Gọng kìm dẹp buôn lậu, hàng giả: Định hình lại cuộc chơi trên thương mại điện tử

Việc hoàn thiện thể chế và sửa đổi các Luật liên quan tới thương mại điện tử là yếu tố tiên quyết để lấy lại niềm tin và định hình cuộc chơi trên không gian mạng.

Có lẽ hiện tại trong tâm thức người tiêu dùng thì cụm từ “hàng giả” đã trở thành mối bận tâm lớn nhất. Chỉ trong vài tháng, hàng loạt vụ việc được cơ quan chức năng phát hiện đã phơi bày sự gian dối, lừa đảo trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Các đối tượng đã nhắm tới khoảng hơn 80% người dùng Internet mua sắm trực tuyến, lợi dụng những kẽ hở để tiêu thụ hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, gian lận thương mại. Chính vì vậy, bên cạnh sự quyết liệt trong kiểm tra, kiểm soát, việc hoàn thiện thể chế và sửa đổi các Luật liên quan tới thương mại điện tử là yếu tố tiên quyết để lấy lại niềm tin và định hình cuộc chơi trên không gian mạng.

Ảnh minh họa: Phạm Hậu/TTXVN

Ảnh minh họa: Phạm Hậu/TTXVN

Lật tẩy góc tối

Những ngày qua, dư luận cả nước chấn động trước thông tin Hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên bị khởi tố, tạm giam để điều tra hành vi “Lừa dối khách hàng” theo khoản 2 Điều 198 Bộ luật Hình sự. Vụ việc không chỉ khiến dư luận sửng sốt bởi danh tiếng của người vi phạm mà còn hé lộ một phần góc khuất của thị trường thực phẩm chức năng và tình trạng quảng cáo thổi phồng, gian dối đang tồn tại.

Không phải ngẫu nhiên mà vụ việc kẹo Kera được đánh giá là “giọt nước tràn ly” bởi liên tiếp nhiều vụ việc nghiêm trọng như đường dây sữa giả ở Hà Nội, thuốc giả ở Thanh Hóa, thực phẩm chức năng giả ở Phú Thọ, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc ở TP Hồ Chí Minh đã bị phát hiện cho thấy mức độ lan rộng của hàng giả, hàng nhái và đạo đức kinh doanh đang bị bào mòn.

Ông Nguyễn Bình Minh, Trưởng ban Phát triển nguồn nhân lực của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho biết: Nhìn nhận từ vụ sữa giả, thuốc, thực phẩm giả cho thấy tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng đang là vấn đề nhức nhối nhưng quá trình hậu kiểm làm chưa tốt. Việc hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng bán công khai, thoải mái trên môi trường điện tử đặt ra thách thức cần phải định danh người bán hàng, truy xuất nguồn gốc hàng hóa đầy đủ.

Theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, bình quân mỗi tháng có 2,5 triệu phiên bán hàng livestream, với hơn 50.000 người bán tham gia. “Với hoạt động kinh doanh online ngày càng phát triển, VECOM đã nhiều lần kiến nghị cần phải có những quy định bắt buộc truy xuất nguồn gốc với các mặt hàng thực phẩm chức năng, thực phẩm liên quan đến sức khỏe con người. Ngoài ra, cần phải đưa ra quy định về trách nhiệm đạo đức của người bán hàng, tránh tình trạng quảng cáo sai sự thật”, ông Nguyễn Bình Minh chỉ rõ.

Theo luật sư Hoàng Văn Hà, Giám đốc Công ty Luật ARC Hà Nội (HNLAW), việc thực thi thiếu nghiêm minh, xử lý thiếu sức răn đe, cộng với việc hậu kiểm, truy xuất nguồn gốc còn lỏng lẻo chính là điểm yếu khiến nhiều người bất chấp pháp luật. Cùng đó, vai trò kiểm duyệt nội dung quảng cáo, đặc biệt trên mạng xã hội còn buông lỏng, tạo điều kiện cho sản phẩm độc hại len lỏi vào thị trường.

Nhận định về vấn đề này, bà Lê Thị Hà - Trưởng phòng Quản lý hoạt động thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, số lượng cá nhân, thương nhân, tổ chức có tài khoản mở để vận hành website hoặc ứng dụng vẫn tăng trưởng hàng ngày, hàng năm.

Năm 2024, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã ghi nhận khoảng hơn 9.000 tài khoản từ thương nhân, tổ chức, cá nhân. Từ những tài khoản này, Bộ Công Thương tiến hành cấp phép cho các website thương mại điện tử. Số lượng website được cấp phép năm 2024 là hơn 5.729. Số lượng ứng dụng thương mại điện tử khoảng 195 (bao gồm cả những website bán trực tiếp và các nền tảng trung gian và không trung gian) vẫn tăng trưởng đều.

Đáng lưu ý, Bộ Công Thương cũng đã gỡ bỏ 120 website và 48 ứng dụng về giao dịch thương mại điện tử không còn hoạt động nhưng vẫn có dữ liệu ở trên hệ thống online.gov.vn của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Công an thực hiện những nhiệm vụ liên quan đến việc khuyến khích, xác thực để đảm bảo những sản phẩm, hàng hóa dù ở môi trường ảo nhưng vẫn có thể xác thực được địa chỉ người bán.

