Hành trình 10 năm gắn bó học sinh nội trú của cô giáo người Mường
Đồng cảm với khó khăn, thiệt thòi của học sinh dân tộc nội trú, cô Quách Thị Huế, giáo viên Trường PTDTNT huyện Tân Phú - Định Quán, tỉnh Đồng Nai, đã dành trọn sự quan tâm, tình yêu thương và cùng các em trưởng thành.
Gắn bó với học sinh dân tộc
Ít ai biết cô Quách Thị Huế vốn không lớn lên trên mảnh đất Đồng Nai mà là người dân tộc Mường, sinh ra và lớn lên tại Thanh Hóa. Tuy nhiên, hơn 10 năm qua, cô Huế đã từng bước gắn bó và yêu quý mảnh đất Tân Phú, Đồng Nai cùng những học trò và người dân nơi đây.
Với mái tóc cắt ngắn, đôi mắt ngời sáng niềm hạnh phúc, nữ giáo viên chia sẻ, những năm phổ thông, cô Huế vốn học không tốt và sợ môn Hóa. Thay đổi xuất hiện vào năm cô học lớp 9, một thầy giáo miền xuôi chuyển về trường và phụ trách dạy môn Hóa. Qua cách giảng bài của thầy, dần dần cô Huế không còn sợ mà có thêm động lực học tập môn này.
“Đối với một học sinh dân tộc khi đó, thầy giáo không chỉ giúp tôi thay đổi thái độ học tập mà còn truyền cảm hứng để tôi yêu và phấn đấu trở thành giáo viên dạy Hóa”, cô Huế chia sẻ.
Sau khi tốt nghiệp phổ thông, cô Huế trúng tuyển và theo học tại Trường Đại học Sư phạm Huế. Ra trường, với tấm bằng cử nhân, cô vào TP. HCM tìm việc làm. Đến năm 2011, hay tin Trường PTDTNT huyện Tân Phú – Định Quán tuyển dụng giáo viên, cô Huế quyết định rời mảnh đất Sài Gòn vào Đồng Nai công tác. Từ đó đến nay, cô giáo đã có hơn 10 năm gắn bó với ngôi trường nội trú này.
Cô Huế chia sẻ: Học sinh tại Trường PTDTNT huyện Tân Phú – Định Quán đều là người dân tộc thiểu số. Là người con dân tộc, tôi như nhìn thấy “bản thân hồi trẻ” trong các em. Vì lẽ đó, tôi mong muốn các em sẽ được học tập, trưởng thành thật tốt và sau này có thể đóng góp công sức cho sự phát triển của đất nước.
Những năm đầu công tác tại Trường PTDTNT huyện Tân Phú – Định Quán, với tuổi đời, tuổi nghề còn khá trẻ, cô Huế tâm sự đã gặp không ít khó khăn vì chưa có nhiều kinh nghiệm giảng dạy thực tế, cũng chưa có nhiều thời gian làm quen, gắn bó với học sinh học nội trú.
Thế nhưng, cô cảm thấy may mắn vì từ những bước đi đầu tiên tại ngôi trường mới, nữ giáo viên luôn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ và động viên từ đồng nghiệp, ban giám hiệu nhà trường và các em học sinh thân yêu. Không chỉ chủ động trau dồi kiến thức, cô Huế đã cố gắng học hỏi kinh nghiệm của đồng nghiệp từ phương pháp giảng dạy đến việc quan tâm, chăm lo cho cuộc sống nội trú của học sinh.
Những tiết học của cô Huế không có khái niệm “hết giờ” bởi dù tiếng trống báo hiệu tiết học kết thúc đã vang lên, cô giáo vẫn nấn ná ở lại lớp giảng bài cho những học sinh còn chưa hiểu. Học sinh nhà trường thuộc các gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn nên tính cách nhút nhát, thầy cô khó trao đổi và truyền đạt kiến thức. Vì vậy, cô giáo dạy chậm, dạy nhiều lần với thái độ kiên nhẫn, nhẹ nhàng.
