Hành hương Điện Biên
Bắt đầu từ tháng Ba, khi những cành hoa ban trắng, ban đỏ đầu tiên điểm xuyết các cánh rừng Tây Bắc là lúc những dòng người nối nhau lên Điện Biên. Hành hương theo dấu chân xưa một thuở…
Chưa đến 9 giờ sáng, khu đón tiếp khách tham quan tại Mường Phăng chật kín người và xe. Bước xuống từ chiếc xe khách 45 chỗ mang biển 36B… là những người phụ nữ đã có tuổi, tóc đã bạc, lưng không còn thẳng. Ngồi tạm trên một chiếc ghế đá trên lối mòn vào lán Đại tướng, một bà lau khuôn mặt đã nhợt nhưng với nụ cười rất tươi, bà nói: “Thế là đã đến nơi, đã thỏa ước nguyện của cụ…”. Cầm chai nước tôi đưa, bà giãi bày: “Năm đánh Điện Biên, phụ nữ xã tôi tham gia dân công đông lắm, mẹ tôi năm ấy 27 tuổi mới có mang tôi được gần 3 tháng cũng xung phong đi. Lúc đầu nghe phổ biến là đi chặng gần… đâu ngờ cứ đi mãi, hết tháng này đến tháng khác đến nỗi đẻ tôi dọc đường tận Mai Châu (Hòa Bình). Đoàn dân công gửi mẹ con tôi nhờ một gia đình người Thái giúp đỡ. Mấy tháng sau vẫn chưa về được và không nỡ xa đoàn thể, mẹ tôi xin vào làm cấp dưỡng tại một trạm trung chuyển lương thực và bị thương trong một lần cứu kho bị cháy. Mãi đến sau giải phóng Điện Biên mẹ con mới về quê Nga Sơn và đặt tên tôi là Rơi. Về nhà, bà ốm dặt ốm dẹo, mấy năm sau thì qua đời. Trước khi chết, mẹ tôi dặn thế nào con cũng phải lên Điện Biên một lần, nơi mà Thanh Hóa ta đã có đóng góp rất lớn.
Là một tỉnh đất rộng người đông lại ở vị trí “đầu nối” của khu III và khu IV của đồng bằng ven biển Thanh - Nghệ - Tĩnh, hậu phương lớn Thanh Hóa đảm nhiệm vai trò quan trọng trong việc cung cấp quân, lương và dân công cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Câu chuyện giản dị của bà Rơi cùng bao câu chuyện khác về các bà, các chị dân công hỏa tuyến của các tỉnh hậu phương như Thái Bình, Nam Định, Bắc Ninh, Bắc Giang… những người phụ nữ nông thôn đã nhận trọng trách của lịch sử trên đôi vai gầy, đôi chân chai sạn với khẩu hiệu “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”.
Sử gia người Mỹ Cecil B. Currey, tác giả cuốn sách “Chiến thắng bằng mọi giá” viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp và chiến dịch Điện Biên phủ, viết: "… Hàng vạn dân công đi theo các con đường mòn quanh co trong rừng rậm và trên sườn các vách đá thẳng đứng. Hàng vạn xe đạp thồ chuyên chở đạn đại bác… Họ đi dưới những loạt bom và những cơn mưa rừng tầm tã… để hướng tới Điện Biên Phủ”.
Giờ đây, sau 70 năm, những con đường, những lối mòn hầu như đã mất dấu cùng sự biến đổi của thiên nhiên. Song thế hệ con cháu của những bà, những chị dân công, con cháu của những người đẩy xe đạp thồ tải đạn tải gạo lên Điện Biên vẫn lần theo dấu xưa như một cuộc hành hương để nhớ lại những điều không thể quên như vậy.
Bùn, máu và hoa - Khúc tráng ca A1
Thăm Điện Biên, điểm đến đầu tiên cũng là điểm đến quan trọng nhất trong 45 di tích thành phần của quần thể di tích chiến trường Điện Biên Phủ là đồi A1. Những ngày này, từng đoàn cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, con cháu những dân công hỏa tuyến Điện Biên… nối nhau lên A1. Càng lên, bước chân họ bước như nhẹ hơn để yên giấc những chiến sĩ vô danh còn nằm trong lòng đất. Cách đây 70 năm, sau tiếng nổ của khối bộc phá 960 kg và trải qua 8 tiếng đồng hồ của đợt tiến công thứ 4, vào lúc 4 giờ 30 phút ngày 7/5/1954, chúng ta đã làm chủ điểm cao mang tính chìa khóa này, tạo cửa mở để đại quân tràn xuống khu trung tâm tiêu diệt và bức hàng quân địch, bắt sống tướng Đờ Cát và Bộ tham mưu quân Pháp tại Điện Biên Phủ. Qua 39 ngày đêm chiến đấu trên A1, ta đã tiêu diệt 825 lính song tổn thất cũng rất nặng nề với 2.516 cán bộ, chiến sĩ mãi mãi nằm lại nơi đây.
