Tạ Văn Sỹ - Những câu thơ bất chợt

Quen tên nhau đã lâu, nhưng gặp anh Tạ Văn Sỹ, với tôi cũng chỉ là bất chợt, khi Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức một đợt sáng tác cho các hội viên tại Quảng Ngãi. Anh tặng tôi cả 8 tập sách, trong đó có đến 6 tập thơ. Tôi lẳng lặng đọc để rồi bất chợt nhận ra cái 'kiếp người' vay trả trả vay hiển hiện: 'Nên suốt kiếp anh mang công mắc nợ/ phải trả của vay bằng lãi suất ngôn từ' (Thi sĩ).

Sinh năm 1955 ở huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định (cũ), nhưng Tạ Văn Sỹ định cư ở Kon Tum từ 1965 và đã sáng tác thơ từ trước 1975 cho đến bây giờ. Như thể một năng khiếu bẩm sinh, thơ Tạ Văn Sỹ thường nảy ra bất chợt, tạo nên những câu thơ bất ngờ, những tứ thơ lạ, làm ngỡ ngàng người đọc.

Đó là một con người mà lúc nào cũng toàn tâm, toàn ý cho thơ, cho dù anh đang xuống phố, về làng, hay lang thang trên các nẻo đường. Lúc đang ngồi lơ mơ trên chiếc xe ôm chống chân đợi khách hay lúc say men trong những cuộc rượu với bạn bè. Và cả những lúc phiêu du trên những dặm đường mọi miền đất nước. Một câu thơ chợt đến, chỉ một câu, và anh giữ lấy, để từ đó hình thành nên cả một bài thơ. Vì vậy, rất nhiều bài thơ của anh có tên bài chính là câu thơ mở đầu, như Trái tim người làm thơ, Tình cờ đọc lại bài thơ cũ, Chia tay nhau ở Kon Plông; hoặc được cô đúc lại, tuy hơi thoát, nhưng vẫn từ đó mà ra: “Ả Thị Nở vô danh/ Vì anh mà nổi tiếng” (Gửi Chí Phèo); “Bất ngờ tôi gọi tôi ơi/ Nghe thinh không đáp vọng lời hư không” (Gọi)...

Nhà thơ Tạ Văn Sỹ (bên phải).

Nhà thơ Tạ Văn Sỹ (bên phải).

Ngoài ra, còn có những bất chợt câu thơ làm sườn cho toàn bài thơ (“Viết trước mùa xuân”, “Được!”...); hay làm nên cấu tứ toàn bài: “Anh thương em đứt ruột Thúy Kiều ơi!” “(Đêm trăng nhớ Kiều); “Mình tôi với một mùa hoa rất vàng” (Hoa vàng Pleiku)...

Có thể nói, chính những khoảnh khắc thơ bất chợt, buột ra một cách vô thức đã khiến Tạ Văn Sỹ có nhiều câu thơ được người đọc yêu thích, thường ngân nga: “Mới xuống dốc lại quành lên dốc/ Đưa thăm xa thôi lại thăm gần/ Chưa tròn buổi phố chừng muốn hết/ Đã gì đâu mà em mỏi chân!” (Một chút Kon Tum). Kiểu nói chuyện tưng tửng của Tạ Văn Sỹ cũng vận vào thơ: “Tôi gom cả tham sân si/ Mang ra chợ bán ngồi lỳ đến trưa” (Ngẫu đề). Chính cái giọng thơ tưng tửng này mà nhiều lúc ta có cảm giác, đối với Tạ Văn Sỹ, cái buồn thương, chia ly được anh cảm nhận như là một quy luật bình thường. Buồn đó, nhưng không đến nỗi phải xót xa, bi lụy: “Và đã hết, phải không em - rất vội/ Nói xa nhau em chắc dửng dưng lòng/ Tôi còn lại nỗi buồn không với tới/ Mất em rồi, thơ viết có vui không?” (Ghi một đoạn tình).

Nói như thế, không phải thơ anh thiếu sự đằm thắm, sâu xa. Vẫn có nhiều bài thơ đằm thắm, ngọt ngào cùng những bài tứ tuyệt ẩn chứa rất nhiều triết lý. Cho nên cái giọng thơ chừng như bông đùa, tưng tửng ấy, cứ khuất lấp đằng sau những câu chữ trụi trần ấy, là một thứ tình cảm đằm sâu, rót ra từ muôn nỗi gian truân, trầy trật của chính mình: “Hồn anh trăm mối sầu chia/ Chờ em, anh thức bên rìa nhân gian” (Ru hoa quỳnh).

Đôi lúc, anh rơi vào một trạng thái cô đơn tưởng chừng như khó lòng cứu vãn. Thơ anh lúc này ngoan hiền trong từng câu chữ. Cái tếu táo vốn có biến mất, còn lại là những khúc “sầu ca” vọng đến: “Người về, vù một cánh chim/Tiếng ca rớt giữa im lìm cỏ hoa/ Trăm năm chất ngất sầu ca/ Nghìn năm thoáng bóng câu qua khuất ngàn” (Giã bạn). Trong bài Giao thừa tuổi 50, anh cũng tự mừng tuổi mình: “Khuya còn sót được vài giây/ Rượu suông tôi rót ly đầy mời tôi” (Giao thừa tuổi 50).

Và hình như, cái vẻ bất cần, ngang ngạnh vốn có cũng hoàn toàn biến mất. Trên khuôn mặt đen buồn của Tạ Văn Sỹ chỉ còn lại một đôi mắt sâu thăm thẳm, nhìn thấu cõi nhân sinh: “Hồn anh xanh ánh sao khuya/ Trăm năm một cuộc sầu chia nhân tình” (Viếng mộ Hàn Mặc Tử)...

Giờ thì Kon Tum đã về cùng Quảng Ngãi để làm nên một quê chung vừa có biển vừa có rừng. Hẳn rằng, hồn thơ Tạ Văn Sỹ cũng đang rung lên, chờ ngày về với biển, để bật lên những câu thơ bất chợt mà sâu lắng về mối tình rừng - biển.

MAI BÁ ẤN

Nguồn Quảng Ngãi: https://baoquangngai.vn/ta-van-sy-nhung-cau-tho-bat-chot-54611.htm