Hành trình bảo tồn giá trị văn hóa qua những tặng phẩm lưu niệm

Sau nhiều năm tìm kiếm và trải nghiệm, anh Kiều Cao Dũng (Thạch Thất, Hà Nội) đã xây dựng cho mình bộ sưu tập sản phẩm du lịch mang đậm giá trị văn hóa Việt Nam.

Sen là một trong những nguồn cảm hứng, nguồn nguyên liệu chính cho quá trình sáng tạo của anh Dũng.

Sen là một trong những nguồn cảm hứng, nguồn nguyên liệu chính cho quá trình sáng tạo của anh Dũng.

Kiều Cao Dũng là một cái tên không còn xa lạ với những người yêu thích các sản phẩm lưu niệm được làm từ sen, lá bồ đề… Chàng trai sinh ra tại Đại Đồng, huyện Thạch Thất bén duyên với công việc bảo tồn những giá trị văn hóa của Việt Nam thông qua các tặng phẩm, quà lưu niệm từ năm 2016 và phát triển đến tận bây giờ.

Và thôn Khả Lương, xã Ninh Thắng, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình là điểm dừng chân mà anh đã lựa chọn cho quá trình tìm hiểu, nghiên cứu và sản xuất của mình.

Bởi mảnh đất Cố đô sở hữu điều kiện tự nhiên phong phú, là môi trường sinh sống tốt của các loại động, thực vật, trong đó có cây bồ đề, sen... Ngoài ra, nơi đây còn nổi tiếng với các điểm du lịch như Quần thể danh thắng Tràng An, Cố đô Hoa Lư, Tam Cốc - Bích Động, các công trình kiến trúc Phật giáo… thu hút nhiều du khách trong nước và quốc tế.

Trăn trở về du lịch Việt Nam

Thời gian trước, Cao Dũng có cơ hội được đến các nước ASEAN và Trung Quốc để học tập, tìm hiểu. Anh nhận thấy, ngành du lịch tại các quốc gia này rất rộng mở. Họ xây dựng và phát triển các yếu tố để cấu thành một nền du lịch hoàn chỉnh như điểm đến, nơi lưu trú, nhà hàng, giao thông và quà tặng lưu niệm rất bài bản.

Anh Dũng chia sẻ: "Có thể thấy, chùa Hương, chùa Tam Chúc, chùa Bái Đính rất gần nhau. Chùa Hương nằm trên địa phận cuối tỉnh Hà Tây cũ, tiếp giáp tỉnh Hà Nam. Chùa Tam Chúc ở Hà Nam lại rất gần Ninh Bình, có chùa Bái Đính. Nếu Việt Nam tạo được điều kiện thuận lợi, du khách có thể di chuyển tới ba địa điểm đó trong cùng một ngày, thay vì phải chia ra mỗi ngày một điểm như hiện nay. Chính vì thế, khả năng cao, du khách chỉ chọn đi một trong ba điểm. Điều này cũng đồng nghĩa với việc doanh thu du lịch sẽ giảm đi rất nhiều".

Bên cạnh đó, những người làm du lịch đều hiểu được tâm lý của du khách, là muốn mua những sản phẩm đặc trưng, biểu tượng của điểm đến về làm quà cho người thân, bạn bè. Vì vậy, quà tặng lưu niệm là một trong những yếu tố rất được quan tâm, chú trọng.

Thế nhưng, ở Việt Nam, lĩnh vực này chưa được đầu tư đúng cách. Song song với những kết quả đạt được, việc phát triển các sản phẩm quà tặng, lưu niệm vẫn còn tình trạng trùng lặp, đơn điệu, chưa có nét đặc trưng của từng vùng miền và hình ảnh con người.

Cách tân giá trị văn hóa Việt trong sản phẩm lưu niệm

Trong suốt quá trình học tập, tìm hiểu và thử nghiệm nhiều hình thức mới, Cao Dũng đã sở hữu những sản phẩm như hoa sen bất tử, nón lá bồ đề, giấy sen... Từ những sản phẩm cơ bản, anh sáng tạo thêm nhiều sản phẩm mới, mang màu sắc quê hương.

