Hành trình chinh phục lòng biển...
'Khi trò chuyện với các thủy thủ tàu ngầm hay nhìn thấy những chiếc tàu ngầm, trong lòng tôi quả thực trào dâng rất nhiều xúc cảm. Những ngày công tác ở quân cảng Cam Ranh, mỗi sáng, mỗi chiều, nhìn những chiếc tàu ngầm có những tháp chỉ huy uy nghi bình yên neo đậu, chúng tôi thấy niềm tin và lòng tự hào được bồi đắp đầy hơn những khi hướng về phía biển', Đại tá Vũ Thị Hồng Linh - Phó trưởng phòng Thời sự Phát thanh, Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội chia sẻ.
Cái khó làm ló cái khôn
Tầm nhìn về một Binh chủng Tàu ngầm đã được Đảng, Nhà nước và Quân đội ta hiện thực hóa từ những năm 80 của thế kỷ 20. Đã có một Hải đội tàu ngầm mang phiên hiệu Hải đội 182 với lớp thủy thủ đầu tiên được huấn luyện bài bản ở đất nước Liên Xô. Đó là tiền đề để những năm gần đây, Quân đội nhân dân Việt Nam trang bị và tự tin làm chủ những con tàu hiện đại, ghi dấu mốc quan trọng trong lộ trình xây dựng Quân chủng Hải quân hiện đại.
Quá trình vận hành tàu ngầm được ví như quá trình luyện thép trong lòng đại dương. Quá trình ấy được thực hiện ra sao? Niềm tin, tình yêu và lí tưởng mà Đảng ươm mầm và bồi đắp đã được thắp sáng như thế nào trong những thủy thủ tàu ngầm sau mỗi hải trình? Những gì đang đợi thủy thủ tàu ngầm trong hành trình ấy, hành trình vượt qua “sóng ngầm” để góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, từ trong lòng biển?
Để trả lời những câu hỏi đó, Đại tá Vũ Thị Hồng Linh - Phó trưởng phòng Thời sự Phát thanh, Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội và nhóm cộng sự đã gặp gỡ những thủy thủ của Hải đội tàu ngầm 182 năm xưa và cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn tàu ngầm 189 hôm nay để thực hiện loạt phóng sự 3 kỳ: “Luyện thép trong lòng biển” - tác phẩm đã xuất sắc đạt Giải B - Giải Phóng sự, phóng sự điều tra, bút ký (Phát thanh) tại Lễ trao Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVIII-2023.
Đại tá Vũ Thị Hồng Linh nhớ lại buổi chiều trên quân cảng Cam Ranh, những tiếng còi của chiếc tàu ngầm mang số hiệu 186 thuộc Lữ đoàn 189 Hải quân vang lên trầm hùng, như tạc vào sóng nước dáng hình oai nghiêm của con tàu sau chuyến hải trình đã hoàn thành nhiệm vụ trở về.
Đại tá Vũ Thị Hồng Linh chia sẻ: "Viết về những hoạt động quân sự, quốc phòng nói chung, lực lượng tàu ngầm với nhiều câu chuyện về những bí ẩn thăm thẳm của thế giới dưới lòng đại dương nói riêng, những phóng viên mặc áo lính luôn phải ý thức rất cao về việc bảo đảm những bí mật quân sự.
Điều đó đồng nghĩa với việc, có những câu chuyện hay, những chi tiết mang tính báo chí nhưng không được tuyên truyền. Thành ra, mặc dù Lữ đoàn Tàu ngầm 189 của Quân chủng Hải quân rất tạo điều kiện nhưng chúng tôi luôn phải cân nhắc xem được viết những gì".
Cái khó làm ló cái khôn, nhóm phóng viên đã gặp gỡ một số cựu thủy thủ tàu ngầm của Hải đội tàu ngầm đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam mang phiên hiệu Hải đội 182, được thành lập năm 1982 để khai thác. Ở đó có những câu chuyện, qua hơn bốn chục năm đã được giải mã, để có thể dùng chuyện xưa mà nói chuyện nay.
Tác phẩm có sự song hành của hai tuyến nhân vật: Những cựu thủy thủ tàu ngầm của hơn 40 năm trước với những khát khao được điều khiển con tàu trên vùng biển quê hương và những thủy thủ của Lữ đoàn Tàu ngầm 189 hôm nay, những người được vinh dự viết tiếp tình yêu của thế hệ cha anh từ trong lòng biển…
"Không được trực tiếp tham gia vào quá trình vận hành tàu ngầm nên trong khai thác thông tin, chúng tôi phải hỏi rất cặn kẽ, tỉ mỉ để có thể hình dung được công việc và cuộc sống của thủy thủ tàu ngầm. Khi phỏng vấn, cũng phải rất công phu, kỹ lưỡng, phải huy động nhiều kỹ năng tác nghiệp mới có thể ghi lại được những câu chuyện chân thực vừa có tính bao quát, vừa có những chi tiết cụ thể, sinh động; và những tiếng động cần thiết, bảo đảm sự tự nhiên trong lời nói của nhân vật", tác giả Hồng Linh cho biết.
