Hành động nhỏ, thay đổi lớn

Hiện nay, rác thải đang trở thành mối đe dọa lớn đối với biển và môi trường sinh thái. Rác thải nhựa đại dương đã, đang và sẽ trở thành hiểm họa mang tính toàn cầu. Không nằm ngoài cuộc, vùng biển tỉnh Cà Mau cũng chịu tác động đáng kể khi ô nhiễm rác thải nhựa ngày càng gia tăng. Ðiều này dẫn đến những hệ lụy to lớn về kinh tế - xã hội, hệ sinh thái và môi trường biển.

Các loại rác thải nhựa gây ảnh hưởng đến môi trường biển, đe dọa cuộc sống của các loài động vật, thực vật biển và tác động tiêu cực đến hoạt động khai thác thủy sản. Việc tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân được đặc biệt quan tâm và đóng vai trò tiên quyết trong công tác giảm thiểu rác thải nhựa đại dương.

Ông Bùi Nhật Phương, Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm ngư tỉnh, cho biết: "Từ năm 2022 đến nay, ngành thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về quản lý rác thải nhựa đại dương ngành thủy sản, bằng nhiều hình thức: thông qua các lớp tập huấn trực tiếp, tuyên truyền bằng tài liệu, áp phích, sổ tay, cấp phát túi lưới thu gom rác thải nhựa trên tàu cá và phối hợp với báo, đài thực hiện các phóng sự tuyên truyền về môi trường biển...".

Chi cục Kiểm ngư thường xuyên ra quân tuần tra trên biển, kết hợp tuyên truyền ngư dân nâng cao ý thức trong thực hiện tốt các quy định về bảo vệ môi trường.

Chi cục Kiểm ngư thường xuyên ra quân tuần tra trên biển, kết hợp tuyên truyền ngư dân nâng cao ý thức trong thực hiện tốt các quy định về bảo vệ môi trường.

Năm 2024, Chi cục Kiểm ngư biên soạn, in ấn 3 ngàn áp phích hướng dẫn phân loại rác thải nhựa và 3 ngàn sổ tay các quy định về quản lý rác thải nhựa đại dương ngành thủy sản.

Bên cạnh đó, Chi cục phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức 16 lớp tập huấn tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng, cấp phát 200 túi lưới cho tàu cá có chiều dài từ 12 m trở lên trên địa bàn tỉnh.

Thông qua hoạt động này góp phần nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm chung tay bảo vệ môi trường biển của người dân.

Rác thải trong sông, rạch không xử lý kịp thời. Theo đó, trôi ra biển ngày càng lớn làm ảnh hưởng lớn về môi trường biển chúng ta hiện nay.

Rác thải trong sông, rạch không xử lý kịp thời. Theo đó, trôi ra biển ngày càng lớn làm ảnh hưởng lớn về môi trường biển chúng ta hiện nay.

Ông Nguyễn Thanh Cường, chủ tàu cá tại thị trấn Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời, mong muốn ngư dân sẽ nhận thức được vai trò quan trọng của việc bảo vệ môi trường biển, không chỉ vì lợi ích hiện tại mà còn cho tương lai của nghề cá và hệ sinh thái biển.

“Mỗi ngư dân đều phải có trách nhiệm trong việc bảo vệ biển. Việc vứt rác thải ra biển, đánh bắt trái phép hay sử dụng các phương tiện gây hại hệ sinh thái là những hành động có thể khiến nguồn lợi biển cạn kiệt, phải có ý thức và thay đổi thói quen đánh bắt, để giảm thiểu tác động xấu đến biển và duy trì môi trường biển”, ông Cường chia sẻ.

Nhấn mạnh thông điệp “Một hành động nhỏ, một thay đổi lớn - Cùng bảo vệ biển, bảo vệ môi trường, bảo vệ cuộc sống!”, ông Bùi Nhật Phương thông tin: “Dự kiến năm 2025, Chi cục sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan, chính quyền địa phương tuyên truyền, phổ biến các quy định về quản lý rác thải nhựa đại dương ngành thủy sản. Ðồng thời vận động ngư dân thay đổi thói quen sử dụng sản phẩm nhựa một lần, túi ni-lông khó phân hủy, không vứt rác thải, ngư cụ bị hỏng xuống biển, để góp phần bảo vệ môi trường, nguồn lợi thủy sản và hệ sinh thái biển. Hướng dẫn ngư dân thiết kế túi đựng rác thải từ việc tận dụng lưới đánh cá bị hỏng, để không làm phát sinh chi phí và không chiếm diện tích trên tàu cá. Phân loại rác thải nhựa trên tàu cá, tại các cơ sở thu mua thủy hải sản, cảng cá và cách bố trí dụng cụ chứa rác thải nhựa... Ðặc biệt, quản lý tốt rác thải nhựa, không làm ảnh hưởng đến Khu bảo tồn biển tỉnh Cà Mau”./.

Hoàng Vũ

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/hanh-dong-nho-thay-doi-lon-a36286.html