Hành động nhỏ, ý nghĩa lớn

Luật Giao thông đường bộ quy định rất rõ về việc trẻ em trên 6 tuổi cần đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, tuy nhiên một bộ phận phụ huynh vẫn thờ ơ trước sự an toàn của con trẻ. Từ thực tế vi phạm cho thấy, cùng với tăng cường giáo dục cho học sinh, mỗi phụ huynh cần là tấm gương về chấp hành pháp luật giao thông để con em mình noi theo.

Phải bắt đầu từ phụ huynh

Theo ghi nhận của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, thời gian qua việc chấp hành quy định đội mũ bảo hiểm nói chung và đội mũ bảo hiểm cho trẻ khi tham gia giao thông nói riêng đã có nhiều chuyển biến. Tuy nhiên, ở một số tỉnh, tỷ lệ đội mũ bảo hiểm cho trẻ em hiện còn thấp. Cụ thể, theo kết quả khảo sát, hiện vẫn còn 20/63 tỉnh có tỷ lệ học sinh đội mũ bảo hiểm đạt dưới 66%, cá biệt có 3 tỉnh, tỷ lệ học sinh đội mũ bảo hiểm chỉ đạt dưới 50%.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cùng lãnh đạo các bộ, ban, ngành trao mũ bảo hiểm cho học sinh lớp 1.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cùng lãnh đạo các bộ, ban, ngành trao mũ bảo hiểm cho học sinh lớp 1.

Thực tế, việc đội mũ bảo hiểm cho trẻ từ 6 tuổi trở lên không chỉ là quy định bắt buộc của pháp luật mà còn là hành động thể hiện trách nhiệm, tình thương của cha mẹ với trẻ nhỏ. Nhưng hiện nay, tại khuôn viên các cơ sở giáo dục tiểu học, đặc biệt là thời điểm tan tầm có thể bắt gặp một bộ phận phụ huynh “quên” đội mũ bảo hiểm cho trẻ.

Quanh vấn đề này, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Khuất Việt Hùng khẳng định, trách nhiệm của gia đình, nhà trường giữ vai trò rất quan trọng để duy trì việc đội mũ bảo hiểm cho học sinh, dần hình thành thói quen đội mũ bảo hiểm ngay từ nhỏ. Nói cách khác, việc đảm bảo an toàn giao thông cho người tham gia, nhất là học sinh cấp tiểu học và trung học cơ sở là điều rất quan trọng, nhằm nâng cao ý thức về việc tham gia giao thông. Ở lứa tuổi này, cần có sự phối hợp giữa nhà trường và phụ huynh trong việc giáo dục nhân cách từ những việc nhỏ như chấp hành luật lệ an toàn giao thông.

Theo tìm hiểu, từ đầu tháng 4/2015, lực lượng chức năng tiến hành xử phạt trường hợp trẻ em vi phạm quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm. Song hành với đó, nhiều cơ sở, trường đào tạo cũng ban hành quy định: Học sinh vi phạm lần 1 sẽ bị hạ một bậc hạnh kiểm tháng mắc lỗi, phê bình trước lớp, trước trường, kiểm điểm và mời gia đình đến cam kết.

Học sinh đã biết lỗi nhưng vẫn vi phạm lần 2, sẽ hạ một bậc hạnh kiểm của học kỳ, trả về gia đình giáo dục trong 3 ngày để tự kiểm điểm, thông báo tới địa phương nơi cư trú… đây là một trong những động thái trực tiếp cải thiện tình trạng đội mũ bảo hiểm, nâng cao ý thức cho cả phụ huynh và học sinh.

Nâng cao nhận thức

Thực tế, đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy đã trở thành thói quen, nét đẹp văn hóa giao thông tại Việt Nam. Để hình thành nét văn hóa này, Đảng và Nhà nước luôn xác định bảo đảm trật tự an toàn giao thông là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự an toàn và an sinh xã hội. Từ chỗ mỗi năm có gần 12.000 người chết do tai nạn giao thông năm 2010, đến năm 2019 số người chết đã giảm ở mức dưới 8.000 người.

Chở trẻ em mà "quên" đội mũ bảo hiểm sẽ làm tăng nguy cơ gây tai nạn giao thông.

Chở trẻ em mà "quên" đội mũ bảo hiểm sẽ làm tăng nguy cơ gây tai nạn giao thông.

Đáng chú ý, nhiều năm gần đây, các ngành chức năng đã có nhiều hoạt động tích cực, đẩy mạnh tuyên truyền cho phụ huynh, giáo dục học sinh đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Chương trình Trao tặng mũ bảo hiểm cho học sinh lớp 1 là ví dụ. Theo đó, từ năm học 2018 – 2019 với chủ đề “Giữ trọn Ước mơ”, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Công ty Honda Việt Nam đã phối hợp tổ chức triển khai.

