Hạnh phúc lớn nhất là được làm giáo viên!

Họ - những thầy cô thầm lặng, miệt mài chọn những con đường khó nhưng họ thật hạnh phúc! Hạnh phúc khi bọn trẻ đến trường đầy đủ mỗi ngày, và biết vươn tới những khát vọng. Để làm được những điều tưởng như hết sức giản đơn đó, thầy cô dạy trẻ khuyết tật, thầy cô vùng cao đã đổi bằng những năm tháng thanh xuân tươi đẹp của mình. Họ đã hết mình cho những hạnh phúc tưởng như đơn sơ, bình dị mà vô cùng lớn lao…

Thầy Chu Chu Cà tại một lớp ghép ở Thu Lũm (Mường Tè, Lai Châu).

Thầy Chu Chu Cà tại một lớp ghép ở Thu Lũm (Mường Tè, Lai Châu).

Hạnh phúc khi nhìn thấy trò vui vẻ

Cô giáo Dương Thu Hằng, người đã gắn bó nhiều năm với ngôi trường đặc biệt - PTCS Nguyễn Đình Chiểu (Hai Bà Trưng - Hà Nội) chia sẻ: “Khi nhận lớp việc đầu tiên chúng tôi phải giúp các học sinh (HS) bình thường làm quen với sự có mặt của các bạn học sinh khiếm thị (HSKT) trong lớp. HS lớp 1 còn nhỏ nên thầy cô phải giải thích rõ cho các con hiểu các bạn HSKT sẽ gặp những khó khăn gì khi đi học, ngồi học và chỉ ra những việc cần giúp các bạn đó.

Cùng với đó, thầy cô cũng phải chú ý đến các nhu cầu bình thường nhất của HSKT như: đi vệ sinh, uống nước, khi ra khỏi lớp và vào lớp. Do nhút nhát, tự ti, ngại nhờ cô, nhờ bạn và hầu như chưa tự phục vụ được bản thân nên ảnh hưởng tới quá trình học tập. Khó khăn khi dạy học nữa là hướng dẫn HS sờ được sách giáo khoa (chữ nổi), sờ chữ, hình, tìm bài học. HSKT cần rèn luyện xúc giác để sờ được chữ, có tư duy tưởng tượng tốt mới sờ được hình. Có HS rèn kĩ năng sờ chấm chữ rất khó hoặc không có khả năng xúc giác tinh nên không nhận được chữ.

 lCô giáo Dương Thu Hằng, người đã gắn bó nhiều năm với ngôi trường đặc biệt - PTCS Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội).

lCô giáo Dương Thu Hằng, người đã gắn bó nhiều năm với ngôi trường đặc biệt - PTCS Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội).

Việc sử dụng sách chữ nổi cũng là một khó khăn với HS lớp 1 vì khổ sách to, nặng, lấy sách, cất sách không dễ dàng. Sách toàn giấy nilon, đóng gáy nhựa nên trơn, mở sách đúng trang, giữ sách trên bàn để không trượt xuống đất phải mất một thời gian. Tuy nhiên khi lên các lớp trên khó khăn này sẽ giảm và HS thích nghi. Cho dù có HS khóc dài cả tháng, có HS không phản ứng mạnh mẽ nhưng ngồi im cả ngày như vô cảm… “Do đó, chỉ đến lúc nhìn từ xa thấy HSKT nắm tay bạn đi trên sân trường hay hành lang là GV chúng tôi đã thấy hạnh phúc, nhẹ lòng và có thể mỉm cười. Với GV dạy HSKT chúng tôi, HS vui vẻ thì GV mới hạnh phúc”.

Cô Dương Thu Hằng cho biết, học sinh khiếm thị có khả năng nhận biết âm thanh tốt, vì vậy cô luôn tạo điều kiện và tư vấn cho phụ huynh để các em tiếp xúc với âm nhạc nhiều hơn. Âm nhạc mang đến cho các em một tâm hồn mới, ở đó các em không còn rơi vào trầm lặng, buồn chán. Và nhiều năm trường đã xây dựng được dàn nhạc dân tộc. Từ đó đào tạo được nhiều thế hệ học sinh ra trường theo nghề và gặt hái nhiều giải thưởng cao.

Bên cạnh đó, điều làm cho học sinh khiếm thị vui vẻ, hạnh phúc chính là có bạn bè. Vì vậy, theo cô Hằng, thầy cô luôn tạo cầu nối gắn kết học sinh bình thường với học sinh khiếm thị, giúp các em hòa đồng, tự tin với mọi hoạt động từ học tập tới sinh hoạt nơi trường lớp… Từ đó các em biết quan tâm nhiều hơn đến con người và thế giới xung quanh, biết chia sẻ và yêu thương, tự giác, độc lập và các giá trị đạo đức đúng đắn...

