Hành lang kinh tế Ấn Độ - Trung Đông - châu Âu
Hành lang giao thông Ấn Độ - Trung Đông - châu Âu, một phản ứng rất muộn của phương Tây đối với Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, là chủ đề bàn tán rộng rãi trên các diễn đàn và phương tiện truyền thông quốc tế thời gian gần đây, nhưng nó có nguy cơ cùng chung số phận với ba dự án kết nối giữa châu Á và châu Âu gần đây nhất mà phương Tây từng tán tụng.
Hành lang kinh tế Ấn Độ - Trung Đông - châu Âu (IMEC) là một hoạt động ngoại giao công chúng rộng lớn, được triển khai tại hội nghị thượng đỉnh G20 gần đây ở New Delhi; kết thúc bằng việc ký một biên bản ghi nhớ vào ngày 9/9. Những nước chủ trì hoạt động: Mỹ, Ấn Độ, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, Saudi Arabia và Liên minh Châu Âu, với vai trò đặc biệt dành cho ba cường quốc hàng đầu châu Âu này: Đức, Pháp và Ý. Đây là một dự án đường sắt đa phương thức, kết hợp giữa những tuyến trung chuyển, tuyến đường kỹ thuật số và lưới điện phụ trợ, kéo dài đến Jordan và Israel.
Nếu dự án này trông giống như một phản ứng rất muộn của phương Tây đối với Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc (được đưa ra từ 10 năm trước), thì nó đúng là như vậy thật. Và thật vậy, trên hết, đây là một dự án khác mà Mỹ muốn dùng nhằm vượt qua Trung Quốc. Với dự án, Washington sẽ có một chút “thành công” ít ỏi trong chính sách đối ngoại trước thềm bầu cử.
Không nước nào nhớ rằng, chính người Mỹ đã nghĩ ra dự án “Con đường Tơ lụa” của riêng họ vào năm 2010. Ý tưởng này đến từ ông Kurt Campbell của Bộ Ngoại giao Mỹ, và được Bộ trưởng Bộ Ngoại giao lúc đó là Hillary Clinton xem đấy như là ý tưởng của bà. Và lịch sử đã cho thấy: Ý tưởng đã không thành.
Và không ai trên thế giới còn nhớ đến dự án “Con đường Tơ lụa Mới” do Ba Lan, Ukraine, Azerbaijan và Georgia thực hiện vào đầu những năm 2010, với 4 tuyến trung chuyển rối rắm ngoài Biển Đen và Biển Caspian. Và lịch sử đã cho thấy: Ý tưởng cũng đã không thành.
Trên thực tế, rất ít nước còn nhớ đến kế hoạch Build Back Better World (BBBW, hay B3W - “Xây dựng lại một thế giới tốt đẹp hơn”) trị giá 40 nghìn tỷ USD do Mỹ tài trợ. Kế hoạch được giới thiệu rầm rộ chỉ vừa hai mùa hè trước, được cho là sẽ tập trung vào “khí hậu, sức khỏe và an ninh y tế, công nghệ kỹ thuật số, bình quyền và bình đẳng giới”.
Một năm sau, tại cuộc họp G7, B3W đã bị giáng cấp xuống thành một dự án đầu tư và cơ sở hạ tầng trị giá 600 tỷ USD. Tất nhiên, không có gì được xây dựng. Và lịch sử lại cho thấy: Chẳng có gì đã thay đổi. Số phận tương tự đang chờ đợi IMEC vì một số lý do rất cụ thể.
Hành trình tiến đến hố đen
IMEC đi theo một khung logic tổng thể mà nhà văn kiêm cựu đại sứ M.K. Bhadrakumar đã mô tả một cách thú vị là “hiện thân của Hiệp ước Abraham pha tạp với điệu tango giữa Israel và Saudi Arabia”. Bản tango này đã chết ngay từ lúc cập bờ; ngay cả hồn ma của Piazzolla cũng không thể hồi sinh được nó. Đầu tiên, một trong những nhân vật chính - Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman, đã nói rõ rằng ưu tiên của Riyadh là một mối quan hệ mới - do Trung Quốc thúc đẩy và làm trung gian hòa giải, với Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Syria (một khi nước này tái gia nhập Liên minh Arab).
Hơn nữa, Riyadh và UAE - đối tác của họ trong IMEC, cùng chia sẻ một mối quan hệ to lớn và đầy lợi lộc về mậu dịch, thương mại và năng lượng với Trung Quốc. Do đó, họ sẽ không làm bất cứ điều gì khiến Bắc Kinh khó chịu.
Thoạt nhìn, IMEC chỉ đề xuất hành động chung của 11 quốc gia G7 và BRICS. Đây là phương pháp của phương Tây nhằm dụ dỗ chính phủ Ấn Độ dưới thời ông Modi, theo đó là Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất - hai đồng minh của Mỹ, tham gia vào chương trình nghị sự của mình. Tuy nhiên, mục đích thực sự của IMEC không chỉ là làm suy yếu BRI, mà còn làm suy yếu cả Hành lang Giao thông Bắc-Nam Quốc tế (INTSC), trong đó Ấn Độ là một nước đóng vai trò chính, cùng với Nga và Iran.
