Hành trình 50 năm du lịch Thành phố Hồ Chí Minh

LTS- Trải qua nửa thế kỷ hình thành và phát triển, ngành Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đã từng bước khẳng định vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần quan trọng vào quá trình đổi mới, hội nhập và phát triển bền vững của đô thị đặc biệt - đầu tàu kinh tế cả nước. Từ những bước đi ban đầu còn khiêm tốn, đến nay, du lịch thành phố đã vươn mình mạnh mẽ, không ngừng sáng tạo, từng bước xây dựng thương hiệu điểm đến 'Hồ Chí Minh - Thành phố sống động, trẻ trung, thân thiện và nghĩa tình' trên bản đồ du lịch khu vực và quốc tế.

Du khách xem trình diễn ánh sáng bằng drone tại Lễ hội Sông nước Thành phố năm 2024. (Ảnh CTV)

Du khách xem trình diễn ánh sáng bằng drone tại Lễ hội Sông nước Thành phố năm 2024. (Ảnh CTV)

Bài 1: Vượt qua gian khó, khẳng định vị thế

Từ những ngày đầu sau giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (30/4/1975) đến giai đoạn đổi mới, mở cửa, vượt qua thách thức của đại dịch Covid-19, ngành du lịch thành phố đã không ngừng phát triển và khẳng định vị thế, hướng tới tương lai với tầm nhìn trở thành trung tâm du lịch hàng đầu khu vực Đông Nam Á.

Khởi đầu gian khó, thiết lập nền tẳng vững chắc

Sau ngày 30/4/1975, ngành du lịch Thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu hình thành trong bối cảnh đất nước vừa thống nhất, cơ sở vật chất còn hạn chế, chủ yếu là các khách sạn tiếp quản từ chế độ cũ. Chính quyền thành phố nhanh chóng thành lập cơ quan chuyên trách về du lịch để quản lý các khách sạn, khu nghỉ dưỡng ven đô như Vũng Tàu, Long Hải…

Công ty Du lịch thành phố được thành lập, đánh dấu sự ra đời của tổ chức du lịch đầu tiên của thành phố sau giải phóng, là tiền thân của Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) sau này, chủ yếu phục vụ khách nội địa và một số lượng nhỏ khách quốc tế đến từ các nước xã hội chủ nghĩa.

Năm 1984 là mốc thời gian đáng nhớ khi lần đầu ngành du lịch thành phố tham gia Hội chợ Du lịch quốc tế ITB tại Cộng hòa Liên bang Đức, mở ra bước phát triển mới cho ngành. Thấy được tiềm năng, chính quyền thành phố đã chủ động đưa vào khai thác các điểm đến là di sản văn hóa, lịch sử…

Những năm đầu, các điểm tham quan chính bao gồm Dinh Độc Lập, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh và một số di tích lịch sử, văn hóa khác thu hút đông đảo du khách. Sự thay đổi mới mẻ này đã tạo nền tảng quan trọng cho ngành du lịch thành phố phát triển mạnh mẽ trong các thập niên tiếp theo, góp phần nâng cao vị thế của thành phố trên bản đồ du lịch quốc gia.

Ông Lã Quốc Khánh, nguyên Phó Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, những hạn chế, thách thức lớn của ngành du lịch thành phố ban đầu là thiếu hụt về cơ sở vật chất; lực lượng nhân lực, sản phẩm, dịch vụ du lịch còn nghèo nàn; công tác quảng bá, xúc tiến chưa được chú trọng… Còn ông Nguyễn Hữu Thọ, nguyên Tổng Giám đốc Saigontourist nhớ lại: “Năm 1979, Saigontourist được phép trực tiếp ký kết hợp đồng phục vụ khách du lịch ở một số thị trường Ấn Độ, Pháp, Nhật Bản, Italia, Canada, Australia...

Để có nguồn nhân lực đạt chất lượng phục vụ du khách quốc tế, công ty đã kiến nghị với lãnh đạo thành phố và thành lập Trường trung học Nghiệp vụ Du lịch Khách sạn. Đây cũng là nơi đào tạo và đáp ứng nhu cầu về nhân lực cho ngành du lịch của thành phố và các địa phương khác trên cả nước sau này”.