Quá trình thực hiện tác phẩm, để có những tiếng động hiện trường trong quá trình tàu thực hiện nhiệm vụ, nhóm phóng viên đã phối hợp với một cộng tác viên là Thiếu tá Lê Đắc Thắng, Trưởng ban Tuyên huấn Lữ đoàn Tàu ngầm 189. Anh đã may mắn được tham gia một số chuyến hải trình nên đã ghi lại những âm thanh, từ tiếng còi tàu khi rời quân cảng hay khi hoàn thành nhiệm vụ trở về, những khẩu lệnh của người chỉ huy, âm thanh của tên lửa trong diễn tập bắn đạn thật, những bài hát chúc mừng sinh nhật đồng đội khi tàu vận hành trong lòng biển…
"Tác phẩm phát thanh không thể thiếu những tiếng động đó nếu muốn lột tả được hồn cốt của lính Tàu ngầm", chị Hồng Linh chia sẻ.
Niềm tin và lòng tự hào được bồi đắp đầy hơn
Tàu ngầm là phương tiện tối quan trọng giúp các nước giành ưu thế từ đáy biển. Trên thực tế, nó khó tìm thấy khi mất tích và để lại hậu quả nặng nề mỗi khi gặp nạn. Những vụ cháy nổ chìm tàu của tàu ngầm của một số nước trên thế giới đã trở thành bài học sâu sắc cho thủy thủ tàu ngầm Việt Nam.
Để bảo đảm tính mạng cho con tàu, thủy thủ tàu ngầm phải có kỷ luật thép, ý chí thép, tinh thần thép. Ấn tượng nhất với nhóm phóng viên là câu chuyện của những thủy thủ tàu ngầm tôi luyện tinh thần thép, thành thạo các biện pháp đấu tranh bảo vệ sức sống của tàu, duy trì khả năng sống sót khi có sự cố, kỹ năng thoát hiểm qua ống phóng ngư lôi, thoát hiểm qua cửa lên xuống tàu ngầm.
Đại tá Vũ Thị Hồng Linh bày tỏ: "Những ngày công tác ở quân cảng Cam Ranh, mỗi sáng, mỗi chiều, nhìn những chiếc tàu ngầm có những tháp chỉ huy uy nghi bình yên neo đậu, chúng tôi thấy niềm tin và lòng tự hào được bồi đắp đầy hơn những khi hướng về phía biển.
Nhiều câu chuyện của lính Tàu ngầm đã đánh thức mọi giác quan trong tôi. Họ cực kỳ xuất sắc, tự tin, hoạt ngôn, những câu chuyện của họ đã tạo được dấu ấn sâu đậm trong tôi về những con người có tố chất đặc biệt về thể lực và trí lực".
Chị đã rưng rưng cảm động khi nghe ông Nguyễn Thiện Toản, cựu binh Thủy thủ Tàu ngầm của Hải đội 182 năm xưa kể chuyện, ông là con trai cả trong gia đình, bố mất, ông nhận được tin nhưng vẫn đang lo việc của đơn vị trên cương vị là một Bí thư Đảng ủy, nên ông không về nhìn được mặt cha lần cuối. Và phải 8 ngày sau đó, khi giải quyết xong công việc, ông mới xin đơn vị về thắp hương cha.
Chị cũng đã rất cảm phục những người bạn gái, người vợ của Thủy thủ Tàu ngầm khi nghe họ kể, bỗng dưng thấy điện thoại của người yêu hay là chồng mình không liên lạc được. Bí mật của những chuyến đi đã khiến những người lính Tàu ngầm đột nhiên “biến mất” như vậy. Nhưng bạn gái của họ, những người vợ trẻ vẫn cảm thông, lặng lẽ đợi chờ, lặng lẽ lo toan, làm hậu phương vững chắc cho những người lính biển.
Những thủy thủ tàu ngầm là những tấm gương tiêu biểu nhất về sự khổ luyện để có những kỹ năng sinh tồn, thích ứng với những tình huống khắc nghiệt nhất dưới tàu trên biển, để có quyết tâm, bản lĩnh, lòng can đảm, sức bền, để đối phó với những mối nguy, sự cố tàu ngầm. Và mặc dù là người hiểu nhất môi trường, sự hiểm nguy của công việc mình đang làm việc nhưng họ vẫn gắn bó với nhiệm vụ bằng tất vả tình yêu và trách nhiệm cao nhất.
Với Đại tá Vũ Thị Hồng Linh, “Luyện thép trong lòng biển” là kết quả của sự tích lũy trong nghề, là kinh nghiệm và phần nào thể hiện độ chín trong cách lựa chọn và khai đề tài. Tác phẩm đã được hình thành ý tưởng từ vài năm nay, nhưng khi triển khai thực hiện chỉ mất ba tuần, vừa đi tác nghiệp, khai thác tư liệu, vừa hoàn thiện.
"Sau “Luyện thép trong lòng biển”, tôi vẫn ấp ủ viết tiếp những đề tài về Bộ đội Cụ Hồ, ví như những chiến sĩ Đặc công tinh nhuệ, những chiến sĩ tình báo “bí mật, cẩn thận, khôn khéo, kiên nhẫn”, những học viên phi công trên những giảng đường mây... Tin rằng, "Luyện thép trong lòng biển" sẽ là điểm tựa để tôi tiếp tục niềm cảm hứng và say mê với nghề báo", Đại tá Vũ Thị Hồng Linh xúc động bày tỏ.
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/hanh-trinh-chinh-phuc-long-bien-post300791.html