Hạnh phúc với giáo viên vùng cao đơn giản lắm!

Thầy Chu Chu Cà, Trường phổ thông DTBT Tiểu học Thu Lũm, Mường Tè, Lai Châu cho biết, đây là xã biên giới xa nhất của huyện Mường Tè. Hạnh phúc với thầy Chu Chu Cà là lớp học, trường học hạnh phúc là lớp học có đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo và an toàn cho cả thầy và trò. Cùng với đó, việc học sinh đến trường, đến lớp đầy đủ đã là một niềm hạnh phúc. Và hạnh phúc hơn cả là học sinh chăm ngoan, học giỏi, tiếp thu, lĩnh hội kiến thức trong học tập, hăng hái trả lời khi thầy, cô hỏi… Hạnh phúc đối với các giáo viên vùng cao đơn giản lắm. Đó là những lúc học sinh ê a đọc từng chữ, từng từ, rồi biết đọc, biết viết. Cũng có lúc, hạnh phúc là khi các thầy cô “cắm bản” được người dân đem tặng quả bí, quả dưa hay nắm xôi, con gà”…

Chu Chu Cà và học sinh nắm tay nhau lội suối đến trường.

Chu Chu Cà và học sinh nắm tay nhau lội suối đến trường.

Thầy kể: “Tôi ở trên này, gần với gia đình nên chưa thể cảm nhận hết sự xa cách của các giáo viên vùng cao. Có những thầy, cô lên đây công tác đã hơn 10, 20 năm, nhà cách xa hàng trăm, hàng nghìn cây số. Hạnh phúc đối với họ nhiều khi là lúc nhận được cuộc điện thoại của người thân hỏi han, quan tâm, động viên mình công tác. Khi có người nhà lên thăm, họ vui mừng, tiếp đón và những thầy cô khác trong trường cũng chia sẻ - tôi nghĩ, đó là hạnh phúc!

Một ngôi trường được xem là hạnh phúc khi ở đó không có những hành vi, lời lẽ vi phạm đạo đức xã hội, xúc phạm nhân phẩm, danh dự của nhà giáo. Không có bạo lực học đường, không có những vụ đánh nhau, xô xát giữa học sinh...

Khó có thể kể hết những khó khăn khi ở Thu Lũm, trước kia, để đi đến các bản xa trong xã cũng phải hết nguyên một ngày đường. Nhiều thầy, cô lên đây công tác phải mấy tháng, có khi cả năm mới được về nhà một lần. Bên cạnh đó, đa phần các em đều là học sinh người dân tộc, khả năng tiếng Việt của các em còn hạn chế. Các em còn rụt rè trong giao tiếp, ảnh hưởng đến khả năng nhận thức. Trong đó, có các học sinh dân tộc La Hủ ở bản Là Si, với truyền thống du canh du cư, họ không quan tâm tới học lấy con chữ. Họ luôn có suy nghĩ nếu để con đi học hết thì không có người làm việc nhà, trông em, nên thường cho những em lớn tuổi hơn, nhất là học sinh từ bậc THCS ở nhà làm việc, phụ giúp gia đình.

Và mọi nỗ lực của thầy đã được đền đáp khi học sinh đã chuyên cần tới lớp, các em đã dần tự tin hơn, học tốt hơn. Nhiều em đã cố gắng vươn lên, giành thành tích cao trong học tập. Đó là những niềm vui của người thầy, người cô khi dạy học ở vùng cao.

Một kỷ niệm mà thầy không bao giờ quên, đó là một ngày đi vận động học sinh ở bản Là Si đầu năm học 2016-2017. Trên đường thầy và trò quay về trường, một cơn mưa to, gió lớn ập tới. Nước lũ bắt đầu chảy dồn về con suối - nơi mà thầy trò đang phải lội qua mới đến được trường. Trước những sức mạnh của thiên nhiên, thầy và trò tay cầm tay, em nào bé quá thì thầy cõng vượt suối.

“Nghĩ lại lúc đó, tôi thấy vô cùng mạo hiểm, nhưng đó là cách duy nhất để chúng tôi đến được trường. Và chúng tôi cũng không biết được con đường băng rừng quay trở lại bản có thực sự an toàn hay không? Cuối cùng chúng tôi đều an toàn” - thầy Chu Chu Cà cho biết.

Với các thầy cô vùng cao, đến đâu, bà con cũng coi họ như người nhà. Các thầy, cô thực sự hạnh phúc khi nhận được tình cảm, món quà của học sinh và phụ huynh rất đỗi giản dị nhưng vô cùng đáng quý. Đó cũng là động lực để nhiều thầy, cô cảm thấy đây như là nhà, là quê hương để cống hiến và gắn bó.

