Hành trình của rác (Bài 3): Không để túi nilon bít đường sống

Túi nilon, vỏ chai,… là những vật dụng quá quen thuộc sinh ra rác thải nhựa – thứ có thể hủy hoại môi trường sống của con người và hàng triệu sinh vật trên trái đất. Nếu không quyết liệt hành động để ngăn chặn, chính thế hệ tương lai sẽ phải nhận hệ quả từ ô nhiễm do rác thải nhựa.

Thần chết mang tên rác thải nhựa

Các sản phẩm nhựa và túi nilon đang là những vật dụng phổ biến trở nên quen thuộc trong đời sống sinh hoạt của con người. Sự ra đời của nhựa và nilon mang lại các tiện ích nhưng cũng chính là tác nhân gây ảnh hưởng đến môi trường, để lại hậu quả lâu dài với sức khỏe con người.

Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, mỗi năm cả thế giới thải ra khoảng 300 triệu tấn rác thải nhựa, trong đó có khoảng 13 triệu tấn bị đổ ra biển. Cụ thể hơn, mỗi phút có khoảng 1 triệu chai nhựa và 5000 tỷ túi nilon được tiêu thụ.

Trong số rác thải nhựa được thải ra có tới 79% là bị chôn lấp hoặc vứt ra môi trường, 12% là bị đốt, chỉ có 9% trong số đó được tái chế.

Việt Nam hiện đứng thứ 4 trên thế giới về khối lượng rác thải nhựa, mỗi năm có khoảng 730.000 tấn rác. Khảo sát của Bộ Tài nguyên và Môi trường mới đây cho thấy, bình quân mỗi hộ gia đình sử dụng 223 túi/tháng, tương đương 1kg túi nilon /hộ/ tháng. Chỉ riêng 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM, trung bình một ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi nilon.

Sản xuất nhanh, hạn tiêu thụ ngắn, thế nhưng để phân hủy rác thải nhựa lại cần quá nhiều thời gian. Cụ thể như: Chai nước phân hủy sau 450 – 1000 năm; Ống hút phân hủy sau 100 – 500 năm; Cốc, ly nhựa phân hủy sau 50 – 200 năm; Túi nhựa, túi ni long phân hủy sau 500 – 1000 năm; Bỉm, tã lót phân hủy sau 250 – 500 năm.

Rác thải nhựa bay khắp phố phường Hà Nội

Rác thải nhựa bay khắp phố phường Hà Nội

Thực tế nhiều người chưa hình dung được sự nguy hiểm của rác thải nhựa đối với con người, cho trái đất.

Cụ thể theo nghiên cứu của các nhà khoa học thế giới, đồ nhựa chứa nhiều chất độc hại với sức khỏe con người. Đa phần các loại ống hút, túi nilon, cốc nhựa dùng 1 lần… khi tiếp xúc với nhiệt độ cao đều có nguy cơ thôi nhiễm chất độc như cadimi, chì… gây nguy cơ ung thư cao.

Rác thải nhựa khi chôn lấp sẽ làm ô nhiễm nguồn nước ngầm. Con người sử dụng nước sinh hoạt bị ô nhiễm này sẽ có nguy cơ mắc nhiều bệnh như ảnh hưởng đường tiêu hóa, ung thư…

Khi đốt, rác thải nhựa sẽ sinh ra khí thải có chứa Dioxin và furan – là những chất cực độc với sức khỏe con người. Các loại khí này làm giảm khả năng miễn dịch, rối loạn chức năng tiêu hóa và thậm chí là dẫn đến nguy cơ ung thư cao nếu tiếp xúc thường xuyên.

Rác thải nhựa đổ xuống biển làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường biển, ảnh hưởng đến cuộc sống của hơn 1,5 triệu sinh vật biển, phá hủy hệ cân bằng sinh thái của biển.

Cần sự thay đổi

Hiện nay, nhiều quốc gia đã nhận ra tầm ảnh hưởng quan trọng của rác thải nhựa trên thế giới và bắt đầu có những hành động thiết thực. Như tại Châu Âu và Anh đã cấm sử dụng bông ngoáy tai, ống hút làm bằng nhựa và các sản phẩm nhựa sử dụng 1 lần như dao kéo và túi nilon. Ấn Độ cam kết đến năm 2020 sẽ cấm hoàn toàn việc sử dụng đồ nhựa dùng 1 lần.

