Hành trình 50 năm du lịch Thành phố Hồ Chí Minh

Ngành du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đang tập trung nâng chất sản phẩm du lịch hiện có; nhất là các sản phẩm phục vụ những thị trường khách có khả năng tăng trưởng nhanh, nguồn khách lớn, có thể chi tiêu cao và lưu trú dài ngày như du lịch MICE (du lịch kết hợp hội thảo, triển lãm...), golf, tàu biển…

Nhiều hoạt động văn hóa lớn của thành phố được tổ chức tại đường Nguyễn Huệ. (Ảnh CTV)

Nhiều hoạt động văn hóa lớn của thành phố được tổ chức tại đường Nguyễn Huệ. (Ảnh CTV)

(Tiếp theo và hết) ()

Bài 2: Khẳng định vị thế tiên phong

Vượt qua covid-19, hồi sinh mạnh mẽ

Chỉ trong hai năm 2020- 2021, khi dịch Covid-19 xảy ra, ngành du lịch gần như sụp đổ hoàn toàn trên quy mô toàn cầu, lượng khách và doanh thu của một số công ty giảm từ 95-100%. Giám đốc Sở Du lịch thành phố Nguyễn Thị Ánh Hoa cho biết: Trong gần hai năm đại dịch, có khoảng 95% số doanh nghiệp lữ hành quốc tế đóng cửa hoặc thu hẹp quy mô hoạt động, khoảng từ 40-60% số lao động ngành du lịch bị mất việc làm hoặc cắt giảm ngày công, thiệt hại của ngành trong năm 2020 rất lớn.

Ông Nguyễn Việt Anh, nguyên Trưởng phòng Quản lý lữ hành (Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh) nhớ lại, du khách đã hủy hàng loạt tour, thậm chí các chương trình du lịch đến các địa phương khác cũng bị hủy. Phần lớn khách hàng yêu cầu doanh nghiệp lữ hành hoàn tiền 100%; chỉ một số ít khách đồng ý hoãn và dời chuyến đi sang một thời điểm thích hợp khi dịch bệnh được khống chế.

Thời điểm đó, lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp nhằm vừa thích ứng an toàn với dịch Covid-19, vừa phục hồi ngành du lịch; đó là: Mở lại hoạt động du lịch nội vùng tại “vùng xanh” trong điều kiện bình thường mới; xây dựng “Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19” đối với hoạt động du lịch.

Các sản phẩm du lịch cũng được cơ cấu lại, tập trung vào thị trường nội địa với các tour ngắn ngày và quy mô nhỏ, như du lịch trải nghiệm “Mỗi quận/ huyện có ít nhất một sản phẩm du lịch đặc trưng” được đưa vào khai thác. Thành phố cũng liên kết với các tỉnh trong khu vực Nam Bộ để phát triển du lịch; đồng thời chủ động nắm bắt tình hình dịch Covid-19 tại các nước để sau khi đại dịch được khống chế, các quốc gia này mở cửa thì có thể tái khởi động, hòa nhập nhanh chóng vào thị trường quốc tế…

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa cho biết: Khách quốc tế đến thành phố đã tăng từ con số 0 năm 2021 lên gần 3,5 triệu lượt năm 2022, tương đương mức tăng 100%. Đến năm 2024 tiếp tục tăng lên 6 triệu lượt, tăng 20% so với năm 2023. Khách nội địa cũng có sự phục hồi mạnh mẽ, từ hơn 9,3 triệu lượt năm 2021 lên hơn 31 triệu lượt năm 2022, tăng 234%; sau đó đạt 38 triệu lượt vào năm 2024. Tổng doanh thu ngành du lịch thành phố cũng tăng vọt, từ hơn 44 nghìn tỷ đồng năm 2021 lên hơn 131 nghìn tỷ đồng năm 2022, tương đương tăng gần 200% và tiếp tục tăng lên 190 nghìn tỷ đồng vào năm 2024; riêng quý I/2025 đạt gần 56.700 tỷ đồng, tăng gần 27% so với cùng kỳ năm trước.

Tiến sĩ Dương Đức Minh, Phó Viện trưởng Nghiên cứu phát triển kinh tế và du lịch thành phố cho biết: Thành phố đang là điểm đến quốc tế hấp dẫn và là thiên đường ẩm thực, được Condé Nast Traveler, tạp chí du lịch danh tiếng thế giới đánh giá cao và đã sáu lần liên tiếp nhận danh hiệu “Điểm đến hàng đầu châu Á” tại giải thưởng World Travel Awards, “Điểm đến di sản hàng đầu châu Á” và “Điểm đến thiên nhiên hàng đầu châu Á”,… cùng rất nhiều giải thưởng uy tín khác.

Giải pháp thiết thực để phát triển bền vững

Để ngành du lịch thành phố phát triển bền vững, các chuyên gia về du lịch cho rằng, cần có những chính sách linh hoạt để thích ứng với sự thay đổi của thị trường, cần đầu tư vào sản phẩm du lịch đặc trưng, ứng dụng công nghệ số và nâng cấp hạ tầng…; các giải pháp phải được thực hiện đồng bộ và nhịp nhàng. Theo bà Phan Yến Ly, thành phố cần xây dựng sản phẩm du lịch gắn liền với bản sắc văn hóa, lịch sử thời kỳ khẩn hoang Nam Bộ của người dân (Sài Gòn, Gia Định, Chợ Lớn); lịch sử hào hùng thời kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược hay thời kỳ đổi mới sáng tạo trong xây dựng đất nước.

Chủ tịch Công ty Du ngoạn Việt Phan Xuân Anh nhận định: Thành phố cần đầu tư mạnh vào du lịch đường sông, khai thác tiềm năng sông Sài Gòn để tạo ra những sản phẩm độc đáo, kết hợp giữa du lịch sinh thái và trải nghiệm văn hóa. Ngành du lịch cần ứng dụng công nghệ thực tế ảo và thực tế, tăng cường tái hiện các sự kiện lịch sử một cách sinh động, mang đến trải nghiệm mới mẻ và hấp dẫn thì mới thu hút được dòng khách cao cấp, chi tiêu cao.

Phó Tổng Giám đốc Vietravel Huỳnh Phan Phương Hoàng cho rằng, thành phố cần quy hoạch bài bản, đầu tư vào các hoạt động sự kiện, lễ hội về đêm. Các khu vực du lịch trọng điểm như các phố đi bộ Nguyễn Huệ, Bùi Viện, chợ Bến Thành,… cần được chỉnh trang, cải tạo, bảo đảm vệ sinh, an ninh và nâng cao chất lượng phục vụ để hấp dẫn khách quốc tế, kéo dài thời gian lưu trú của du khách.

Ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh bổ sung: Ngành du lịch thành phố cần tiếp tục chuyển đổi số, đồng bộ giữa các doanh nghiệp du lịch lớn, vừa và nhỏ. Sự hỗ trợ của công nghệ sẽ góp phần làm cho dịch vụ du lịch ngày càng trở nên tiện lợi, thông minh và bền vững hơn, mang đến cho du khách những trải nghiệm tuyệt vời.

() Xem trang Thành phố Hồ Chí Minh, Báo Nhân Dân số ra ngày 15/4/2025.

KIM THOA

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/hanh-trinh-50-nam-du-lich-thanh-pho-ho-chi-minh-post873304.html