Hành động trách nhiệm trước, trong và sau siêu bão Yagi

Siêu bão Yagi được ghi nhận là có thời gian tăng cấp độ nhanh nhất trong lịch sử, mạnh nhất trong số các cơn bão đổ bộ vào Biển Đông trong 30 năm qua, duy trì cấp siêu bão trong 30 giờ. Tính đến ngày 10/9, siêu bão Yagi và hoàn lưu của nó đã gây thiệt hại nghiêm trọng tại các tỉnh miền Bắc nước ta.

Theo báo cáo đến ngày 10/9, tổng số người chết và mất tích lên tới 146, trong đó 82 người đã chết. Hơn 746 người bị thương do các sự cố liên quan đến bão và lũ lụt. Cụ thể, nhiều trường hợp tử vong là do sạt lở đất, lũ cuốn, và một số liên quan đến sự cố sập cầu Phong Châu. Thiệt hại về tài sản cũng rất đáng kể. Hơn 148.170 ha lúa, 25.649 ha hoa màu và 11.038 ha cây ăn quả bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Do ngập lụt, khoảng 5.000 ha lúa ở tỉnh Nam Định bị thiệt hại. Ngoài ra, 85 tàu thuyền bị chìm và nhiều gia súc, gia cầm bị mất do lũ. Các tỉnh như Yên Bái, Lào Cai, và Cao Bằng là những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề từ bão và lũ lụt, với nhiều nơi mưa lớn kéo dài và nguy cơ lũ quét gia tăng.

Ảnh internet.

Ảnh internet.

Trước một cơn siêu bão được dự báo là rất mạnh, ngay khi bão Yagi còn ở phía Đông Philippines, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện khẩn số 86/CĐ-TTg ngày 3/9; tiếp theo đó là Công điện số 87/CĐ-TTg ngày 5/9 và số 88/CĐ-TTg ngày 6/9; Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo các cơ quan, địa phương tập trung ứng phó với bão từ sớm, từ xa, với tinh thần chủ động, quyết liệt, phòng ngừa, ứng phó ở mức cao nhất để hạn chế thiệt hại. Thủ tướng đã phân công Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trực tiếp đi kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo triển khai công tác ứng phó; quyết định lập Ban Chỉ huy tiền phương đóng tại Quân khu 3 (thành phố Hải Phòng) để trực tiếp phối hợp với các địa phương ứng phó khi bão đổ bộ vào đất liền.

Ngoài ra, theo chức năng, nhiệm vụ, các bộ, ngành địa phương đã ban hành công điện; tổ chức các đoàn công tác kiểm tra, chỉ đạo tại cơ sở, các trọng điểm xung yếu. Với sự vào cuộc quyết liệt trên tinh thần cảnh giác cao độ, bão số 3 đã được sự chờ đón “100% sức chiến đấu” của toàn bộ hệ thống chính trị. Nhờ đó, hậu quả ít nghiêm trọng hơn so với dự báo sự “cuồng nộ” của siêu bão về thiệt hại người cùng nhiều tài sản, hoa màu ở các địa phương bão đi qua.

Ngay khi cơn siêu bão chưa dứt hẳn, hoàn lưu của bão đang gây mưa lũ; Bộ Chính trị đã khẩn trương họp để chỉ đạo khắc phục hậu quả do bão Yagi gây ra. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã nhấn mạnh rằng việc khắc phục hậu quả là công việc khẩn trương và cần ưu tiên cao nhất trong tuần này. Cơn bão đã gây ra thiệt hại lớn về nhân mạng, bên cạnh sự hư hại nghiêm trọng về cơ sở hạ tầng và sản xuất.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã yêu cầu các cấp, ngành cần tập trung vào các nhiệm vụ cấp bách, bao gồm việc cứu trợ các gia đình bị ảnh hưởng, kiểm tra các công trình hạ tầng có nguy cơ sạt lở, và triển khai lực lượng cứu hộ tới những khu vực bị cô lập. Bên cạnh đó, công tác cứu chữa những người bị thương và đảm bảo an ninh trật tự cũng được đặt lên hàng đầu. Bộ Chính trị cũng kêu gọi sự hỗ trợ từ toàn xã hội để khắc phục hậu quả, với những biện pháp cụ thể để phục vụ đời sống của người dân, như cung cấp thực phẩm và thuốc men, cũng như đồng thời khắc phục các sự cố liên quan đến điện, nước và viễn thông.

Thực hiện theo chỉ đạo của Trung ương, hiện các tỉnh, thành phố bị thiệt hại do bão số 3 đang tập trung cao độ sức người, sức của cho việc cứu người, rà soát, tìm kiếm người mất tích; cứu chữa những người bị thương; Xuất kho, cứu trợ lương thực, thực phẩm không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu chỗ ở; không để các học sinh thiếu lớp, thiếu trường; không để người bệnh không có nơi khám chữa bệnh. Cùng với đó, khắc phục các sự cố về điện, nước, viễn thông và các lĩnh vực khác để phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo, sản xuất kinh doanh và đời sống người dân. Đồng thời, các địa phương cũng đang thống kê thiệt hại chính xác, khách quan để có giải pháp khắc phục phù hợp, hiệu quả, kịp thời; ứng phó hậu quả hoàn lưu bão như lũ ống, lũ quét, sạt lở, sụt lún…

Chính phủ đã quyết định hỗ trợ khẩn cấp 100 tỷ đồng cho năm tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề, bao gồm Nam Định, Thái Bình, Hải Dương, Yên Bái và Hưng Yên. Đồng thời, các địa phương như Quảng Ninh và Hải Phòng đã chủ động đề xuất cân đối nguồn lực tự thân để khắc phục thiệt hại và nhường lại hỗ trợ cho các tỉnh khác cần hơn. Chính phủ cũng đã kêu gọi sự chung tay của cộng đồng trong việc hỗ trợ đồng bào và các địa phương bị thiệt hại nặng nề do bão số 3 gây ra.

Chiều qua (10/9), Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng đã phát động kêu gọi các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp đóng góp, ủng hộ về vật chất nhằm giúp đỡ người dân vượt qua khó khăn và khắc phục thiệt hại do cơn bão gây ra.

HUỲNH THANH

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/hanh-dong-trach-nhiem-truoc-trong-va-sau-sieu-bao-yagi-123884.html