Hạnh phúc từ những yêu thương

Mối quan hệ gần gũi, thân thiết giữa thầy và trò giúp giáo viên làm việc hiệu quả hơn, học sinh có niềm vui, hạnh phúc khi đến trườn

Cô Thúy và các trẻ tại cơ sở mầm non Thuận Bình.

Cô Thúy và các trẻ tại cơ sở mầm non Thuận Bình.

Với tình yêu thương học trò, những người thầy, người cô luôn đặt trọn tình cảm vào từng tiết học, bài giảng. Đó chính là vũ khí hữu hiệu giúp thầy cô “chinh phục” học trò, là chìa khóa đem lại hạnh phúc cho học trò mỗi ngày đến trường, được các em ghi nhớ, làm hành trang bước vào đời.

Tâm nghề

Cơ sở mầm non Thuận Bình (xã Truông Mít, huyện Dương Minh Châu) có 5 lớp học dành cho trẻ, từ nhà trẻ đến lớp lá. Trong văn phòng nhỏ, cô Mai Thị Thanh Thúy, chủ cơ sở miệt mài với công việc của mình. Năm 2014, từ Bình Dương theo chồng về Truông Mít sinh sống, cô lập cơ sở giữ trẻ và phát triển cho đến hiện tại.

Cô Thúy nhớ lại: “Lúc đầu, lớp chỉ có 14 trẻ, cơ sở vật chất lại nhỏ hẹp và thiếu giáo viên, chưa tạo được niềm tin cho phụ huynh nên cơ sở giữ trẻ hoạt động khá khó khăn”. Cô nói, mình may mắn nhận được hỗ trợ từ chính quyền địa phương, Phòng Giáo dục, các trường mẫu giáo trên địa bàn mà dần hoàn thiện được cơ sở. “Tôi luôn nhớ rõ, từ 14 trẻ ban đầu rồi lên 25, 32 trẻ và bây giờ đã hơn 100 em. Tôi thấy rất vui!”- cô Thúy chia sẻ.

Đến với nghề do cái duyên, 27 tuổi, cô Thúy từ bỏ việc văn phòng, chuyển sang làm giáo viên mầm non sau khi tốt nghiệp trung cấp, dù thu nhập thấp. Vừa học vừa làm, cô dần hoàn thiện và có tấm bằng đại học. Không dừng ở đó, cô Thúy còn đăng ký những lớp học trực tiếp hoặc online để nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, tích cực tham gia các buổi hội giảng, dự giờ hay tập huấn khi có điều kiện.

Hiện nay, tại cơ sở mầm non của cô Thúy, ngoài các lớp học theo chương trình còn có các lớp năng khiếu như vẽ, tiếng Anh, aerobic... Năm học này, sau khi hoàn thành khóa học online, cô mở thêm lớp giáo dục đặc biệt dành cho trẻ chậm nói, tự kỷ. Ngoài ra, cô Thúy còn sáng tạo các hoạt động ngoại khóa như “Con tham quan trường tiểu học” dành cho các bé lớp lá tìm hiểu về môi trường mới, hay các chuyến dã ngoại cho trẻ tham quan nông trại, làng nghề… qua đó giúp trẻ thêm tự tin và hiểu biết hơn.

Cô chia sẻ: “Thấy các con không có được điều kiện học tập đầy đủ như trẻ ở thành thị, nên tôi đưa vào chương trình học những tiết ngoài giờ, mở ra “chân trời mới” để các con tiếp thu tốt hơn, cũng như tạo sân chơi bổ ích cho trẻ”.

Tại phường Long Thành Bắc, thị xã Hòa Thành, lớp học Nhân cách sống của cô Nguyễn Thị Thanh Sương không còn xa lạ với các bậc phụ huynh. Từ lớp học này, nhiều thế hệ học sinh đã trưởng thành.

Cô Sương tỉ mỉ ghi nhận xét sau mỗi buổi học của học sinh.

Cô Sương tỉ mỉ ghi nhận xét sau mỗi buổi học của học sinh.

Mấy mươi năm qua, cô giáo Thanh Sương vẫn luôn lồng ghép những lời giảng về đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh trong những tiết dạy hay buổi luyện văn. Ba năm nay, mỗi dịp hè, cô mở lớp nhân cách sống dạy miễn phí cho trẻ cấp 1 và cấp 2. Những buổi học của cô sẽ là bài giảng gắn với câu chuyện về đạo đức, lễ nghĩa của con cái dành cho ông bà, cha mẹ, người xung quanh mình; là kỹ năng trong sinh hoạt thường ngày, giúp các cháu phát triển nhân cách tốt hơn.

Cô Thanh Sương nói, những buổi học sẽ có kiểm tra và đánh giá sự tiến bộ của các em, nhờ vậy mà mang lại hiệu quả. Những ý tưởng bài học được cô Thanh Sương lấy từ thực tiễn cuộc sống, ngay trong lớp học nên trẻ không bị nhàm chán. Từ những câu chuyện cụ thể, cô giúp học sinh hiểu vấn đề và cho các em ghi nhớ bằng vài dòng ngắn ngủi. Cô tâm sự: “Không thể mong toàn bộ học sinh tham gia lớp học sẽ tiến bộ theo ý mình, chỉ cần số ít em có thay đổi là thấy vui rồi”.