Sau 2 năm tổ chức, gần 4 triệu chiếc mũ bảo hiểm chất lượng được Công ty Honda Việt Nam trao đến tận tay các em học sinh lớp 1 tại tất cả các trường Tiểu học trên phạm vi toàn quốc. Chương trình đã góp phần nâng cao đáng kể tỷ lệ đội mũ bảo hiểm cho trẻ em. Qua khảo sát, tỷ lệ đội mũ bảo hiểm ở trẻ em (6 đến 15 tuổi) đã tăng từ 35% năm 2017 lên đến 70% vào cuối năm 2019.

Trong năm học 2020-2021, dự kiến sẽ có 1.904.045 mũ bảo hiểm Honda được trao tặng tới các học sinh bước vào lớp 1 trong dịp khai giảng năm học mới. Song song với đó là các hoạt động đồng hành nhằm tuyên truyền kiến thức an toàn giao thông và nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là các bậc cha mẹ, phụ huynh học sinh về việc chấp hành đội mũ bảo hiểm cho con em mình.

Cụ thể, chương trình xác định rõ 4 mục tiêu chính gồm: Nâng cao ý thức của người dân về việc chấp hành quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đạt quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia cho trẻ em khi ngồi trên mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện, qua đó giảm thiểu hậu quả do tai nạn giao thông gây ra đối với trẻ em; Góp phần thực hiện mục tiêu nâng tỷ lệ đội mũ bảo hiểm đạt Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia đối với trẻ em là 80% vào năm 2020 theo Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 19/01/2018 của Thủ tướng Chính phủ.

Bàn về giải pháp nâng cao ý thức đội mũ bảo hiểm cho trẻ em Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho rằng, giáo dục, bồi dưỡng và rèn luyện, năng lực, phẩm chất ở trẻ để đảm bảo phát triển toàn diện là quá trình liên tục, diễn ra ở nhiều môi trường khác nhau trong thời gian dài. Do đó, giáo dục luôn đòi hỏi sự kết hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường.

Thực tế, môi trường trẻ sống và học tập, phát triển ngoài những tác động tích cực luôn tiềm ẩn những yếu tố tiêu cực có thể làm nguy hại đến trẻ khi mà lứa tuổi nhỏ rất hiếu động, dễ bắt chước theo, ít vốn sống. Đặc biệt, khi không có sự phối hợp đúng đắn, thiếu thống nhất giữa gia đình và xã hội sẽ gây ra những hệ lụy xấu, không thể khắc phục.

Từ những lý do trên, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ khẳng định, vai trò của gia đình - nhà trường trong công tác tuyên truyền, giáo dục để hình thành ý thức đội mũ bảo hiểm của trẻ em là hết sức cần thiết.

Đồng quan điểm trên, ông Khuất Việt Hùng nhận định: “Trách nhiệm của gia đình, nhà trường giữ vai trò rất quan trọng để duy trì việc đội mũ bảo hiểm cho học sinh lớp 1, dần hình thành thói quen đội mũ bảo hiểm ngay từ nhỏ. Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đề nghị các gia đình, nhà trường thường xuyên quan tâm, đội mũ bảo hiểm cho con em mình khi tham gia giao thông bằng mô tô, xe máy, xe đạp điện để bảo đảm an toàn”.

Rõ ràng, đã có khá nhiều bài học, hệ lụy thương tâm để lại nỗi đau ám ảnh từ những vụ tai nạn giao thông xảy ra với trẻ em, chỉ vì cha mẹ chủ quan, lơ là không đội mũ bảo hiểm. Sự chủ quan của người lớn có thể khiến con em mình ngồi phía sau tay lái phải đối mặt với mối hiểm nguy khôn lường.

Chính bởi vậy, để bảo đảm hiệu quả đồng bộ, cùng với việc giáo dục con em mình, các bậc phụ huynh cần nêu gương trong việc chấp hành pháp luật giao thông, đặc biệt là phải thực hiện nghiêm túc quy định đội mũ bảo hiểm cho trẻ em khi đi xe máy.

Tại Lễ Công bố chương trình Trao tặng mũ bảo hiểm cho học sinh lớp 1 toàn quốc năm học 2020 - 2021 với chủ đề “Giữ trọn Ước mơ”. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia yêu cầu các đơn vị liên quan phải xây dựng kế hoạch tháng cao điểm an toàn giao thông cho học sinh đến trường tháng 9/2020, lấy trọng tâm là tuyên truyền vận động phối hợp với tuần tra, kiểm soát, xử lý hành vi vi phạm về đội mũ bảo hiểm đối với học sinh và người chở học sinh đi mô tô, xe máy, xe đạp điện. Các trường Tiểu học phải tổ chức tặng mũ bảo hiểm đạt chuẩn cho học sinh lớp 1 trong Lễ Khai giảng năm học mới 2020-2021 đồng loạt trên cả nước, hoàn thành trao tặng mũ trong tháng 9/2020. Các nhà trường trên toàn quốc cần tổ chức ký và đảm bảo thực hiện cam kết giữa gia đình và nhà trường về bảo đảm an toàn giao thông cho học sinh, trong đó có cam kết về việc đội mũ bảo hiểm cho con khi đi mô tô, xe máy, xe đạp điện.

Giang Nam

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/hanh-dong-nho-y-nghia-lon-110107.html