều kiện tốt nhất.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lê Trung Hồ (thứ tư, từ trái qua) khảo sát thực tế và làm việc với Ban Quản lý Di tích văn hóa Óc Eo
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trung Hồ khẳng định, văn hóa Óc Eo là một di sản vô cùng quý giá, là niềm tự hào không chỉ của An Giang mà còn của cả Việt Nam. Việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản này không chỉ là trách nhiệm mà còn là mệnh lệnh từ lịch sử.
Nâng tầm giá trị di sản
Ban Quản lý Di tích văn hóa Óc Eo đặc biệt chú trọng thúc đẩy công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực di sản. Việc hợp tác với nhiều tổ chức khoa học quốc tế từ các quốc gia như Hàn Quốc, Pháp, Ấn Độ… mở ra cơ hội để trao đổi kinh nghiệm, tiếp cận công nghệ bảo tồn tiên tiến và cùng nghiên cứu sâu hơn về nền văn hóa bí ẩn này.
Một trong những cột mốc quan trọng trong quá trình phát huy giá trị di sản là việc Nhà trưng bày Văn hóa Óc Eo khánh thành và đi vào hoạt động năm 2016. Đây là nơi lưu giữ và trưng bày hàng ngàn hiện vật quý giá, gắn liền với các hoạt động quản lý, sưu tầm, bảo tồn và phát huy giá trị của các bộ sưu tập hiện vật văn hóa Óc Eo ở tỉnh An Giang.
Hiện, nhà trưng bày đang lưu giữ, bảo quản khoảng 15.000 hiện vật, nhóm hiện vật gốc, tiêu bản cùng với 3.006 danh mục hiện vật và hàng triệu mẫu hiện vật do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức khai quật, khảo cổ theo đề án từ năm 2017 - 2020. Đặc biệt, nhà trưng bày đang quản lý 4 bảo vật quốc gia gồm: Đầu tượng Phật Linh Sơn Bắc, mộ vò gò Cây Trâm, phù điêu Phật Linh Sơn Bắc và nhẫn bò Nandin.
Bên cạnh các hoạt động trưng bày, triển lãm trong nước, các chương trình triển lãm quốc tế được thực hiện nhằm mang các hiện vật văn hóa Óc Eo ra nước ngoài để quảng bá. Từ năm 2019 - 2020, đơn vị tổ chức 2 cuộc triển lãm quốc tế tại Bảo tàng Seoul Baekje và Viện Nghiên cứu Di sản văn hóa biển tại Hàn Quốc, giới thiệu 12.715 hiện vật gốc của văn hóa Óc Eo, phục vụ hàng chục ngàn lượt khách quốc tế tham quan, tìm hiểu. Đây không chỉ là cầu nối văn hóa mà còn là cơ hội để khẳng định vị thế của di sản văn hóa Óc Eo trên bản đồ di sản thế giới.
Tăng tốc cho mục tiêu di sản thế giới
Mục tiêu cao nhất của An Giang hiện nay là xây dựng thành công hồ sơ di sản thế giới cho Khu di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê. Để đạt được mục tiêu này, các gói thầu chính đang được triển khai khẩn trương. Đến ngày 21/6/2025, gói thầu số 5 về khoanh vùng, cắm mốc bảo vệ đã hoàn thành 100% hạng mục và được nghiệm thu, đây là bước tiến quan trọng trong việc xác định ranh giới và bảo vệ khu di tích. Gói thầu số 3 về lập hồ sơ đề cử và kế hoạch quản lý đạt 26%, trong khi gói thầu số 4 về truyền thông, quảng bá đạt 10%. Dù đã có những kết quả nhất định, tiến độ chung vẫn cần được đẩy nhanh hơn nữa để kịp thời hạn.
Trong chuyến khảo sát thực tế và làm việc trực tiếp với Ban Quản lý Di tích văn hóa Óc Eo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trung Hồ đưa ra những chỉ đạo cụ thể và quyết liệt, trong đó đề nghị ban quản lý và các sở, ngành liên quan kiện toàn lại nhân sự ban chỉ đạo và thành lập Ban điều hành của tỉnh để tăng cường sự chỉ đạo, điều hành trực tiếp, xuyên suốt đối với nhiệm vụ xây dựng hồ sơ di sản thế giới. Đồng chí Lê Trung Hồ yêu cầu Ban Quản lý Di tích văn hóa Óc Eo và các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ với các nhà thầu, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các gói thầu còn lại, nhất là gói thầu số 3 (lập hồ sơ đề cử và kế hoạch quản lý) và gói thầu số 4 (truyền thông, quảng bá). Đây là hai gói thầu mang tính quyết định trong việc hoàn thiện hồ sơ và tạo hiệu ứng truyền thông cần thiết.
Sở Văn hóa và Thể thao và Sở Du lịch tham mưu UBND tỉnh có văn bản đề nghị Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tiếp tục xây dựng đề án chỉnh lý, lập hồ sơ khoa học và bảo tồn các hiện vật, mẫu vật đã khai quật giai đoạn 2017 - 2020. Đây là công việc cấp thiết để hệ thống hóa tư liệu và đảm bảo giá trị lâu dài của di sản, phục vụ cho công tác nghiên cứu chuyên sâu và xây dựng hồ sơ di sản thế giới. Ban Quản lý dự án, Sở Xây dựng phối hợp với Ban Quản lý Di tích văn hóa Óc Eo khẩn trương triển khai xây dựng mái che tại các điểm di tích đã khai quật để bảo vệ hiện vật và phục vụ tốt hơn công tác nghiên cứu, tham quan.
Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/hanh-dong-de-van-hoa-oc-eo-vuon-tam-the-gioi-a424720.html