Hành trình 9 năm Việt Nam chinh phục Hiệp định EVFTA
Để đi tới ký kết Hiệp định EVFTA vào ngày 30/6 tới, Việt Nam đã phải trải qua 9 năm đàm phán.
Bộ Công thương vừa phát đi thông báo cho biết ngày 30/6/2019, Việt Nam và EU sẽ ký kết Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU), gọi tắt là Hiệp định EVFTA và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu, gọi tắt là Hiệp định IPA tại Hà Nội.
Với EVFTA, Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận sâu hơn vào thị trường 28 nước thành viên liên minh châu Âu.
Theo hiệp định, hơn 99% hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu ngay sau khi hiệp định có hiệu lực, hoặc sau một lộ trình ngắn. Cho đến nay, đây là mức cam kết cao nhất mà Việt Nam đạt được trong các hiệp định FTA đã được đàm phán.
Để đi đến được ký kết hiệp định lần này, Việt Nam đã phải trải qua tiến trình rất dài, được khởi động đàm phán từ năm 2010 và các bên chính thức đàm phán nhiều cấp, nhiều vòng từ năm 2012 cho đến nay.
Tháng 10/2010, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam và Chủ tịch EU đã đồng ý khởi động đàm phán Hiệp định EVFTA.
Tháng 6/2012, Bộ trưởng Công thương Việt Nam và Cao ủy Thương mại EU chính thức tuyên bố khởi động đàm phán Hiệp định EVFTA.
Tháng 12/2015, kết thúc đàm phán và bắt đầu khởi động tiến trình rà soát pháp lý để chuẩn bị cho việc ký kết Hiệp định.
Tháng 6/2017, hoàn thành rà soát pháp lý ở cấp kỹ thuật
Tháng 9/2017: EU chính thức đề nghị Việt Nam tách riêng nội dung bảo hộ đầu tư và cơ chế giải quyết tranh chấp giữa Nhà nước với nhà đầu tư (ISDS) ra khỏi Hiệp định EVFTA thành một hiệp định riêng do phát sinh một số vấn đề mới liên quan đến thẩm quyền phê chuẩn các hiệp định thương mại tự do của EU hay từng nước thành viên.
Theo đề xuất này, EVFTA sẽ được tách thành hai hiệp định riêng biệt, bao gồm:
Hiệp định Thương mại tự do chính là toàn bộ nội dung EVFTA hiện nay nhưng phần đầu tư sẽ chỉ bao gồm tự do hóa đầu tư trực tiếp nước ngoài. Với Hiệp định này, EU có quyền phê chuẩn và đưa vào thực thi tạm thời.
Hiệp định Bảo hộ đầu tư bao gồm nội dung bảo hộ đầu tư và giải quyết tranh chấp đầu tư (Hiệp định IPA). Hiệp định IPA này phải được sự phê chuẩn của cả Nghị viện Châu Âu và của Nghị viện các nước thành viên thì mới có thể thực thi.
Tháng 6/2018: Việt Nam và EU đã chính thức thống nhất việc tách riêng EVFTA thành hai hiệp định gồm Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA); chính thức kết thúc toàn bộ quá trình rà soát pháp lý Hiệp định EVFTA; và thống nhất toàn bộ các nội dung của Hiệp định IPA.
Tháng 8/2018, hoàn tất rà soát pháp lý Hiệp định IPA.
Ngày 17/10/2018, Ủy ban châu Âu đã chính thức thông qua EVFTA và IPA.
Ngày 25/6/2019, Hội đồng châu Âu phê duyệt cho phép ký các Hiệp định.
Theo Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh, hiệp định EVFTA vượt cả trình độ của chúng ta trong đàm phán. 28 nước khác nhau trong cả trình độ quản trị nền kinh tế, nên toan tính của họ cũng khác, đặc biệt ở giai đoạn cuối, quá trình rà soát pháp lý khá dài, phức tạp.
Tuy nhiên, hơn hết, chúng ta đã nỗ lực và đưa ra được lời giải. 9 năm đàm phán và đi tới ký kết là quá trình dài. Bên cạnh nỗ lực của đoàn đàm phán, thì cũng phải nhấn mạnh đến sự chỉ đạo sâu sát của Bộ Chính trị, Chính phủ.
Sau lễ ký kết vào ngày 30/6 tới, hiệp định thương mại với EU còn phải trải qua tiến trình phê chuẩn. Theo quy định Nghị viện châu Âu sẽ xem xét trên cơ sở đề nghị của Ủy ban châu Âu vào cuối năm 2019. Trong khi đó Hiệp định IPA phải được nghị viện các quốc gia thành viên phê duyệt riêng nên cần thời gian, sẽ lâu hơn.
Nguồn VTC: https://vtc.vn/hanh-trinh-9-nam-viet-nam-chinh-phuc-hiep-dinh-evfta-d483252.html