Hành động khiêu khích của tàu tuần duyên Trung Quốc ở biển Đông
Các tàu tuần duyên Trung Quốc cố ý phát tín hiệu theo dõi từ 3 bãi cạn để khẳng định chủ quyền phi pháp ở biển Đông.
South China Morning Post (SCMP) hôm 27-9 dẫn báo cáo của Tổ chức Sáng kiến Minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS), trụ sở tại Washington, cho biết hành động trên của Bắc Kinh "rõ ràng muốn các đối tác trong khu vực nhận ra tàu của họ đang hiện diện tại đây". AMTI bình luận đó có thể là kế hoạch chi tiết nhằm mở rộng sự kiểm soát của Trung Quốc ở biển Đông.
AMTI xác định được 14 tàu tuần duyên Trung Quốc phát tín hiệu Hệ thống nhận dạng tự động (AIS) trong khi tuần tra các bãi cạn Luconia, bãi Cỏ Mây (của Việt Nam) và bãi cạn Scarborough trong năm qua.
Các tàu thương mại trên 300 tấn được yêu cầu phát tín hiệu AIS để tránh va chạm. Còn các tàu thực thi pháp luật và quân sự được quyền quyết định nên làm như vậy khi nào và ở đâu.
Trong khi đó, AMTI báo cáo nhiều tàu tuần duyên Trung Quốc đang tuần tra ở các khu vực khác của biển Đông chỉ phát tín hiệu khi ra vào cảng. Vì vậy, hành động của tàu tuần duyên Trung Quốc ở 3 bãi cạn nói trên được xem là có chủ ý. Cụ thể, tàu ở bãi cạn Luconia phát tín hiệu AIS trong 258/365 ngày, tàu ở bãi Cỏ Mây phát tín hiệu 215 ngày, còn tàu ở bãi cạn Scarborough là 162 ngày.
AMTI cũng nói rằng sự hiện diện của lực lượng tuần duyên Trung Quốc (CCG) tại các khu vực tranh chấp ở biển Đông "rất dai dẳng". Bắc Kinh rõ ràng muốn các đối tác trong khu vực biết họ có mặt ở đó và tin rằng nếu "bám trụ" đủ lâu, họ có thể kiểm soát 3 bãi cạn vừa nêu.
Các tàu mà Trung Quốc huy động để tuần tra 3 bãi cạn không được trang bị vũ khí mạnh mà chỉ mang theo vòi rồng và vũ khí nhỏ. Tuy nhiên, chúng lớn hơn nhiều so với tàu thực thi pháp luật, thậm chí là tàu hải quân của các nước xung quanh. AMTI cho biết điều đó giúp Trung Quốc xua đuổi tàu của các nước khác mà không cần sử dụng vũ lực gây chết người.