Hành tinh bí ẩn 'vượt mặt' Trái Đất, lao vút với tốc độ 2 triệu Km/giờ
Một nhóm các nhà thiên văn học tại New Zealand có thể đã phát hiện ra ngoại hành tinh đầu tiên quay quanh một ngôi sao siêu tốc, một khám phá đầy bất ngờ về sự vận động kỳ lạ trong dải Ngân Hà.
Nghiên cứu, được công bố trên tạp chí The Astronomical Journal, mô tả một cặp đôi kỳ lạ gồm một ngôi sao và hành tinh của nó, đang di chuyển với tốc độ đáng kinh ngạc gần 2 triệu km/giờ (tương đương 540 km/giây) trong phần phình của Ngân Hà – nơi chứa Trái Đất.

Hình ảnh các ngôi sao gần trung tâm thiên hà của chúng ta, một số mang theo hành tinh. Màu của đường đi càng đỏ thì chúng lao đi càng nhanh - Ảnh: NASA
Dù hiện cách chúng ta khoảng 24.000 năm ánh sáng, cặp đôi này vẫn thu hút sự chú ý đặc biệt của giới khoa học bởi tốc độ di chuyển cực nhanh – một con số vượt xa mức thông thường. So sánh với hệ Mặt Trời, bao gồm cả Trái Đất, tốc độ của nó chỉ khoảng 724.000 km/giờ (tức 200 km/giây), thấp hơn nhiều so với hệ hành tinh vừa được phát hiện.
Nhóm nghiên cứu đã tìm thấy hệ hành tinh đặc biệt này thông qua dữ liệu từ dự án Quan sát Vi thấu kính trong Vật lý Thiên văn (MOA), do Đài quan sát Núi John tại Đại học Canterbury (New Zealand) thực hiện. Tiếp đó, họ tiếp tục sử dụng dữ liệu từ Đài quan sát Keck (Hawaii) và vệ tinh Gaia của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) để xác nhận và nghiên cứu sâu hơn về đặc điểm của hệ hành tinh này.
Theo nhà thiên văn học Sean Terry từ Trung tâm Chuyến bay Không gian Goddard của NASA, đồng tác giả nghiên cứu, ngôi sao siêu tốc này có khối lượng thấp hơn Mặt Trời. Tuy nhiên, điều đặc biệt nằm ở hành tinh đi cùng nó – một thế giới khổng lồ thuộc nhóm "siêu Sao Hải Vương", trở thành hành tinh đầu tiên từng được phát hiện quanh một ngôi sao di chuyển với vận tốc siêu tốc.
Tốc độ di chuyển của hệ hành tinh này gần chạm ngưỡng cần thiết để thoát khỏi lực hấp dẫn của Ngân Hà, khoảng 550 đến 600 km/giây. Điều này đặt ra giả thuyết thú vị rằng, nếu có một tác động nào đó khiến chúng tăng tốc thêm một chút, cặp đôi kỳ lạ này có thể sẽ sớm rời khỏi dải Ngân Hà và trôi vào không gian liên thiên hà vô tận.
Khám phá này không chỉ giúp các nhà khoa học hiểu thêm về sự dịch chuyển của các hệ hành tinh mà còn mở ra những câu hỏi mới về cách các hành tinh có thể tồn tại và tiến hóa trong những điều kiện đặc biệt như vậy.