Hành trình dài đưa hoa quả Việt vào Nhật Bản
Ngày 22/6, lô vải thiều tươi đầu tiên nhập khẩu từ Việt Nam đã chính thức lên kệ tại các siêu thị trên khắp Nhật Bản, kết thúc hành trình đầy gian nan tới 'đất nước Mặt trời mọc' của loại hoa quả này.
Mặc dù có giá bán khá cao, gần 120.000 đồng cho một hộp 9 quả, nhưng đặc sản Việt Nam vẫn được thị trường Nhật Bản đón nhận một cách tích cực. Nhiều người hy vọng sau vải thiều, nhiều hoa quả nhiệt đới khác của Việt Nam sẽ tiếp tục “Đông tiến” thành công vào thị trường khó tính này.
Chuyến bay đặc biệt
Việt Nam bắt đầu khởi động quá trình đàm phán với Nhật Bản về việc cấp phép nhập khẩu vải thiều vào năm 2014. Sau quá trình đàm phán kéo dài hơn 5 năm, ngày 15/12/2019, Bộ Nông-Lâm-Ngư nghiệp Nhật Bản (MAFF) đã gửi thư cho Cục Bảo vệ thực vật của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam để thông báo về việc Nhật Bản chính thức mở cửa thị trường cho quả vải thiều tươi của Việt Nam.
Trong thông báo trên, MAFF yêu cầu vải thiều phải trải qua một quy trình kiểm dịch thực vật nghiêm ngặt trước khi nhập khẩu vào Nhật Bản. Cụ thể, MAFF quy định quả vải thiều xuất khẩu sang Nhật Bản phải được trồng tại các vườn được Cục Bảo vệ thực vật kiểm tra, giám sát và cấp mã số vùng trồng, đáp ứng quy định về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm của Nhật Bản. Lô vải thiều xuất khẩu phải được đóng gói và xử lý xông hơi khử trùng bằng methyl bromide tại các cơ sở được Cục Bảo vệ thực vật và MAFF công nhận với liều lượng tối thiểu là 32g/m3 trong thời gian 2 giờ, dưới sự giám sát của các cán bộ kiểm dịch thực vật hai nước. Bên cạnh đó, các lô vải thiều xuất khẩu phải có giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật do Cục Bảo vệ thực vật cấp.
Đánh giá về quy định trên của phía Nhật Bản, ông Tạ Đức Minh, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Nhật Bản, cho biết so với nhiều thị trường khác trên thế giới, tiêu chuẩn kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm của Nhật Bản khắt khe hơn nhiều. Việc đáp ứng các tiêu chuẩn này không dễ, đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ của nhiều bên, từ người nông dân, các công ty xuất khẩu của Việt Nam và công ty nhập khẩu của Nhật Bản cho đến các cơ quan chức năng của hai nước.
Để chuẩn bị cho việc đưa vải thiều vào thị trường này, trong hai năm 2018 và 2019, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản đã nhiều lần mời các doanh nghiệp Nhật Bản sang Việt Nam để khảo sát vùng trồng vải thiều Lục Ngạn và có các buổi làm việc với Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang cũng như lãnh đạo Ủy ban Nhân dân huyện Lục Ngạn. Trong khi đó, tỉnh Bắc Giang đã quy hoạch vùng trồng và áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến vào sản xuất để kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật theo đúng quy định của Nhật Bản. Ngoài ra, nhiều thí nghiệm nghiêm ngặt đã được thực hiện để đảm bảo diệt trừ triệt để các loại vi sinh vật có khả năng tồn tại trên quả vải. Có thể nói, phía Việt Nam đã nỗ lực hết sức để đảm bảo thực hiện đúng các quy định của Nhật Bản, với mục tiêu cuối cùng là đưa quả vải thiều vào thị trường này.
Tuy nhiên, vào phút cuối, dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã khiến mọi thứ đảo lộn. Các biện pháp hạn chế nhập cảnh mà hai nước áp dụng sau khi dịch bệnh bùng phát đã khiến cho các chuyên gia nông nghiệp Nhật Bản không thể sang Việt Nam để giám sát khâu đóng gói và xử lý xông hơi khử trùng. Trong khi đó, đây là một trong những điều kiện tiên quyết để quả vải thiều của Việt Nam có thể vào thị trường này.
Trong bối cảnh đó, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam và Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản đã tích cực trao đổi với bộ nông nghiệp của hai nước để tìm cách gỡ khó, tạo điều kiện cho chuyên gia Nhật Bản sang Việt Nam. Ngày 3/6, với sự vận động quyết liệt của Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, một chuyến bay đặc biệt của Vietnam Airlines, chở theo duy nhất một hành khách là chuyên gia nông nghiệp Nhật Bản, đã đáp xuống sân bay Nội Bài. Sau hai tuần cách ly theo quy định, ngày 18/6, chuyên gia nông nghiệp Nhật Bản đã phối hợp với các chuyên gia Việt Nam để tiến hành công tác giám sát quá trình xử lý tại các cơ sở xông hơi khử trùng. Và ngay trong ngày hôm đó, gần 5 tấn vải thiều đã được xử lý xông hơi và được chuyên gia Nhật Bản xác nhận kết quả đạt chuẩn.