Sắp bước sang tuổi 70 nhưng cô Thanh Sương vẫn đầy nhiệt tâm, tỉ mỉ trong việc giảng dạy. Cô chia sẻ: “Với tôi, ngoại hình có thể thay đổi theo thời gian nhưng tinh thần vẫn mãi tuổi 20. Tôi luôn muốn làm gì đó giúp học sinh tiến bộ, học sinh hiếu thảo với cha mẹ, ông bà hơn, tránh xa bạo lực. Tôi hy vọng thời gian với lớp sẽ là một kỷ niệm đẹp dành cho những học sinh của mình”.

10 năm tuổi nghề, với cô giáo Trần Thị Phương Dung (giáo viên Trường THPT Lê Quý Đôn, thành phố Tây Ninh) có rất nhiều điều đáng nhớ. Cô Dung chia sẻ: “Tôi khá may mắn khi những ngày còn là học sinh đã gặp được thầy cô tâm huyết và có cách dạy sinh động, hấp dẫn”. Cô Dung luôn dành thời gian chọn những ví dụ sinh động cho các bài giảng, đó là những câu chuyện, hành động thường ngày để liên kết với bài học, giúp học sinh dễ hiểu nhất, đồng thời cũng tạo được không khí học tập vui tươi hơn.

Cô Trần Thị Phương Dung - giáo viên Trường THPT Lê Quý Đôn, thành phố Tây Ninh (bên trái trong ảnh).

Cô Dung chia sẻ: “Ngoài nâng cao kiến thức chuyên môn, tôi theo học chương trình đào tạo thạc sĩ để biết thêm nhiều cái mới. Trong quá trình học, tôi học được những phương pháp dạy của thầy, của đồng nghiệp ở nơi khác. Mỗi khi có một phương pháp mới tôi rất thích và ứng dụng ngay cho học sinh của mình”.

Có những yêu thương không nói thành lời

Nhiều năm qua đi, trong sự nghiệp chăm sóc “cây non”, tình thương với trẻ của cô Mai Thị Thanh Thúy, chủ cơ sở mầm non Thuận Bình ngày càng mãnh liệt. Cô tâm sự, từng ánh mắt, nụ cười của các con là niềm hạnh phúc của cô, nhất là khi được nghe phụ huynh khoe sự tiến bộ của trẻ; thấy các con tự tin “bung lụa” biểu diễn trước đám đông và nhận về lời khen, cô Thúy rất vui, tự hào. “Đó là động lực để mình cố gắng, tự tin đi trên con đường đã chọn”.

Hàng chục năm qua, cô Thanh Sương vẫn duy trì lớp học- nơi mang đến cho cô niềm vui, hạnh phúc. Nhiều học sinh rời đi khá lâu nhưng vẫn nhớ về cô. Không những học sinh quý mến mà cả phụ huynh đều dành cho cô những tình cảm đặc biệt.

Cô ghi nhớ những lời cảm ơn sau lời khoe về tiến bộ của con từ phụ huynh. Cô nhớ những món quà từ vườn nhà đẫu đơn sơ những thấm đậm cảm tình của học trò, của phụ huynh. Cô nhớ những cái ôm đầy tình cảm sau bao ngày gặp lại.

“Cô cho em niềm cảm hứng để cố gắng hơn và ngày càng hoàn thiện bản thân. Bài học của cô giúp em biết mở rộng tấm lòng để đồng cảm, thấu hiểu những người có hoàn cảnh khó khăn và sẵn sàng giúp đỡ mà không cần trả ơn… Em sẽ mãi biết ơn cô”; “Lớp học nhân cách sống của cô Sương mở ra nhằm dạy bảo, chỉ dẫn học sinh đi đúng đường, đúng lối.

Nhưng điều đặc biệt là cô mở lớp và truyền đạt kiến thức miễn phí. Cô dạy bằng tâm hồn, bằng tấm lòng yêu thương học sinh của mình”... Đó là những lời tâm sự của học trò về tình cảm với cô Sương, với lớp học nhân cách sống được cô chia sẻ lên mạng xã hội, như lan tỏa một niềm hạnh phúc lớn của mình.

Theo cô Dung, mối quan hệ gần gũi, thân thiết giữa thầy và trò giúp giáo viên làm việc hiệu quả hơn, học sinh có niềm vui, hạnh phúc khi đến trường. Cô nói rằng, đôi khi niềm vui của học sinh đơn giản lắm, chỉ là vài bức ảnh khoe “tấm lòng” hay sinh hoạt đời thường được cô giáo đăng lên mạng xã hội. Cô Dung luôn quan tâm, tìm hiểu và lắng nghe học sinh của mình để động viên, hỗ trợ kịp thời. “Có em đã thay đổi, học hành tiến bộ nhờ có sự quan tâm, chia sẻ của giáo viên, nhà trường. Đó là niềm vui nghề giáo mang lại”.

Vi Xuân

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/hanh-phuc-tu-nhung-yeu-thuong-a166072.html