Đốt rác thải nhựa tạo khí độc đe dọa sức khỏe con người

Đốt rác thải nhựa tạo khí độc đe dọa sức khỏe con người

Cùng với đó là nhiều quốc gia khác như Thái Lan, Trung Quốc, Campuchia đã tiến hành kêu gọi người dân nâng cao ý thức, đưa ra các chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích những dự án tái chế rác thải nhựa.

Theo xu thế tất yếu của thế giới, những năm trở lại đây Việt Nam đã bắt đầu có những hành động thiết thực trong việc chống lại ô nhiễm rác thải nhựa. Đáng chú ý như việc Chính phủ yêu cầu thay chai nhựa dùng 1 lần bằng cốc thủy tinh trong các cuộc họp quốc hội.

Tuy nhiên, để có những chuyển biến rõ rệt, chính quyền cần phải xác định việc đẩy lùi rác thải nhựa là mục tiêu quan trọng, cấp thiết và cần phải tự xây dựng được lộ trình chi tiết nhằm đẩy lùi rác thải nhựa.

Các Bộ, ngành cũng cần đưa ra hướng dẫn cho doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh rà soát, kiểm tra, đánh giá các nguy cơ, rủi ro về ô nhiễm môi trường. Xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường trong các hoạt động sản xuất kinh doanh; kiện toàn bộ phận chuyên trách về bảo vệ môi trường các cấp, rà soát, xây dựng quy chế quản lý, bảo vệ môi trường nội bộ; Xây dựng quy trình phân loại và thu gom phế thải nhựa có thể tái chế của người tiêu dùng và triển khai hình thức dán nhãn mác rõ ràng lên tất cả các vật liệu để xác định khả năng tái chế của sản phẩm.

Ngoài ra cần tuyên truyền vận động các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, trung tâm thương mại và siêu thị cắt giảm sử dụng nhựa, giảm thiểu đóng gói bao bì sản phẩm bằng nhựa và nilon, tăng cường sử dụng các sản phẩm từ vật liệu thân thiện với môi trường thay thế túi nilon, sử dụng các sản phẩm nhựa có khả năng tái chế, tái sử dụng…

Biển xanh sợ rác thải nhựa

Biển xanh sợ rác thải nhựa

Các cơ quan báo, đài tích cực truyền thông về tác hại của chất thải nhưa, túi ni lông đối với kinh tế - xã hội, môi trường và sức khỏe cộng đồng; Định hướng các biện pháp giảm thiểu phát sinh, giảm sử dụng, tái sử dụng chất thải nhựa trong đời sống hàng ngày.

Đặc biệt, bản thân mỗi người dân phải thay đổi thói quen sử dụng đồ nhựa, túi nilon trong sinh hoạt hàng ngày. Thực tế cho thấy, có bộ phân không nhỏ người dân ý thức được rằng sử dụng đồ nhựa sẽ gây những hậu quả không tốt đối với môi trường nhưng vì sự tiện dụng nên vẫn dùng như thói quen.

Bên cạnh đó phải kể tới tác động khách quan. Cụ thể, theo Luật Thuế bảo vệ môi trường (có hiệu lực từ ngày 1/1/2012), mỗi kg túi ni lông khó phân hủy sẽ chịu 40.000 đồng tiền thuế. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp sản xuất không đóng thuế bảo vệ môi trường.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, cơ quan thuế làm chưa nghiêm chuyện thu thuế bảo vệ môi trường. Do đó, chi phí giá thành túi ni lông bán ra thị trường khá thấp, dẫn đến việc các tiểu thương, người dân không mặn mà với việc sử dụng túi thân thiện với môi trường theo vận động của nhà nước trong thời gian qua.

Để giảm thiểu nguy hại từ rác thải nhựa, cần có sự phối hợp từ cơ quan trung ương tới từng người dân, từ đơn vị sản xuất đồ nhựa cho tới khâu xử lý rác thải. Nếu không quyết liệt hành động tạo nên chuyển biến, chính thế hệ tương lai sẽ phải nhận hệ quả từ việc ô nhiễm do rác thải nhựa.

Hoàng Giang

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/doi-song/hanh-trinh-cua-rac-bai-3-khong-de-tui-nilon-bit-duong-song-52026.html