“A1, Bùn, Máu và Hoa” đã thành tên bộ phim tài liệu gây xúc động rất mạnh với các thế hệ người lính. Ông Nguyễn Mạnh Chiến, 68 tuổi, cựu chiến binh tỉnh Hải Dương bồi hồi: Được xem bộ phim tài liệu này cùng với những nhân chứng lịch sử là chiến sĩ Điện Biên, tôi đã không cầm được nước mắt khi ông Đỗ Ca Sơn thuộc Tiểu đoàn 251, Trung đoàn 174, Đại Đoàn 316 kể lại: “Chôn khác với vùi, vùi chỉ là đặt xuống mà không có gì cuốn lại. Hai bàn tay tôi đã vùi gần 100 anh em trên mảnh đất này…”.
Cô hướng dẫn viên các đoàn tham quan đồi A1 kể, khi phục dựng lại điểm di tích, ngành chức năng còn tìm thấy mấy chục bộ hài cốt bộ đội ta dưới chiến hào…
Một cựu chiến binh quê ở Bắc Ninh bình luận: Người xưa nói “Nhất tướng công thành vạn cốt khô”, có thể hiểu theo nghĩa rộng là một trận đánh thành hao tổn hàng vạn binh sĩ. Chúng ta thực hành đánh Điện Biên Phủ là đánh công kiên; không chỉ đánh một cứ điểm mà là một tập đoàn cứ điểm vừa ở trên cao, vừa có hầm ngầm, lô cốt, hàng rào kẽm gai, mìn, xe tăng án ngữ… khó hơn đánh thành rất nhiều. Cứ điểm A1 còn có hầm ngầm rất kiên cố nên tổn thất lớn là điều không thể tránh khỏi. May chúng ta có Đại tướng “ … biết đau với từng vết thương của mỗi người lính, biết tiếc từng giọt máu của mỗi chiến binh…” với phương châm “đánh chắc tiến chắc”, không đánh theo kiểu biển người mà cố vấn Trung Quốc đã tham mưu, mà là “cuộc chiến hầm hào” đỡ rất nhiều xương máu chiến sĩ.
Hệ thống di tích lịch sử Điện Biên còn nhiều nơi rất đáng đến như các điểm cao mà mỗi tấc đất đều trộn lẫn máu xương chiến sĩ; cầu Mường Thanh, nơi mà khẩu trung liên của địch có vai trò như ổ đề kháng cuối cùng cho sở chỉ huy địch đã khiến rất nhiều chiến sĩ ta ngã xuống trước giờ toàn thắng, máu thẫm đỏ dòng Nậm Rốm cuồn cuộn chảy những ngày đầu mùa lũ.
Tại Bảo tàng Điện Biên, đứng trước bức tranh toàn cảnh lớn nhất thế giới về đề tài chiến tranh tái hiện chiến dịch Điện Biên Phủ kết hợp với nghệ thuật sắp đặt hiện vật, người xem như sống trong những ngày Điện Biên rực lửa, càng hiểu hơn về sự gian khổ, hy sinh trong 56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt; máu trộn bùn non…” để làm nên một Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Anh linh tụ hội
Tên Điện Biên (miền biên giới vững chãi) có từ năm 1841, sở hữu cánh đồng Mường Thanh rộng trên 14.000 ha với dòng Nậm Rốm như một động mạch chủ trong cơ thể cường tráng, cung cấp nước, bồi đắp phù sa để nơi đây thành cái kho luôn đầy ắp lúa ngô vùng Tây Bắc. Với vị trí địa chính trị hết sức đặc biệt (vùng cực Tây, ngã ba biên giới Việt - Trung - Lào), trải qua bao biến cố thăng trầm, mảnh đất này luôn chứa trong nó sức sống dồi dào, sức mạnh quật cường của dân tộc ta nơi miền Tây tổ quốc.
Với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”, những đóng góp hy sinh luôn được Tổ quốc dựng bia đá, bảng vàng ghi công, Nhân dân dựng đền miếu đời đời thờ phụng. Cách đây 3 thế kỷ, Hoàng Công Chất, một thủ lĩnh nông dân có công diệt giặc xâm lược, mở mang đất đai, giữ vững biên cương đã trở thành Chúa Mường Thanh, được dân tôn thánh và phụng thờ tại đền Bản Phủ (xã Nọng Hẹt, huyện Điện Biên).
