Hành trình 30 phút vượt biên của vải thiều ở cửa khẩu Lào Cai

Tại cửa khẩu Kim Thành (Lào Cai), vải thiều được ưu tiên xuất khẩu với thủ tục nhanh, phân luồng riêng. Nhờ đó, hàng tươi vượt biên thuận lợi, giữ nguyên chất lượng, góp phần đưa nông sản Việt vươn xa sang Trung Quốc.

Kiểm dịch nhanh, gọn, chuẩn xác

Ngày 22/5, trời còn chưa sáng hẳn, mặt đất còn âm ẩm hơi sương, anh Lê Văn Dũng, tài xế xe tải BKS 98C-914.xx, chuyên chở nông sản tuyến Lục Ngạn - Lào Cai đã nổ máy, bắt đầu hành trình quen thuộc đưa những thùng vải thiều đỏ mọng vượt hơn 200 cây số để tới cửa khẩu quốc tế Kim Thành.

Từ khi vào vụ vải thiều, tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo lực lượng chức năng tại cửa khẩu Kim Thành triển khai cơ chế "luồng xanh" ưu tiên thông quan nhanh cho nông sản tươi.

Từ khi vào vụ vải thiều, tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo lực lượng chức năng tại cửa khẩu Kim Thành triển khai cơ chế "luồng xanh" ưu tiên thông quan nhanh cho nông sản tươi.

Anh Dũng đã gắn bó với nghề lái xe hơn 15 năm, rong ruổi từ những vườn vải Lục Ngạn, Thanh Hà cho đến tận Móng Cái, Tân Thanh. Nhưng có lẽ, tuyến đường lên Lào Cai luôn để lại trong anh những cảm xúc đặc biệt: “Không phải chỉ vì cảnh đẹp đâu, mà bởi ở đây, tôi thật sự thấy mình được hỗ trợ, được coi trọng, chỉ 30 phút kê khai chúng tôi đã xuất được hàng qua biên giới".

Từ ngày 20/5 các ngành thành viên quản lý cửa khẩu bố trí cán bộ có mặt tại vị trí giải quyết thủ tục từ 6h15' (trước 45 phút so với thời gian mở cửa khẩu).

Riêng lực lượng Hải quan, Biên phòng làm việc tại Barie 2B có mặt từ 6h để tạo thuận lợi cho hoạt động thông quan quả vải tươi. Năm 2024, khoảng 40.000 tấn vải tươi đã xuất khẩu thuận lợi qua cửa khẩu Kim Thành (Lào Cai), đạt giá trị hơn 20 triệu USD.

6h sáng, khi nhiều nơi còn đang yên giấc, thì cán bộ hải quan, biên phòng, kiểm dịch thực vật và y tế quốc tế đã có mặt đầy đủ tại cửa khẩu. Không khí làm việc khẩn trương nhưng nhẹ nhàng, như thể mọi người đã quen thuộc với nhịp mùa vải.

Vải thiều là sản phẩm đặc biệt dễ hỏng, khó bảo quản và yêu cầu kiểm dịch nghiêm ngặt. Nhưng thay vì để yếu tố này trở thành rào cản, các cơ quan chức năng đã chủ động biến khó khăn thành điểm mạnh. Doanh nghiệp được phổ biến kỹ từ đầu vụ về tiêu chuẩn phía Trung Quốc, mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm... Nhờ đó, khi xe hàng đến cửa khẩu, việc kiểm tra gần như chỉ là bước xác nhận lại thông tin đã được chuẩn bị kỹ từ trước.

“Chúng tôi được hướng dẫn từ đầu mùa, nên không còn bỡ ngỡ. Mọi thủ tục diễn ra trôi chảy, lực lượng chức năng luôn hỗ trợ tận tình", anh Trần Trung Hiếu, đại diện Công ty XNK Tân Lộc Phát chia sẻ.

Thông quan nhanh, giữ độ tươi

Thời gian là yếu tố sống còn với vải thiều. Vì thế, các xe vải đều được ưu tiên xử lý ngay trong buổi sáng, không nằm chờ, không lưu kho. Nhờ quy trình “ưu tiên hóa” từ đầu đến cuối, trung bình mỗi ngày có hơn 200 tấn vải được thông quan tại cửa khẩu Kim Thành.

“Chúng tôi xác định trái vải là mặt hàng đặc thù cần ưu tiên tuyệt đối. Mọi khâu, từ phân luồng đến kiểm tra, đều được tinh giản mà vẫn tuân thủ đầy đủ quy định. Tất cả vì chất lượng và uy tín của nông sản Việt,” đại úy Nguyễn Hồng Mạnh, Trạm trưởng Biên phòng Kim Thành nhấn mạnh.

Những đoàn xe tải nối đuôi nhau chờ xuất khẩu sang Trung Quốc.

Những đoàn xe tải nối đuôi nhau chờ xuất khẩu sang Trung Quốc.

Đằng sau mỗi quả vải là công sức của người nông dân, sự sát sao của doanh nghiệp và cả sự tận tụy của lực lượng chức năng. Hành trình từ vườn đến biên giới rồi vượt qua biên giới không chỉ là chuyện của thủ tục, mà là một sự đồng hành thực sự.

Ông Hoàng Chí Hiền, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Lào Cai nói: “Chúng tôi không coi đây chỉ là công tác quản lý mà là trách nhiệm đồng hành. Vải thiều là niềm tự hào của nông sản Việt và chúng tôi làm hết sức để giữ trọn giá trị ấy khi đưa ra thế giới”.

Hà Thắng

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/hanh-trinh-30-phut-vuot-bien-cua-vai-thieu-o-cua-khau-lao-cai-192250522114541199.htm