Đây là một trò chơi khá đơn sơ và rõ ràng: Một hành lang giao thông được thiết kế nhằm cản trở ba yếu tố chính tạo nên cuộc hội nhập Á-Âu thực sự - cùng những thành viên BRICS là Trung Quốc, Nga và Iran, bằng cách treo lủng lẳng một củ cà rốt “Chia để trị” đầy quyến rũ, nhưng lại hứa hẹn những điều không thể đạt được. Tại giai đoạn này của cuộc chơi lớn, Israel là mối bận tâm trong mắt nước Mỹ và chủ nghĩa tân tự do. Mục tiêu của Mỹ là làm sao để đưa cảng Haifa hoạt động trở lại và biến nó thành trung tâm vận tải quan trọng giữa Tây Á và châu Âu. Mọi thứ khác đều không quan trọng bằng Israel.
Về nguyên tắc, IMEC sẽ đi qua Tây Á để kết nối Ấn Độ với vùng Đông Âu và Tây Âu - khiến Ấn Độ dường như trở thành một quốc gia trụ cột toàn cầu và là điểm giao thoa giữa các nền văn minh. Thật vô lý. Nếu giấc mơ lớn của Ấn Độ là trở thành một quốc gia trụ cột, thì INTSC là cơ hội tốt nhất cho nước này. Không những là một tổ chức đang hoạt động, mà cơ quan này còn có thể mở cửa thị trường từ Trung Á đến Kavkaz và New Delhi. Mặt khác, nước Nga - với tư cách là một quốc gia then chốt toàn cầu, đã đi trước Ấn Độ một bước về ngoại giao và Trung Quốc về thương mại và kết nối.
Cố gắng so sánh giữa IMEC và Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC) là điều vô ích. IMEC là một trò đùa so với dự án BRI hàng đầu vì đấy là kế hoạch trị giá 57,7 tỷ USD nhằm xây dựng tuyến đường sắt dài hơn 3.000 km nối Kashgar (Tân Cương) với Gwadar ở Biển Arab. Tuyến đường này sẽ tiếp tục kết nối với những hành lang đường bộ khác của BRI và hướng đến Iran và Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là vấn đề an ninh quốc gia đối với Trung Quốc. Do đó có thể nói, giới lãnh đạo Bắc Kinh sẽ có những cuộc đối thoại kín đáo và nghiêm túc với những phe quyền lực kín tiếng tại Islamabad (thủ đô Pakistan), trước khi hoặc khi tổ chức Diễn đàn Vành đai và Con đường, nhằm nhắc nhở họ về những vấn đề địa chiến lược, địa kinh tế và đầu tư.
Như vậy, nền thương mại Ấn Độ còn “nhặt nhạnh” được gì? Không nhiều. Họ đã sử dụng kênh đào Suez, một tuyến đường trực tiếp và khả thi. Không có lý do gì mà họ phải để mình bị cuốn vào những hố sâu của vùng sa mạc rộng lớn bao quanh Vịnh Ba Tư. Một ví dụ rõ rệt: Gần 1.100 km đoạn đường ray bị thiếu trên tuyến đường từ Fujairah (UAE) đến Haifa (miền bắc Israel), 745 km từ Jebel Ali (Dubai) đến Haifa và 630 km từ Abu Dhabi đến Haifa. Nếu tính tổng mắt xích bị thiếu, thì vẫn còn hơn 3.000 km đường sắt cần được xây dựng. Tất nhiên, người Trung Quốc có thể làm điều này chỉ trong một bữa sáng và rất nhanh chóng, nhưng họ không tham gia vào trò chơi này và không có dấu hiệu nào cho thấy “băng đảng” IMEC sẽ mời họ.
Mọi ánh mắt đều đổ dồn vào Syunik
Xét bài viết chi tiết về Cuộc chiến Hành lang giao thông do tạp chí The Cradle đăng tải vào tháng 6 năm 2022, ta có thể thấy rõ, nhiều ý định hiếm khi phù hợp với thực tế. Nhiều dự án lớn này chỉ chú ý đến logistics, logistics và logistics - tất nhiên, chúng cũng bao hàm chặt chẽ ba trụ cột quan trọng khác: Năng lượng và tài nguyên năng lượng, lao động và sản xuất, quy định thị trường và thương mại. Lấy ví dụ về Trung Á. Nga và 3 “stan” (fan cuồng) ở Trung Á - Kyrgyzstan, Uzbekistan và Turkmenistan, đang triển khai một hành lang vận tải đa phương thức phía Nam, đi vòng qua Kazakhstan. Để làm gì? Xét cho cùng, Kazakhstan và Nga đều là thành viên chủ chốt của Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU) và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO).