Cuộc kháng chiến 9 năm thần thánh của dân tộc Việt Nam thế kỷ XX mà kết thúc bằng trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ, công lao thuộc về Võ Nguyên Giáp - vị Đại tướng kiệt xuất và hàng triệu đồng bào, đồng chí, trong đó có hàng vạn liệt sĩ trên mặt trận… Dù đã xác định được tên tuổi hay mãi mãi là vô danh, Tổ quốc không quên một ai … Họ đã được lưu danh sử sách, bằng những hành động thiết thực. Nhân dân cùng Nhà nước đã và đang lập đền miếu tôn nghiêm, ngày ngày nhang khói phụng thờ.
Chiến sĩ Điện Biên, sống đánh giặc làm nên một Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”; chết, thân vùi đất mẹ, trở thành những phúc thần "mũ nan áo vải" của núi rừng Tây Bắc thân yêu.
Trong gian thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại xã Mường Phăng có đôi câu đối: “Một trận oai hùng tan giặc dữ/Bốn phương yên ổn giữ biên cương”. Đọc dòng câu đối này khiến ta liên tưởng đến các trận Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa và tên tuổi của Đại tướng có thể so sánh với Lý thường Kiệt, Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Trãi… Bằng tâm đức và trách nhiệm với lịch sử, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên đã xây dựng Đền thờ liệt sĩ Điện Biên tại đồi F, phường Mường Thanh. Các câu đối “Thân ngã xuống thành đất đai Tổ Quốc/Hồn bay lên hóa linh khí Quốc gia”. Hoặc “Núi rừng Tây Bắc - khí phách tôn thần”, “Liệt sĩ Điện Biên hiển linh hội tụ", “Xương máu đồng bào - công lao lịch sử”… là những câu được chắt lọc tinh hoa văn hóa dân tộc, từ cốt cách, tâm hồn người Việt gắn với hiện thực lịch sử… Theo thời gian, sự hy sinh của những người lính Điện Biên cùng với những câu văn câu đối trong đền sẽ biến thành tâm thức dân gian, truyền tới muôn đời sau.
Chiều đã buông nhưng cái nóng của mảnh đất phía Tây những ngày đầu hạ vẫn như nung. Dạo trên đại lộ Võ Nguyên Giáp, ngắm Tượng đài Chiến sĩ Điện Biên sừng sững trên đồi D1, đi thêm đoạn đường ngước nhìn đồi A1 như còn vang khúc bi hùng của trận đánh năm xưa. Vòng đường Hoàng Văn Thái qua nghĩa trang A1 u tịch, bước 199 bậc đá lên Đền thờ liệt sĩ Điện Biên vào lúc chập choạng. Gió thổi qua những bức phù điêu, những công trình xây rỗng của không gian dẫn nhập khiến người ta hơi rùng mình vì sự liên tưởng đến chốn sa trường; hai khối kiến trúc vòng cung tạo nên vòng tròn không gian mà ngước nhìn lên với chút ráng đỏ chiều còn sót lại, ta liên tưởng đến vòng hoa đỏ của máu, cũng là “vành hoa đỏ” của thiên sử vàng chiến thắng. Không gian tưởng niệm với vòng tròn đồng tâm và hồ bán nguyệt mà bên trong có 56 cây đèn hình nến tạo thành hình ngôi sao, tượng trưng cho 56 ngày đêm bão lửa của chiến dịch. Ngôi sao nằm nghiêng như nỗi đau của sự mất mát khi đất nước mất đi những những người con trung hiếu.
Chiến sĩ Điện Biên, sống đánh giặc làm nên một Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”; chết, thân vùi đất mẹ, trở thành những phúc thần "mũ nan áo vải" của núi rừng Tây Bắc thân yêu.
Lời kết
Cách di tích hầm Đờ Cát không xa trên diện tích gần 1.000 m2 có một đài tưởng niệm trên 3.000 lính Pháp tử trận tại Điện Biên Phủ, người dân Điện Biên thường gọi là khu mộ Tây. Trong những ngày này, trước đài tưởng niệm và các tấm bia ghi ký hiệu các đơn vị quân Pháp tham chiến tại Điện Biên thường có các bó hoa tươi nhỏ của khách du lịch người nước ngoài, đặc biệt là con cháu những người lính Pháp tham chiến tại Việt Nam. Trò chuyện với chúng tôi, ông Louis, du khách Pháp kể, cha ông chết trận Điện Biên khi ông mới 4 tuổi. Từ năm 1994, ông đã sang Việt Nam 7 lần và lần nào cũng lên Điện Biên, đơn giản chỉ đặt hai bó hoa ở hai nơi: nghĩa trang A1 và Đài tưởng niệm này.
Còn chúng ta, hành hương lên vùng đất thiêng Điện Biên, mỗi người hãy chứng tỏ lòng thành của mình với sự hy sinh lớn lao của các Anh hùng liệt sĩ. Từ đó với những chiêm nghiệm, nghĩ suy, tự ta tìm thấy ở đó nguồn sức mạnh cho chính mình.
Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/hanh-huong-dien-bien-5007692.html