Hạnh phúc của 'hoa khôi làng' lấy chồng ngồi xe lăn
Những ngày cuối năm, khi những mét bê tông của con đường mới dẫn đến gần cửa nhà vừa khô, cũng là lúc chị Loan được anh Mến - người chồng từng bị liệt toàn thân, chở trên chiếc xe tay ga mới tinh sau gần 10 năm kể từ đám cưới cổ tích.
Quyết đến với người mình yêu
Chị Lục Thị Loan (28 tuổi) tâm sự: "Cảm giác lần đầu tiên được chồng chở đi bằng xe máy hạnh phúc khó tả lắm chị ạ".
Hơn 10 năm trước, khi nhận lời yêu và cưới anh Mến, nhìn anh Mến yếu ớt trên xe lăn, chị Loan chưa bao giờ nghĩ, cô lại có được cuộc sống như hôm nay.
Câu chuyện tình của anh chị nổi tiếng khắp vùng cũng như mạng xã hội những ngày ấy, khi bức ảnh cô dâu xinh đẹp, khỏe mạnh đẩy xe lăn chở chú rể khuyết tật trong đám cưới ngập nước mắt của nhà gái được lan truyền.
Người ta rất khó lý giải khi chị Loan trẻ trung, xinh đẹp, được coi là hoa khôi của làng ngày ấy lại chấp nhận lấy chàng trai tật nguyền, liệt hai chân, chỉ có thể ngồi trên xe lăn, nhà lại nghèo ở cuối thôn Trại Mới, xã Đồng Hưu, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang.
Anh Hà Văn Mến (37 tuổi) bị tai nạn giao thông nghiêm trọng vào ngày giáp Tết năm 2010, khi anh mới 24 tuổi. Sau tai nạn, anh Mến thoát cửa tử nhưng bị mẻ đốt sống cổ thứ tư, liệt hai chân, hai tay.
Từ đó, anh Mến nằm bẹp như một khúc gỗ, hoàn toàn phụ thuộc vào sự chăm sóc của mọi người.
Sáu tháng sau, trải qua nhiều đợt trị liệu, anh Mến mới có thể nhúc nhích ngón tay. Gần một năm sau, anh Mến nỗ lực luyện tập để có thể giơ cánh tay, nhúc nhích đôi chân.
Khi gặp chị Loan, anh Mến đã có thể cầm nắm đồ vật nhẹ, đứng lên nhờ nạng. Nhưng chị Loan vẫn không nề hà, quyết tâm lấy anh Mến dù gia đình ngăn cản.
Vượt lên từ nghịch cảnh
Yên Thế là huyện miền núi của tỉnh Bắc Giang, xã Đồng Hưu lại nằm xa trung tâm, nhà anh Mến ở cuối thôn, nên cái nghèo bủa vây hai vợ chồng.
Không nản lòng, hai vợ chồng dìu nhau qua khó khăn, trải qua đủ các nghề từ làm bánh kẹo, rang xay ngũ cốc để mưu sinh.
Trong hành trình mưu sinh nhọc nhằn ấy, những việc nặng, cần nhiều sức lao động thì chị Loan gánh vác. Thương vợ, anh Mến loay hoay đóng gói, ghi đơn hàng.
Và điều kỳ diệu đã xảy ra, nhờ nỗ lực làm lụng và tình yêu thương, chăm sóc của vợ, sức khỏe của anh Mến ngày càng khá lên. Đến giờ, anh Mến đã có thể tự đứng lên và bước đi vài bước, dù bước chân vẫn yếu và chậm.
Nhưng đôi bàn tay của anh Mến đã gần như phục hồi, anh có thể hỗ trợ vợ quấy bột, làm bánh. Anh Mến cũng đã điều khiển được xe ba bánh dành cho người khuyết tật để đi ship hàng.
Và kỳ diệu hơn nữa, là họ đã có thêm hai con trai, gái, 7 tuổi và 5 tuổi kháu khỉnh, ngoan ngoãn. Nỗi lo của gia đình nhà ngoại và chính của cả chị Loan ngày nhận lời cưới anh Mến, đó là họ có khả năng sinh con không, thì nay câu trả lời đã rất rõ ràng.
Kể lại những ngày tháng thăng trầm, chị Loan vừa nói mà nước mắt chỉ chực tuôn rơi. Cô cho biết những ngày đầu mới kết hôn, hai vợ chồng sống trong căn nhà cấp 4 nhỏ, gian bếp có bậc nên chồng ngồi xe lăn không thể di chuyển xuống phụ giúp.
