Hành trình đầy xúc động của chú chó đầu tiên bay vào vũ trụ, được TG vinh danh

Xét ở góc độ khoa học, chuyến bay lịch sử của Laika đã mở đường cho những sứ mệnh không gian về sau do con người thực hiện.

Để có được bước tiến dài, tạo nên "buổi bình minh chinh phục vũ trụ của loài người", tất yếu phải thực hiện các thí nghiệm. Và động vật là đích mà giới khoa học nhắm đến để "đo" tác động của không gian lên sinh vật sống trước tiên.

Chú chó Laika, giống chó lai giữa husky và spitz được Liên Xô lựa chọn để thực hiện sứ mệnh bay vào không gian lần đầu tiên trong lịch sử nước này. Laika thực chất là một con vật vô chủ, sống lang thang trên khắp đường phố Moskva. Sau đó, nó được các nhà khoa học nhận về nuôi, và đối xử với nó tốt nhất có thể vì họ biết rằng một ngày nào đó, con vật nhỏ sẽ phải hy sinh vì khoa học.

Chuyến bay cảm tử

Trước khi nhận nhiệm vụ bay vào vũ trụ, chó Laika đã trải qua một quá trình đào tạo ngắn ngày cùng hai con chó khác. Ngày 3/11/1957, Laika nhận sứ mệnh lịch sử của mình lên tàu Sputnik 2 và được phóng vào không gian.

Không lâu sau khi Sputnik 2 được phóng đi, các nhà khoa học Liên Xô đã phải thừa nhận rằng do các thiết bị đổ bộ chưa kịp hoàn thiện nên tàu Sputnik 2 đã được xác định là sẽ thực hiện chuyến bay thử nghiệm cảm tử. Điều đó có nghĩa là số phận của Laika đã được định đoạt ngay từ đầu. Nó sẽ chết và bị thiêu cháy cùng với con tàu khi quay trở lại bầu khí quyển trái đất.

6 ngày sau thời điểm phóng vệ tinh, Trái đất hoàn toàn mất liên lạc với tàu Sputnik 2. Các thông tin do Cơ quan nghiên cứu vũ trụ Liên Xô cung cấp vào thời điểm đó cho thấy Laika đã sống tới ngày thứ 4 của chuyến du hành.

Sau 163 ngày bay vòng quanh quỹ đạo trái đất, ngày 14/4/1958, Sputnik 2 mang theo xác Laika đã rực cháy trên đường trở về Trái đất, kết thúc xuất sắc sứ mạng tiên phong của mình.

Theo đó, những cảm biến gắn trên cơ thể của Laika đã ghi nhận rằng ngay sau khi khoang lái đạt vận tốc 28.968 km/giờ, nhịp tim của Laika đã tăng gấp 3 lần bình thường do nóng, sợ hãi và căng thẳng. Và sau khoảng từ 5 đến 7 giờ trên quỹ đạo, trạm kiểm soát mặt đất đã không nhận được thêm bất cứ một tín hiệu sống nào của Laika.

Về nguyên nhân gây ra cái chết của Laika, các nhà khoa học đều nhất trí rằng, Laika đã chết do hoảng sợ quá độ khi Sputnik 2 ở vào tình trạng không trọng lực. Bên cạnh đó, trục trặc của hệ thống điều hòa đã khiến nhiệt độ khoang lái tăng cao quá ngưỡng chịu đựng của cơ thể sống.

Vinh danh

Mặc dù không có cơ hội sống sót trở về, nhưng sự hy sinh của Laika không hề uổng phí, bởi nó đã giúp chứng minh một điều quan trọng, đó là: sinh vật sống có thể tồn tại trong tình trạng không trọng lực ngoài không gian.

Và cũng chính chuyến bay của Laika đã mở đường cho việc chuẩn bị phóng tàu có người lái không lâu sau đó, cũng như đem lại cho các nhà khoa học những số liệu đầu tiên về việc các sinh vật sống phản ứng như thế nào trong môi trường vũ trụ.

Rút kinh nghiệm từ Spunik 2, ngày 12/4/1961, Liên Xô đã phóng thành công tàu Phương Đông 1 đưa Yuri Gagarin – phi công vũ trụ đầu tiên của loài người lên quỹ đạo, đánh dấu sự mở đầu cho kỷ nguyên chinh phục vũ trụ của nhân loại.

50 năm sau khi xác Laika được hỏa thiêu trong bầu khí quyển, người Nga đã dựng một tượng đài tưởng niệm gần một trạm nghiên cứu quân sự bên đại lộ Petrovsko - Razumovsky ở Moskva, nơi từng chuẩn bị cho chuyến bay của Laika.

Bức điêu khắc là tác phẩm của nghệ sĩ Pavel Medvedev, với hình tượng Laika nằm trên một bàn tay con người giống với hình tên lửa, có lẽ mang ý nghĩa rằng nó sẽ nâng bước Laika đi về phía các vì sao.

Cersei(Tổng hợp)

Nguồn VTC: https://vtc.vn/hanh-trinh-day-xuc-dong-cua-chu-cho-dau-tien-bay-vao-vu-tru-duoc-tg-vinh-danh-ar655518.html