Lý do là vì hành lang mới này sẽ giải quyết được hai vấn đề chính mà Nga gặp phải, những vấn đề nảy sinh từ cơn cuồng loạn trừng phạt của phương Tây. Thứ nhất, hành lang đi qua biên giới Kazakhstan. Tại đây, mọi hàng hóa đi đến Nga đều được kiểm soát cặn kẽ. Ngoài ra, phần lớn hàng hóa có thể được chuyển đến cảng Astrakhan của Nga ở Biển Caspian. Astana, dưới áp lực của phương Tây, đã chơi một trò chơi che đậy rủi ro với Nga. Do đó, họ có thể đánh mất vị thế trung tâm vận tải ở Trung Á và khu vực Biển Caspian. Kazakhstan cũng là một phần của BRI; người Trung Quốc quan tâm rất nhiều đến tiềm năng của hành lang mới này.
Ở vùng Kavkaz, câu chuyện thậm chí còn phức tạp hơn và một lần nữa, đó là về “chia để trị”. Vào hai tháng trước, Nga, Iran và Azerbaijan đã cam kết xây dựng một tuyến đường sắt duy nhất nối Iran và các cảng ở Vịnh Ba Tư với Azerbaijan, rồi nối tuyến này vào hệ thống đường sắt Nga-Đông Âu. Đây là dự án đường sắt có quy mô ngang Đường sắt xuyên Siberia, nhằm kết nối Đông Âu với Đông Phi và Nam Á, bỏ qua kênh đào Suez và các cảng châu Âu. Có thể nói, đây là một INSTC (Hành lang Giao thông Bắc-Nam quốc tế) phiên bản “quá đà”.
Sao không thử đoán xem chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo? Một hành động khiêu khích ở Nagorno-Karabakh, với nguy cơ chết người không chỉ liên quan đến Armenia và Azerbaijan, mà còn cả Iran và Thổ Nhĩ Kỳ. Tehran đã đặt ra làn ranh đỏ rất rõ ràng: Họ sẽ không bao giờ để Armenia bị đánh bại, nhất là với sự tham gia trực tiếp của Thổ Nhĩ Kỳ - một nước hoàn toàn ủng hộ Azerbaijan. Thêm vào hỗn hợp gây nổ này là những cuộc tập trận quân sự chung giữa Mỹ và Armenia, được công bố rộng rãi như một trong những chương trình dường như vô hại trong khuôn khổ “quan hệ đối tác” với NATO. Trong khi đó, Armenia là một thành viên của CSTO (Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể) do Nga lãnh đạo.
Tất cả những điều này nêu bật một âm mưu phụ của IMEC: Làm suy yếu INTSC. Nga và Iran nhận thức rõ về những điểm yếu cố hữu của INTSC: Tình trạng bất ổn chính trị giữa một số bên tham gia; “nhiều tuyến đường sắt còn thiếu”; tất cả cơ sở hạ tầng quan trọng vẫn chưa được xây dựng.
Về phần mình, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan sẽ không bao giờ từ bỏ hành lang Zangezur xuyên qua Syunik (một tỉnh miền nam Armenia) và sắp đến là xuyên qua lãnh thổ Armenia. Được lên kế hoạch theo hiệp định đình chiến năm 2020, hành lang này nối Azerbaijan với Thổ Nhĩ Kỳ, thông qua vùng đất Nakhchivan của người Azerbaijan. Baku đã đe dọa tấn công miền nam Armenia nếu Yerevan không tạo điều kiện cho xây dựng hành lang Zangezur. Do đó, Syunik là vụ án lớn tiếp theo chưa có lời giải đáp trong bí ẩn này. Cần lưu ý rằng Tehran sẽ không dừng lại ở việc ngăn cản sự hình thành hành lang Thổ Nhĩ Kỳ-Israel-NATO - một hành lang khác nhằm cắt đứt Iran khỏi Armenia, Georgia, Biển Đen và Nga. Thế nhưng, hành lang sẽ trở thành hiện thực nếu liên minh nhuốm màu NATO này chiếm được Syunik.
Vào ngày 25/9, Tổng thống Erdogan và Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev sẽ gặp nhau tại vùng đất Nakhchivan nằm giữa Thổ Nhĩ Kỳ, Armenia và Iran, nhằm khởi động một đường ống dẫn khí đốt và mở một khu phức hợp sản xuất quân sự. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ biết rằng, rồi cuối cùng, Zangezur (Syunik) sẽ cho phép Thổ Nhĩ Kỳ kết nối với Trung Quốc bằng một hành lang xuyên qua Azerbaijan và Biển Caspian. Điều này sẽ cho phép tập thể phương Tây trở nên táo bạo hơn trong quá trình thực hiện chiến lực “chia để trị” nhằm chống lại Nga và Iran. Như vậy, liệu IMEC có phải chỉ là một ảo tưởng xa vời khác của phương Tây? Nơi mà ta cần để mắt đến, chính là Syunik.