Hành trình chấm dứt nạn buôn bán thịt chó
Theo báo cáo, hàng năm ước tính có khoảng 5 triệu cá thể chó bị giết hại dã man để lấy thịt ở Việt Nam. Điều đó đồng nghĩa với việc một bộ phận người tiêu dùng Việt Nam đang phải đối mặt trước những nguy cơ vô cùng nghiêm trọng đối với sức khỏe con người từ việc lây truyền các bệnh có khả năng gây chết người như bệnh dại.
Những nguy hiểm khó lường
Đã từ lâu, loài chó là vật nuôi được thuần hóa và gắn bó với cuộc sống của con người. Trong một số gia đình, chó không chỉ đơn thuần là một vật nuôi giúp người chủ trông nhà mà nó còn được nhiều nhà xem như là thành viên trong gia đình, như một phần trong cuộc đời họ.
Tuy nhiên, trên thực tế tại nước ta, chó vẫn là món ăn khoái khẩu của một bộ phận người tiêu dùng. Không giống như hầu hết các quốc gia khác trên khắp châu Á, nơi đa số người dân không ăn thịt chó. Tại thế kỷ 21 ở Việt Nam thịt chó vẫn được coi là món ăn phổ biến và thường thấy trong những dịp đặc biệt.
Theo thống kê, Việt Nam là một trong những nước ăn thịt chó nhiều thứ 2 thế giới và đứng đầu Đông Nam Á trong hoạt động giết mổ chó làm thức ăn. Theo đó, mức tiêu thụ thịt chó tại các thành phố lớn như Hà Nội và các tỉnh miền Bắc thường cao hơn so với các tỉnh miền Nam, miền Trung. Một nghiên cứu gần nhất về việc tiêu thụ thịt chó cho thấy 11% người dân Hà Nội và 1,5% người dân thành phố Hồ Chí Minh thường xuyên ăn thịt chó (trung bình ít nhất một lần/tháng).
Những người có thói quen ăn thịt chó cho rằng việc ăn thịt chó là hết sức bình thường, thịt chó không được xem là một món đặc biệt và thịt chó có thể thay thế các loại thịt khác. Người tiêu dùng thịt chó cho biết họ ăn thịt chó đơn giản vì có hương vị hấp dẫn, hợp với vị rượu và có đạm cao. Ngoài ra, một số người tiêu dùng vẫn tin rằng thịt chó giúp xả xui hay thịt chó có dược tính và có thể làm tăng cường sinh lý ở nam giới mặc dù không có bằng chứng khoa học nào xác nhận.
Có thể thấy việc ăn thịt chó ngoại trừ để thỏa mãn nhu cầu ăn uống của một bộ phận người tiêu dùng thì chưa có lợi ích nào được xác nhận. Thế nhưng, việc tiêu thụ thịt chó lại mang đến những nguy hiểm khó lường. Ban Quản lý An toàn thực phẩm cho biết, việc sử dụng thịt chó làm thực phẩm trong điều kiện nuôi, giết mổ, bảo quản như hiện nay, nguy cơ không đảm bảo an toàn thực phẩm là rất cao, thậm chí có thể gây tử vong cho người sử dụng. Mặc dù, pháp luật nước ta không cấm sử dụng thịt chó, nhưng cũng không đưa loài chó vào danh mục vật nuôi để giết thịt làm thực phẩm cho con người.
Việc chăn nuôi, giết mổ, sử dụng thịt chó chưa qua kiểm dịch, kiểm soát, tiềm ẩn nhiều rủi ro về sức khỏe do thịt nhiễm các vi sinh vật gây bệnh, kí sinh trùng. Thịt chó không qua kiểm dịch cũng có thể nhiễm hóa chất tồn dư trong thịt chó, đặc biệt là các chất dùng để đánh bả chó, đây là những hóa chất rất độc hại. Nhất là khi một số lượng lớn thịt chó tiêu thụ được lấy từ chó bị đánh bả, bị bắt trộm.
Nguy hiểm hơn còn nguy cơ mắc bệnh dại từ thịt chó không được xử lý kỹ càng. Theo các chuyên gia, về nguyên tắc virus dại sẽ chết nếu được nấu chín hoàn toàn. Tuy nhiên, những người có thói quen ăn tiết canh chó, thịt chưa nấu chín kỹ vệ sinh dao thớt giết thịt chó không sạch sẽ và còn dính dãi của chó mang bệnh dẫn đến hiện tượng nhiễm chéo, hoàn toàn có thể mắc bệnh dại.
Đặc biệt đối với những người trực tiếp giết mổ thịt chó, nguy cơ nhiễm bệnh dại càng cao. Ở Việt Nam, mỗi năm ước tính có khoảng 5 triệu con chó bị giết để lấy thịt, có hơn 70 người chết vì bệnh dại, với hầu hết các trường hợp do chó cắn, một số trường hợp đã được xác minh liên quan đến giết mổ chó và thậm chí là ăn thịt chó. Tháng trước, chính quyền Hà Nội đã thông báo về cái chết của một người đàn ông mắc bệnh dại sau khi giết mổ chó làm thịt.
Ngoài ra, việc ăn thịt chó không tốt cho sức khỏe như nhiều người nghĩ. Thịt chó giàu chất đạm nhưng lại có tính nhiệt nên dễ gây nóng, khó tiêu, chướng bụng. Thường xuyên ăn thịt chó trong thời gian dài, cơ thể khó tiêu hóa, thận, gan làm việc không đáp ứng được nên dễ mắc các bệnh về gan như xơ gan hay suy thận, gout.