Một ngày sau, ngày 19/6, lô vải thiều tươi đầu tiên của Việt Nam đã lên đường sang Nhật Bản bằng đường hàng không. Sau đó, số vải thiểu này đã được chuyển tới các siêu thị của AEON và các chợ đầu mối của các nhà nhập khẩu VIENT Corportion, Yufruit hay Sunrise Farm để bày bán. Các lô hàng tiếp theo sẽ được chuyển tới Nhật Bản bằng đường biển. Theo dự kiến, có khoảng gần 200 tấn vải thiều tươi sẽ cập cảng Nhật Bản trong năm nay.
Đánh giá về việc vải thiều Việt Nam ra mắt thành công tại thị trường Nhật Bản, Đại sứ Vũ Hồng Nam khẳng định sự kiện này chứng tỏ trình độ nông nghiệp của Việt Nam đã đáp ứng được tiêu chuẩn cao của một thị trường khó tính như Nhật Bản. Bên cạnh đó, Đại sứ nhấn mạnh sự kiện này sẽ góp phần thay đổi cách thức sản xuất của người nông dân Việt Nam, giúp họ tạo ra các nông sản có giá trị và chất lượng cao hơn và từ đó, có thu nhập cao hơn.
Trong khi đó, ông Tạ Đức Minh, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Nhật Bản, cho rằng việc thâm nhập thành công vào một thị trường có tiêu chuẩn cao như Nhật Bản sẽ giúp mở ra “những cánh cửa xuất khẩu” mới cho vải thiều của Việt Nam. Tham tán Tạ Đức Minh nói: “Do Nhật Bản là một trong những thị trường có tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm khắt khe nhất thế giới nên việc quả vải tươi của Việt Nam thâm nhập thành công vào thị trường này sẽ giúp chúng ta mở thêm những cánh cửa xuất khẩu sang các nước phát triển khác”.
Tiềm năng còn rất lớn
Vải thiều là loại hoa quả tươi thứ tư của Việt Nam sau thanh long, xoài và chuối đã thâm nhập thành công vào thị trường Nhật Bản. Tuy nhiên, để sản phẩm này có chỗ đứng vững chắc tại thị trường Nhật Bản, Tham tán Tạ Đức Minh cho rằng các doanh nghiệp xuất khẩu cần tuân thủ chặt chẽ các quy định về kiểm dịch và tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm của Nhật Bản. Đáng chú ý, cần phải đặc biệt lưu ý về khâu kiểm dịch, bởi vì bất cứ lô vải thiều tươi nào có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt quá mức quy định của Nhật Bản đều sẽ bị trả lại hoặc bị tiêu hủy, cho dù lô hàng này đã được xử lý xông hơi khử trùng.
Bên cạnh đó, ông khuyến cáo trái cây xuất khẩu phải được thu hoạch từ nơi có quy hoạch vùng trồng, được kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, có thể truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm và tuyệt đối không được dùng thuốc bảo vệ thực vật mà phía bạn không cho phép.
Cùng với vải thiều, thanh long, xoài và chuối, người tiêu dùng Nhật Bản cũng ưa chuộng nhiều loại hoa quả nhiệt đới khác của Việt Nam như long nhãn và bưởi da xanh. Vì vậy, cơ hội cho hoa quả Việt Nam thâm nhập thị trường này rất lớn. Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Soichi Okazaki, Giám đốc phụ trách khu vực ASEAN của Công ty TNHH AEON, nhấn mạnh Việt Nam là một trong những nước nhiệt đới có hoa quả rất phong phú. AEON rất muốn nhập khẩu các mặt hàng này để phục vụ người tiêu dùng tại Nhật Bản. Theo ông Okazaki, trong thời gian tới, AEON hy vọng sẽ nhập khẩu long nhãn của Việt Nam.
Về phần mình, Đại sứ Vũ Hồng Nam cho biết sắp tới, Đại sứ quán sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng để đưa long nhãn và nhiều hoa quả khác của Việt Nam vào thị trường Nhật Bản.
Mặc dù vậy, trên cơ sở kinh nghiệm từ việc xuất khẩu quả vải thiều, các chuyên gia cho rằng song song với việc đàm phán để mở cửa thị trường, Việt Nam cần sớm tiến hành quy hoạch vùng trồng và áp dụng các kỹ thuật canh tác tiên tiến để đảm bảo các sản phẩm đầu ra có thể đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe của Nhật Bản. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần nghiên cứu áp dụng các công nghệ bảo quản tiên tiến để giữ hoa quả tươi lâu hơn, đảm bảo chất lượng trong quá trình vận chuyển. Nếu làm được như vậy, chắc chắn chúng ta sẽ chứng kiến thêm nhiều loại hoa quả đặc sản khác của Việt Nam có mặt trên các kệ siêu thị ở “đất nước Mặt trời mọc”.