Bước đầu định vị

Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI ra đời (tháng 12/1986) đã đánh dấu sự đổi mới quan trọng trong công tác lãnh đạo chính trị, tư tưởng và điều hành kinh tế vĩ mô. Nền kinh tế từng bước được mở cửa, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chủ động phát triển hiệu quả hơn; đây là “luồng gió mới” thổi vào một đô thị vốn sở hữu tiềm năng du lịch đa dạng với bề dày lịch sử, văn hóa và vị trí địa lý thuận lợi.

Chính quyền thành phố đã nhanh chóng “cởi trói” cho ngành du lịch. Các quy định về đầu tư, cấp phép kinh doanh được nới lỏng, tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều thành phần kinh tế tham gia. Doanh nghiệp du lịch nhà nước được sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động hơn so với trước, việc mở cửa đón khách quốc tế một cách chủ động hơn đã mở ra hướng đi mới cho du lịch.

Ông Lã Quốc Khánh, nguyên Phó Giám đốc Sở Du lịch thành phố cho biết: Lúc này, phong trào “Nhà nhà làm du lịch, người người làm du lịch” phát triển mạnh mẽ. Sự tăng trưởng về lượng khách kéo theo nhu cầu cấp thiết về cơ sở lưu trú, các khách sạn quốc doanh phục vụ không đủ, mô hình khách sạn mini bắt đầu ra đời…

Sản phẩm du lịch cũng được các doanh nghiệp và cá nhân sáng tạo, đổi mới để đáp ứng nhu cầu của khách. Từ một doanh nghiệp nhà nước, Saigontourist đã đa dạng hóa sản phẩm và dịch vụ, trở thành một trong những doanh nghiệp du lịch hàng đầu của Việt Nam.

Công ty du lịch Vietravel (thành lập năm 1995) đã có nhiều sáng tạo trong việc phát triển tour du lịch trọn gói, đưa khách trong nước đi du lịch nước ngoài và ngược lại. Công ty du lịch Bến Thành (Benthanhtourist) tiên phong trong phát triển các tour du lịch kết nối thành phố với các tỉnh miền Tây Nam Bộ.

Du lịch Hòa Bình là đơn vị mặc trang phục áo bà ba, áo dài đầu tiên để tiếp khách, góp phần quảng bá nét văn hóa Việt Nam; Fiditour lại đi đầu trong việc phát triển du lịch MICE (du lịch kết hợp các hoạt động hội họp, khen thưởng, hội thảo, triển lãm...). Các công ty đã đưa công nghệ trong quản lý và marketing, nâng cao chất lượng dịch vụ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao…

Bà Nguyễn Thị Lập Quốc, nguyên Giám đốc Sở Du lịch cho biết, trong giai đoạn đầu những năm 2000, thành phố có nhiều sự kiện lần đầu được tổ chức như: Ngày hội Du lịch thành phố, Liên hoan Ẩm thực Đất phương Nam, Lễ hội Trái cây Nam Bộ, Hội chợ Du lịch quốc tếthành phố (ITE HCMC)…; tất cả đã làm thay đổi bộ mặt ngành du lịch. Đến nay, nhiều sự kiện vẫn được duy trì và phát triển vươn tầm khu vực.

Ông Lã Quốc Khánh nhận xét: “Từ những “toa tàu” đầu tiên còn đơn sơ, ngành du lịch thành phố đã không ngừng lớn mạnh, trở thành một trong những “đầu tàu” của du lịch Việt Nam, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế của đất nước. Hành trình ấy, bắt đầu từ những năm đổi mới đầy khát vọng và vẫn đang tiếp tục trên những “đường ray” rộng mở của thế kỷ 21...”.

(Còn na)

Ngành du lịch đóng góp lớn vào GRDP của Thành phố Hồ Chí Minh

Năm 1990, cả nước đón khoảng 250.000 lượt khách quốc tế; riêng thành phố chiếm khoảng 50%, đóng góp khoảng 5,5% vào GRDP của thành phố. Năm 1995, ngành du lịch đóng góp khoảng 12% GRDP của thành phố, tạo ra khoảng 150.000 việc làm, đến năm 2019, khách quốc tế đến thành phố đạt hơn 8,6 triệu lượt, khách du lịch nội địa đạt hơn 32 triệu lượt, tổng doanh thu đạt hơn 140.000 tỷ đồng, tăng hơn 10% so với năm 2018; đóng góp khoảng 9,4% GRDP của thành phố.

KIM THOA

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/hanh-trinh-50-nam-du-lich-thanh-pho-ho-chi-minh-post872462.html