“Mô hình để thay đổi”
Rõ ràng vấn nạn buôn bán thịt chó mèo ở Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng không chỉ cho thấy sự tàn ác đối với động vật, mà còn tiềm ẩn nhiều mối đe dọa lớn đối với sức khỏe cộng đồng, nhất là bệnh dại và sự xuất hiện của các dịch bệnh khác. Tuy nhiên, vì lợi ích của một số cá nhân, tất cả sự tàn nhẫn và hiểm họa trên vẫn đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ.
Để chấm dứt những hiểm họa nói riêng và vấn nạn buôn bán thịt chó nói chung, mới đây tổ chức Humane Society International (HSI) tại Việt Nam đã triển khai thành công chương trình “Mô hình để thay đổi” - Mô hình chuyển đổi mới nhằm chấm dứt buôn bán thịt chó, giúp cộng đồng chuyển đổi sinh kế khỏi hoạt động buôn bán thịt chó nguy hiểm và vô nhân đạo.
Theo đó, ông Đ.T.Hiệp (40 tuổi), chủ một cơ sở giết mổ và nhà hàng thịt chó ở Việt Nam, người giết trung bình 10 - 15 con chó mỗi ngày trong 5 năm qua, đã trở thành người đầu tiên trong cả nước tham gia “Mô hình để thay đổi”. Ngày 18/11, tại Thái Nguyên, HSI Việt Nam cùng với các nhà quản lý và cán bộ chuyên môn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã có mặt tại hiện trường để giúp ông Hiệp chấm dứt hoạt động giết mổ chó của mình và giải cứu 20 con chó còn sống được tìm thấy tại cơ sở. Tại cuộc giải cứu, chính ông Hiệp đã tự tay bế những chú chó bàn giao cho HSI Việt Nam và tự tay dỡ bỏ tấm biển “Đặc sản thịt chó” đặt trước nhà hàng.
Ông Hiệp xúc động chia sẻ: “Trước đây, do hoàn cảnh khó khăn nên tôi đã mở nhà hàng kinh doanh giết mổ chó để kiếm sống. Mỗi lần giết mổ, nhìn vào ánh mắt của những chú chó tôi cảm thấy rất thương tâm. Tôi nhớ có lần mua một con chó từ người dân, đến khi mang về nó cứ cúi xuống, hai tay như lạy và nó khóc. Nhìn thấy thương quá tôi quyết định thả nó ra. Sau một thời gian tôi trả lại nó về với chủ, đến bây giờ người ta vẫn đang nuôi và xác định sẽ không giết mổ mà nuôi đến khi chết thì chôn nó thôi”.
Nói về quyết định khi tham gia chương trình của mình, ông Hiệp cho biết: “Trong thâm tâm tôi biết giết mổ và ăn thịt chó là không đúng và việc đó ngày càng làm tôi cảm thấy day dứt. Tôi tin chắc rằng việc kinh doanh này sẽ mang lại nghiệp xấu cho tôi và gia đình. Chính vì vậy tôi như cảm thấy được giải thoát khi đồng hành cùng HSI Việt Nam để kết thúc những điều không đúng tôi đã làm trong thời gian qua và bắt đầu cho một khởi đầu mới”.
Sau khi đóng cửa cơ sở kinh doanh thịt chó của mình, ông Hiệp sẽ được HSI Việt Nam hỗ trợ chuyển đổi mô hình kinh doanh. Thay vì mô hình kinh doanh động vật đồng hành, ông Hiệp sẽ chuyển sang các mô hình kinh doanh khác mang tính hỗ trợ cộng đồng như dịch vụ nông nghiệp, bán hàng tạp hóa, bán trà, bán bia và đồ ăn nhẹ chủ yếu có nguồn gốc từ thực vật…
Còn về phần đàn chó, ngay sau khi được cứu, những con chó bị nhốt trong lồng chật hẹp đã được tiêm phòng bệnh dại và các bệnh phổ biến khác ở chó. Đồng thời được di chuyển đến Trạm cứu hộ động vật TUAF, nơi chúng đang được chăm sóc y tế cần thiết trước khi được xem xét chuyển đến những gia đình nhận nuôi trong nước và quốc tế.
Chia sẻ về mô hình, bà Thẩm Phượng, Giám đốc HSI Việt Nam cho biết: “Việc buôn bán thịt chó không chỉ tàn ác đến khó tin, mà còn tiểm ẩn nguy cơ vô cùng nghiêm trọng đối với sức khỏe con người từ việc lây truyền các bệnh có khả năng gây chết người như bệnh dại. Ông Hiệp là người đầu tiên tham gia chương trình đem đến cho chúng tôi hy vọng sẽ có nhiều người bỏ nghề buôn bán nguy hiểm này. Chúng tôi hy vọng chương trình Mô hình để thay đổi này sẽ trở thành một phần quan trọng trong chiến lược của Việt Nam nhằm cung cấp cho những người lao động sinh kế thay thế và hiệu quả về kinh tế, đồng thời hỗ trợ Chính phủ trong nỗ lực loại trừ bệnh dại”.
Mối liên hệ giữa việc lây truyền bệnh dại và buôn bán thịt cho ở Việt Nam đã được Tổ chức Y tế thế giới xác định rõ ràng và việc loại bỏ bệnh dại đang bị cản trở bởi sự tiếp diễn của các hoạt động buôn bán thịt chó. Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đã chứng minh rằng một tỷ lệ đáng kể bệnh nhân bị nhiễm vi rút sau khi tiếp xúc với chó không phải do bị cắn mà do giết, mổ và ăn thịt.
Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/hanh-trinh-cham-dut-nan-buon-ban-thit-cho-post459859.html