Những năm gần đây, các trường đều được đầu tư cơ sở vật chất để các em được ăn, ở bán trú. Học sinh có những chế độ chính sách hỗ trợ khi đi học… Điều đó giúp các em đến trường đông đủ hơn. Tuy nhiên, xã Thu Lũm được công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới nên theo Quyết định 861/QĐ-TTg, nên mọi chế độ, chính sách được hưởng như xã vùng 1. Tại trường PTDTBT Tiểu học Thu Lũm, nhiều học sinh không còn chế độ bán trú nên bỏ về bản. Cũng may nhà trường có các điểm bản, sẵn sàng mở lớp khi học sinh quay trở về. Ban giám hiệu nhà trường cũng đã chỉ đạo các giáo viên xuống bản dạy học. Tuy nhiên, do phát sinh nhiều lớp nên giáo viên không đủ để bố trí dạy mỗi người 1 lớp mà phải dạy lớp ghép.

Để tạo cho lớp học sinh động và dễ hiểu, thầy chọn cách dạy học bằng các trò thi đố, trò chơi, tổ chức hoạt động sắm vai, học theo nhóm và dạy học ngoài không gian lớp học...

Cứ như vậy, sự bền bỉ bằng nhiều cách khác nhau để mang lại kiến thức cho học trò nơi biên cương, thầy Chu Chu Cà không nghĩ hạnh phúc là điều gì đó quá lớn lao. “Điều tôi quan niệm là mình sống như thế nào để có thể góp một phần công sức nhỏ nhoi của mình cho quê hương, đất nước. Không chỉ truyền đạt tri thức cho học trò mà còn phải đem đến cho các em niềm vui, niềm hy vọng, hạnh phúc trong cuộc sống hàng ngày. Đã hơn 10 năm gắn bó với nghề, dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng tôi luôn cố gắng để vượt lên tất cả để làm đúng trách nhiệm và bổn phận của một người thầy. Và, cứ như thế, tôi đón nhận những hạnh phúc, những niềm vui nho nhỏ của nghề dạy học”…

“Tôi là một người con của bản, khi được giảng dạy, truyền đạt kiến thức, kĩ năng cho các em học sinh vùng biên giới, tôi cảm thấy mình hạnh phúc. Và tôi luôn nỗ lực thực hiện mong muốn làm sao cho các em được đến trường, được học chữ” - thầy Chu Chu Cà giản dị bày tỏ.

PGS.TS Chu Cẩm Thơ (Viện Khoa học giáo dục Việt Nam): Thầy cô hạnh phúc sẽ thay đổi thế giới

“Tôi được sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghề giáo. Nghề đối với tôi rất thiêng liêng. Nhờ nghề, mà tôi được lớn lên, được dưỡng nuôi trong thiện lành và những gì tốt đẹp nhất của phẩm chất người “Thầy” đã được mẹ tôi, chị tôi, những người đồng nghiệp đi trước làm gương, lưu truyền lại. Tôi vui, tôi buồn, tôi thành công… đều gắn bó với nghề.

Đã gần 20 năm gắn bó, tôi may mắn khi dạy học cả cho các bé mẫu giáo, rồi học sinh tiểu học, trung học, sinh viên, cả những người đã làm giáo viên… Với mỗi đối tượng, tôi lại được trải nghiệm những cung bậc cảm xúc khác nhau… Tuy nhiên, luôn luôn thường trực trong tôi là niềm vui sướng khi được chuẩn bị bài dạy, được dạy… và luôn mong mỏi người khác học, học nữa như là một công thức để tìm thấy động lực, niềm vui.

Đôi khi tôi lấy làm tiếc, vì có những giáo viên không đủ tự tôn, không cảm nhận được hạnh phúc với nghề. Những trường hợp như thế, người giáo viên ấy lại lan truyền những điều chưa trọn vẹn, chưa xứng đáng với nghề. Hoặc cũng có những người giáo viên, họ chỉ coi nghề là công cụ kiếm sống. Điều đó khiến tầm nhìn về nghề của họ bị hạn chế, khiến họ chưa nhận ra quyền năng tuyệt vời của nghề làm thầy.

Thầy cô hạnh phúc sẽ thay đổi thế giới. Tôi đã thực chứng, đã nghiên cứu và luôn tin rằng thầy cô giáo nào cũng có thể hạnh phúc với nghề, với đời và lại tạo ra hạnh phúc”…

Nguyễn Mỹ

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/hanh-phuc-lon-nhat-la-duoc-lam-giao-vien-post422796.html