Chị Loan vác bụng bầu vừa đi làm công nhân ở khu công nghiệp cách nhà hàng chục cây số vừa cơm nước, lo toan đủ thứ. Sau đó, vì con nhỏ nên cô phải bỏ việc làm công nhân, ở nhà làm việc cùng chồng.
Chị Loan chia sẻ: "Cuộc sống hai vợ chồng có nhiều vất vả nhưng em không bao giờ hối hận vì anh Mến luôn là chỗ dựa vững chắc. Anh nỗ lực từng ngày để cải thiện sức khỏe. Em không dám nghĩ một ngày anh có thể đứng lên, vịn vào khung gỗ để đi lại".
Hạnh phúc lần đầu ngồi sau xe chồng
Cảm động vì sự vượt khó của hai vợ chồng, nhiều nhà hảo tâm đã tới thăm và động viên. Mỗi người 2-3 triệu đồng, nhờ đó, cả hai đã gom góp mua một chiếc máy rang xay ngũ cốc tự động. Từ đây, hai vợ chồng cũng vơi phần vất vả.
Khoảng hơn một năm gần đây, khi hai con cứng cáp, đứa lớn bắt đầu vào tiểu học, chị Loan trở lại đi làm công nhân tại khu công nghiệp ở Vân Trung, Bắc Giang, cách nhà khoảng 40km.
Lóc cóc với chiếc xe Wave cũ mèm đi 15km ra bến xe để bắt xe buýt tới chỗ làm, chị Loan phải ra khỏi nhà từ 5h30 sáng để kịp 8h vào làm và trở về nhà vào 22h tối. Còn anh Mến ở nhà gượng đứng dậy đưa hai con đi học, cơm nước, rang xay ngũ cốc.
Cả hai đều nỗ lực nhưng cuộc sống đâu phải lúc nào cũng êm đềm. Có thời điểm, trên đường về nhà, trời mưa, xe hỏng giữa đường, chồng không thể tới để hỗ trợ đẩy xe về, chị Loan chỉ biết khóc vì tủi thân. Dẫu vậy, về đến nhà, thấy chồng con quây quần, bao mệt mỏi, xót xa lại nằm ở ngoài cánh cửa.
Chiếc xe tay ga LEAD là công sức tích cóp, tằn tiện, suy nghĩ nhiều đêm mới dám mua vào đầu năm 2024 của hai vợ chồng. Nhưng mãi đến ngày 15/12 vừa qua, chị Loan mới chính thức được ngồi đằng sau, ôm anh Mến trọn vẹn.
Gần một năm trời, hai người xót xe không dám đi vì đường làng còn gồ ghề, lởm chởm đất đá, cố dùng chiếc xe máy Trung Quốc 4 bánh cũ, thấp nhỏ cho đến khi không thể dùng được nữa mới thôi.
"Anh Mến không kiểm soát được chân nên nhiều khi đi xe cũ qua đoạn đường xóc, xe nảy lên là chân anh Mến cũng rơi ra ngoài", chị Loan chia sẻ.
Với chiếc xe ga mới, anh Mến có thể dễ dàng điều khiển hơn. Thêm nữa, hai vợ chồng phải tìm địa chỉ cải tiến xe uy tín ở tận Quảng Ninh để lắp thêm hai bánh, giúp chiếc xe ổn định, anh Mến mới có thể đi lại.
Có lẽ ám ảnh vì tai nạn giao thông năm nào, đi đâu, anh Mến cũng dặn vợ và người thân phải đội mũ bảo hiểm cẩn thận và đi thật chậm.
Theo ông Lưu Văn Thái, Trưởng thôn Trại Mới, gia đình anh Hà Văn Mến và chị Lục Thị Loan là hộ nghèo trong thôn. Từ khi anh Mến bị nạn đến nay, gia đình có bao nhiêu tiền của đều đổ vào chạy chữa. Hai vợ chồng được người làng yêu mến vì tu chí làm ăn, nỗ lực vượt lên nghịch cảnh.
Biết được hoàn cảnh gia đình, địa phương cũng hỗ trợ hai vợ chồng một con bò để chăn nuôi và bồn để trữ nước sạch. Ngoài ra, hằng tháng, gia đình anh Mến cũng được hưởng chính sách dành cho người khuyết tật.