Không chỉ các cơ quan nhà nước, Bộ Công Thương còn phối hợp với doanh nghiệp về thương mại điện tử (hơn 55.000 doanh nghiệp vận hành thương mại điện tử bán hàng và hơn 1000 sàn giao dịch thương mại điện tử) để gỡ bỏ nhanh nhất, hiệu quả nhất những sản phẩm hàng hóa có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Trong số đó, Bộ Công Thương cũng đã phối hợp với các đơn vị sở hữu nền tảng thương mại điện tử để tháo gỡ khoảng 1.000 sản phẩm là thực phẩm chức năng, sữa.

"Tuy nhiên, hiện tại, pháp luật vẫn chưa có quy định cụ thể, chi tiết việc kiểm soát việc bán hàng, quảng cáo, chất lượng sản phẩm từ các KOL, KOC trên nền tảng mạng xã hội. Hơn nữa, việc quản lý nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới cũng là vấn đề nan giải đòi hỏi sự phối hợp tốt hơn giữa cơ quan quản lý Nhà nước, nhất là cơ quan hải quan", bà Lê Thị Hà phân tích thêm.

Tái lập niềm tin

Trước thực tế này, một tháng trở lại đây, Thủ tướng Chính phủ đã liên tiếp ban hành các văn bản chỉ đạo liên quan đến xử lý các vụ việc sản xuất, buôn bán hàng giả; đồng thời nhấn mạnh yêu cầu cơ quan chức năng ngăn chặn, xử lý kịp thời những hành vi này. Nổi bật là Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo mở cao điểm toàn quốc từ 15/5 - 15/6 nhằm truy quét hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại và xâm phạm sở hữu trí tuệ.

Theo giới phân tích, chiến dịch truy quét buôn lậu, hàng giả nếu được thực hiện nghiêm túc và đồng bộ sẽ không chỉ dẹp bỏ được một loạt đường dây vi phạm mà quan trọng hơn sẽ tái lập lại niềm tin vào thị trường và pháp luật. Đó là điều mà đất nước đang rất cần để bước vào kỷ nguyên mới.

Nhằm thực hiện cao điểm này, ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Cục trưởng Cục quản lý thị trường cho biết, toàn quốc đồng loạt triển khai kế hoạch thực hiện đợt cao điểm đấu tranh, truy quét, xử lý hàng giả, hàng nhái, hàng lậu trên phạm vi toàn quốc từ ngày 17.5 - 17.6, đặc biệt là các hành vi vi phạm trên sàn thương mại điện tử và mạng xã hội.

Trong kế hoạch đã ban hành, Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước yêu cầu các đơn vị ứng dụng triệt để công nghệ thông tin và số hóa trong quản lý, xây dựng hệ thống thu thập, chia sẻ dữ liệu, thông tin thị trường dùng chung trong toàn lực lượng quản lý thị trường và kết nối với các cơ quan chức năng khác nhằm kịp thời nắm bắt, dự báo nguy cơ buôn lậu, gian lận thương mại, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại điện tử.

Theo ông Nguyễn Thanh Bình, trước đó, đơn vị đã tăng cường phối hợp với các sàn thương mại điện tử lớn như Shopee, Tiki, Lazada… để chia sẻ thông tin, xác minh người bán, truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Hiện nay, một số nền tảng đã bước đầu thiết lập cơ chế phản hồi nhanh khi có yêu cầu từ cơ quan chức năng; triển khai các công cụ kiểm duyệt nội dung sản phẩm, nhận diện hành vi sai phạm trong đăng bán.

Tuy nhiên, hiệu quả phối hợp vẫn ở mức "hỗ trợ bước đầu" do dữ liệu người bán chưa được chia sẻ đầy đủ, thường chỉ cung cấp sau khi có yêu cầu chính thức; chưa có hệ thống kết nối thông tin liên ngành, dẫn đến việc xử lý còn thủ công, tốn thời gian. Nhiều hành vi vi phạm được ngụy trang tinh vi dưới dạng cá nhân nhỏ lẻ, khó truy xuất nhanh nếu không có dữ liệu đầy đủ từ nền tảng.

Ngoài ra, Cục đang phối hợp với Cục Công nghiệp an ninh của Bộ Công an triển khai các giải pháp ứng dụng tem công nghệ smart sticker (công nghệ RFID) và truy vết điện tử, giúp xác minh nguồn gốc, kiểm tra xuất xứ và ngăn chặn hàng giả. Bên cạnh đó, phối hợp với các sàn thương mại điện tử nghiên cứu, áp dụng công nghệ AI trong phát hiện hàng giả qua hình ảnh hoặc mô tả sản phẩm và ứng dụng blockchain để đảm bảo minh bạch trong chuỗi cung ứng, lưu thông hàng hóa.

Bà Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) nhấn mạnh: Nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, Bộ Công Thương đang khẩn trương hoàn thiện Luật Thương mại điện tử sửa đổi. Theo bản dự thảo mới nhất, các sàn giao dịch thương mại điện tử sẽ phải chịu trách nhiệm lớn hơn trong việc kiểm soát nguồn gốc hàng hóa, công khai thông tin người bán và tăng cường các cơ chế xử lý khiếu nại người tiêu dùng.

“Việc ban hành một Luật chuyên ngành thương mại điện tử chuyên biệt sẽ không chỉ để giải quyết vấn đề hiện tại mà còn định hình tương lai của lĩnh vực thương mại điện tử, đảm bảo sự phát triển cân bằng giữa quản lý nhà nước, quyền lợi người tiêu dùng và lợi ích doanh nghiệp”, bà Lê Hoàng Oanh bày tỏ.

Uyên Hương (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/gongkim-dep-buon-lau-hang-gia-dinh-hinh-lai-cuoc-choi-tren-thuong-mai-dien-tu-20250522190500868.htm