Anh tâm sự, tạo ra được những dòng sản phẩm quà tặng lưu niệm đậm chất riêng là cách tốt nhất để định hình được thương hiệu cá nhân trên thị trường. Ngoài ra, yếu tố văn hóa cũng được chú trọng, nhằm khẳng định cội nguồn của sản phẩm, thuộc về đất nước nào, do ai làm ra. Không những vậy, các sản phẩm của anh đều phải gần gũi với thiên nhiên, an toàn. Vì lẽ đó, hoa, lá là các nguyên liệu được anh lựa chọn trong quá trình nghiên cứu, thử nghiệm và sản xuất.

Với tâm thế của một người trẻ, anh chọn lọc những giá trị nổi bật để linh hoạt đưa vào sản phẩm của mình và mong muốn những giá trị văn hóa của Việt Nam sẽ được tồn tại trong cuộc sống của mỗi người.

"Thay vì dáng vẻ đơn thuần của các sản phẩm vốn có, những giá trị này cần được làm mới và tồn tại bằng một cách khác. Điển hình với sản phẩm lá bồ đề, mình dùng những bức tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng, tranh Đông Hồ trang trí. Khi trở thành sản phẩm lưu niệm, những chiếc lá bồ đề còn mang trên mình những nét đặc trưng, giá trị của các làng nghề truyền thống khác. Du khách mua làm quà tặng, treo trên các phương tiện di chuyển hay trưng bày trong nhà, bàn học. Từ đó, những nét đẹp này không còn bị mai một nữa mà được chuyển thể sang một hình thái khác, giúp văn hóa Việt Nam phổ biến hơn trong cuộc sống", anh Dũng chia sẻ.

Lá bồ đề do anh Kiều Cao Dũng làm ra được miêu tả là dẻo, dai đến độ người ta vo tròn lại mà vẫn có thể là phẳng như tấm vải. Ngoài việc trang trí cho lá bằng chữ thư pháp, các dòng tranh truyền thống, lá bồ đề còn được anh Dũng sử dụng để làm nón - một hình ảnh quen thuộc khi nhắc đến Việt Nam.

Dùng lá bồ đề để làm nón là một việc làm hết sức khó khăn, bởi xương lá rất mỏng, đưa vào kết nón, mang lại hiệu quả thẩm mỹ lại càng khó thực hiện. Nhưng sau nhiều lần thất bại và thay đổi phương án làm nón, anh Dũng đã thành công trong việc sáng tạo của mình.

Chiếc nón xương lá bồ đề của anh Dũng được kết từ khoảng 500 chiếc lá với 9 tầng, mỗi tầng tương ứng với một kích cỡ lá khác nhau, nối trùng trùng điệp điệp tạo hình như một bông hoa sen đang nở rộ. Anh quan niệm, số chín cũng là con số tâm linh trong Cửu phẩm liên hoa của kiến trúc chùa tháp Việt Nam, đem lại sự bác ái, bình yên và may mắn.

Để đáp ứng được những yêu cầu về số lượng, chất lượng của sản phẩm, anh Dũng đã nỗ lực không ngừng, cải tiến và rút ngắn thời gian sản xuất. Anh tự hào nói rằng từ thời gian ban đầu là 3 tháng, giảm dần xuống còn một tháng, rồi giảm tiếp xuống bảy ngày và bây giờ là còn một ngày.

Xây dựng bộ sưu tập tặng phẩm lưu niệm từ sen

Rời xa chốn thành thị tấp nập, anh Dũng lựa chọn Ninh Bình là nơi giúp quá trình tìm hiểu, nghiên cứu và sản xuất tặng phẩm lưu niệm diễn ra thuận lợi nhất. Đây là nguồn cung ứng sen đảm bảo điều kiện về sinh lý hóa, phục vụ cho công việc của anh.