Buổi sáng, cô giáo dạy chương trình trên lớp, buổi chiều dạy phụ đạo còn đến buổi tối, trong các giờ tự học, cô vẫn tiếp tục hướng dẫn, trao đổi bài với học sinh. Với mỗi kiến thức mới, cô Huế thường dạy đi dạy lại cho đến khi học sinh hiểu mới thôi.
Dù vậy, cô giáo chưa từng mất kiên nhẫn bởi là người con dân tộc Mường, cô hiểu rằng việc truyền đạt kiến thức cho học sinh dân tộc gặp phải những khó khăn ra sao và người giáo viên phải cho thấy được sự chân thành đối với học sinh trước khi mong muốn các em chào đón mình. Có như vậy, học sinh mới cởi mở, lắng nghe và tiếp thu bài học.
Coi học sinh như con em mình
Bên cạnh công tác chuyên môn, cô Huế dành nhiều thời gian quan tâm, chăm lo cho đời sống của học sinh tại trường nội trú. Hầu hết học sinh nhà trường đều xa nhà, học nội trú từ năm lớp 6, cũng là giai đoạn tâm sinh lý có nhiều thay đổi. Việc thích nghi với môi trường mới đối với các em gặp không ít khó khăn.
Vì vậy, ngoài vai trò giáo viên, cô Huế cùng các đồng nghiệp đều tâm niệm “coi học sinh như con em của mình”. Ngoài giờ lên lớp, cô giáo thường tâm sự, trò chuyện với học sinh để lắng nghe những tâm tư, khúc mắc của các em.
Những học sinh mới xa nhà, còn bỡ ngỡ, cô giáo thường xuyên động viên, an ủi, khuyến khích các em tham gia những hoạt động chung của trường vừa để làm quen bạn bè vừa để thích nghi với nếp sống mới. Khi tìm được những bài học sống hay, những câu chuyện ý nghĩa về cuộc đời, cô đều chia sẻ với học sinh với mong muốn “gieo hạt giống tâm hồn”.
“Học sinh THCS là lứa tuổi bắt đầu xây dựng định hướng và ý thức về xã hội, cuộc sống nhưng giáo viên phải thay phụ huynh ở bên hướng dẫn, chỉ bảo các con xây dựng lối sống tích cực và suy nghĩ tốt. Tuy nhiên, giáo viên cũng không thể áp đặt suy nghĩ, tư tưởng của bản thân lên học sinh. Vì vậy, tôi thường kể những câu chuyện truyền cảm hứng để học sinh chắt lọc và bổ sung thêm kiến thức trên hành trình trưởng thành”, cô Huế chia sẻ.
Với cô Huế, thời gian10 năm công tác tại Trường PTDNT huyện Tân Phú – Định Quán không quá dài nhưng cũng không hề ngắn ngủi. Trong quãng đường đó, cô đã yêu và được yêu bởi học trò, đồng nghiệp và người dân địa phương. Sự chân thành, giản dị từ con người và văn hóa nơi đây đã trở thành sợi dây gắn kết cô Huế với ngôi trường dân tộc và vùng đất này.
“Được công tác tại Trường PTDTNT huyện Tân Phú – Định Quán là niềm may mắn, cơ hội đặc biệt trong cuộc đời tôi. Từ nơi đây, tôi đã được trưởng thành cùng với những thế hệ học sinh dân tộc”, cô Huế xúc động bày tỏ.
Nói về đồng nghiệp, cô Ka Mai, giáo viên Trường PTDTNT huyện Tân Phú – Định Quán, cho biết: “Cô Quách Thị Huế là người giáo viên tâm huyết với nghề, luôn nỗ lực phấn đấu vì học trò. Ở cô toát lên sự giản dị, chân thành và tình yêu thương dành cho học sinh, đồng nghiệp. Tôi cảm thấy hạnh phúc khi vừa là bạn vừa là đồng nghiệp với cô Huế”.