Hành trang quý giá
Đừng đợi khi nào có điều kiện hay địa vị vững chắc trong xã hội thì mới báo đáp công ơn cha mẹ
Vừa thoát khỏi cửa tử do căn bệnh ung thư, chị Huỳnh Thị Hoàng Oanh (ngụ quận 10, TP HCM) lại phải đón nhận tin má (hơn 80 tuổi) cũng mắc phải căn bệnh quái ác này. Thương má, chị Oanh cố gắng sống lạc quan, tích cực để cơ thể vừa nhanh chóng phục hồi vừa chăm sóc, động viên tinh thần cho má.
"Con đã vượt qua, má cũng phải vậy"
"Bác sĩ nói má tôi chỉ có thể sống thêm được khoảng 6 tháng; nếu mổ thì tỉ lệ sẽ là 50-50. Tôi vượt qua bạo bệnh phần lớn là nhờ vào tình yêu thương của má. Những lần tôi vào viện xạ trị, má là người xách giỏ đưa tôi đi. Bây giờ, tôi sẽ sát cánh cùng má vượt qua giai đoạn này" - chị Oanh xúc động kể.
Chị thường dặn má: "Con đã vượt qua ung thư, má cũng phải vậy". May mắn đã mỉm cười với gia đình khi ca phẫu thuật thành công. Nhớ lại những ngày đồng hành với má, chị Oanh xúc động kể: "Bác sĩ nói 50% sự sống của má phụ thuộc vào tinh thần.
Do đó, tôi phải làm mọi thứ để vực dậy tinh thần cho má, để má được sống lâu với mình. Công lao của má không thể nào đong đếm được. Mình là con cái phải có trách nhiệm và bổn phận chăm sóc, phụng dưỡng má. Những lúc má ốm đau, mình phải là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho má".
Từ những trải nghiệm của bản thân, chị Oanh đã tham gia và trở thành Chủ nhiệm CLB Nhịp đập xanh. Thông qua CLB này, chị Oanh tích cực chia sẻ, động viên, giúp những bệnh nhân ung thư khác giữ vững tinh thần lạc quan để chống chọi và vượt qua bệnh tật, cùng tham gia tốt các hoạt động xã hội.
Trái ngược với cái tên của mình, kể từ khi vừa sinh ra, Lê Thanh Phúc (quận Bình Thạnh, TP HCM) đã phải đối mặt với nhiều biến cố, bất hạnh. Năm 4 tuổi, Phúc bị tai nạn chấn thương sọ não, cha mẹ đã bỏ rơi anh.
May mắn thay, bà nội luôn ở bên cạnh để chăm sóc và yêu thương anh. Cũng chính bà là nguồn động lực giúp anh vượt qua nghịch cảnh suốt hơn 20 năm qua. Thương bà, Phúc không bao giờ từ bỏ hy vọng và niềm tin vào tương lai.
Từ bán vé số, giữ xe đến phụ việc tại siêu thị, Phúc làm đủ nghề để cuộc sống của hai bà cháu được đầy đủ hơn. Phúc cũng tham gia tích cực công tác xã hội tại địa phương.
"Cuộc sống khó khăn đôi lúc cũng khiến mình nản lòng nhưng mình không bao giờ muốn bỏ cuộc. Nghĩ đến bà, chỗ dựa lớn nhất của đời mình, thì tôi lại có thêm động lực để sống tốt hơn, lạc quan hơn" - anh Phúc tâm sự.
Đại dịch COVID-19 đã lấy đi người chồng của chị Nguyễn Thị Bé Tư (quận Bình Tân, TP HCM) khiến gánh nặng cơm áo gạo tiền càng đè nặng lên vai chị. Nghĩ đến mẹ chồng đang bệnh tật và con nhỏ, chị ráng vượt lên khó khăn, chăm sóc cho tổ ấm, làm tròn chữ hiếu.
Mẹ chồng 75 tuổi bị bệnh thận và tiểu đường, một tay chị chăm sóc, lên thực đơn hằng ngày để sức khỏe bà tốt hơn. Chị tâm niệm: "Không được phân biệt ba mẹ chồng hay ba mẹ ruột, phải sống sao cho tốt để các con noi theo".
Sống đẹp, có trách nhiệm
Ông Ngô Minh Hải, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên TP HCM, đánh giá lòng hiếu thảo là chất kết nối các thế hệ trong gia đình.
Cha mẹ hiếu thảo với ông bà là tấm gương sáng để con trẻ học tập và noi theo. Lòng hiếu thảo xóa bỏ sự đố kỵ, ích kỷ cá nhân và lối sống thờ ơ, vô trách nhiệm...
Người có lòng hiếu thảo luôn được yêu mến, trân trọng và thành công trong cuộc sống.
"Trong thời buổi hiện nay, lòng hiếu thảo không chỉ hiểu theo nghĩa hẹp là hiếu kính, lễ nghĩa với ông bà, cha mẹ mà còn hướng mỗi người đến lối sống đẹp, nhân ái, sự bao dung, sống có trách nhiệm với gia đình và xã hội.
Đừng đợi khi nào có điều kiện hay địa vị vững chắc trong xã hội thì mới báo đáp công ơn cha mẹ. Ngay từ bây giờ, chúng ta cũng có thể thể hiện lòng hiếu thảo bằng những cử chỉ ân cần, lời hỏi han, sự lo lắng cho cha mẹ và người thân trong gia đình" - ông Ngô Minh Hải nhắn nhủ.
Phó trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Thành ủy TP HCM Nguyễn Thị Bạch Mai cho rằng dâu thảo, rể hiền, con - cháu lễ phép, chăm ngoan trong đời sống hằng ngày tạo nên nét đẹp truyền thống, mang đậm tính nhân văn.
Những người con hiếu thảo cũng góp phần rất lớn trong phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", không những làm chất lượng cuộc sống được cải thiện, nâng cao mà còn làm cho mỗi người được sống hạnh phúc trong sự quan tâm chăm sóc lẫn nhau.
"Những tấm gương hiếu thảo như ngọn lửa ấm soi vào cuộc sống còn không ít khó khăn, giúp chúng ta hiểu hơn về đạo lý làm người, thêm tin yêu vào cuộc sống tươi đẹp. Lối sống nghĩa tình - hiếu thảo là hành trang quý giá của mỗi người, mỗi gia đình Việt Nam trong quá trình hội nhập, phát triển" - bà Nguyễn Thị Bạch Mai nói.
Nhận định hiếu thảo là đức tính mà mỗi người con cần có dù trong hoàn cảnh, điều kiện nào, bà Nguyễn Trần Phượng Trân, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP HCM, phân tích hiếu thảo không chỉ là ân cần hỏi thăm, chăm sóc người lớn mà mỗi người con cần phải rèn luyện, trưởng thành từ trong suy nghĩ lẫn hành động để lối sống đẹp ngày càng lan tỏa, lấn át tiêu cực, cái xấu.
Tuyên dương 47 gương "Người con hiếu thảo"
Ngày 7-10, Hội Liên hiệp Phụ nữ TP HCM phối hợp với Hội Liên hiệp Thanh niên TP HCM tổ chức chương trình tuyên dương gương "Người con hiếu thảo" năm 2023.
Chương trình đã tuyên dương 47 cá nhân là những tấm gương tiêu biểu.
Phong trào "Người con hiếu thảo" được phát động từ năm 1995 và nhân rộng bằng nhiều hình thức, nhận được sự hưởng ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/gia-dinh/hanh-trang-quy-gia-20231007213450705.htm