Cao Dũng bộc bạch: "Ninh Bình có rất nhiều đầm sen với nhiều giống sen khác nhau. Chính vì thế, mình có nhiều sự lựa chọn để thử nghiệm xem giống sen nào là phù hợp với tiêu chí của mình nhất".

Từ nền tảng làm hoa bất tử học được, anh Dũng đã mày mò và phát triển thành công kỹ năng làm hoa sen bất tử. Anh chọn loài hoa này để tạo nên thành phẩm bởi sen mang nhiều giá trị về văn hóa, thẩm mỹ, tâm linh và mỹ thuật. Và anh cũng tin rằng hoa sen có một vị trí quan trọng trong lòng mỗi người dân Việt Nam.

Thế nhưng, anh Dũng đã không ít lần gặp khó khăn trong quá trình tìm kiếm công thức chung cho sen. Bởi theo kinh nghiệm của anh, sen có ba lần nở cho đến khi nở bung rồi tàn để nuôi đài sen. Với mỗi lần nở, tuổi thọ và đặc tính của loài hoa này sẽ thay đổi. Sau nhiều lần thử nghiệm thất bại, anh đã tìm ra được bí quyết chung để ba loại hoa này khi cho ra thành phẩm vẫn đảm bảo được chất lượng tốt nhất.

Anh nói thêm: "Làm hoa sen bất tử khó ở chỗ làm sao để người ta chạm vào bông hoa, sờ vào cái lá của mình, họ vẫn tưởng đây là hoa thật. Cảm giác chạm vào mịn màng, vẫn có độ êm như hoa tươi, lá tươi ngoài đầm thì mới giá trị".

Nếu như hoa sen được viết tiếp vòng đời bằng cách làm khô và trưng bày, trang trí phòng ốc, lá sen dùng để làm nón, làm tranh thì đài sen cũng là nguồn nguyên liệu quý giá mà anh Dũng đã dày công nghiên cứu. Từ những chiếc đài sen, tờ giấy sen với ánh điệp lấp lánh đã trở thành một trong những món đồ lưu niệm mang đậm phong cách Kiều Cao Dũng.

Đài sen để làm ra giấy được chuẩn bị từ khi đang chính vụ và chọn lọc rất kỹ càng. Sau khi được nhặt bỏ hết hạt, phơi qua nhiều nắng, luộc thật nhừ rồi làm sạch kỹ thêm một lần nữa để giấy được trắng sáng. Và quan trọng, bột điệp màu đóng vai trò như một tấm bảo vệ, tạo nên sự lấp lánh đẹp mắt cho giấy sen.

Hơn sáu năm tìm tòi, học hỏi, với nhiều khó khăn và thử thách, anh Kiều Cao Dũng vẫn tiếp tục hành trình bảo tồn văn hóa của mình. Các sản phẩm lưu niệm của anh không những được người dân trong nước yêu mến mà các du khách nước ngoài cũng sẵn sàng trả giá cao để mua làm quà tặng. Sản phẩm của anh hiện nay đã có mặt tại thị trường các nước như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ và Thái Lan…, góp phần củng cố niềm tin vào hành trình gìn giữ và phát huy bản sắc dân tộc mà anh đang đi.

Không dừng lại ở những thành quả đã có, anh Dũng vẫn đang ấp ủ nhiều dự án mới, hứa hẹn là những bước tiến quan trọng trong quá trình sáng tạo để đưa các giá trị của làng nghề đến gần hơn với công chúng trong một hình hài mới. Anh cũng hy vọng rằng, công việc anh đang làm sẽ lan tỏa sự tích cực tới các bạn trẻ. Yêu những giá trị truyền thống, yêu những giá trị văn hóa dân gian và mỗi người cần đóng góp công sức của mình vào hành trình đó để những giá trị truyền thống không bị mai một, không bị thay thế bởi những xu hướng của xã hội hiện đại.

Diệu An (Học viện Báo chí và Tuyên truyền)

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/hanh-trinh-bao-ton-gia-tri-van-hoa-qua-nhung-tang-pham-luu/d2023123008404159.htm